Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng theo xu hướng

(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại sản phẩm mới với nhiều hoạt chất mới trên thị trường. Các nền tảng tương tác online với nội dung đa dạng giúp khách hàng có thêm lựa chọn thương hiệu từ nhiều nơi. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm cho những nhãn hàng “ăn xổi ở thì” thổi phồng sản phẩm và có nguy cơ tạo ra hệ lụy cho sức khỏe.

Làm đẹp qua “màn hình” tăng trưởng mạnh

Đại diện Metric (đơn vị nghiên cứu số liệu thương mại điện tử) chỉ ra ngành làm đẹp trên sàn thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tổng quan ngành hàng làm đẹp năm 2023 trên 5 sàn thương mại điện tử hiện nay, doanh thu tổng ngành chiếm đến 37,7 nghìn tỉ đồng với số lượng bán lên đến 341 triệu sản phẩm, ước tính tăng trưởng so với 2022 hơn 50%. Hiện có khoảng 137.000 cửa hàng đang kinh doanh trong lĩnh vực.

Ngành hàng làm đẹp có doanh thu đứng đầu trong bảng xếp hạng ngành và đứng thứ 2 về số lượng bán trên tổng 5 sàn bán lẻ trực tuyến trong năm 2023. Riêng hai tháng đầu năm 2024, doanh số ngành mỹ phẩm cũng tăng 37% so với cùng kỳ năm trước với gần 1.500 tỉ đồng cho gần 11 triệu sản phẩm đã bán.

Theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam năm 2022 có giá trị khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ. Hầu hết các cửa hàng mỹ phẩm tập trung chủ yếu tại hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM và còn tăng trong nhiều năm tới. Ảnh: DNCC

Một báo cáo khác của Vietnam Business Insider chỉ ra Việt Nam là “điểm nóng” của các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài với hơn 93% sản phẩm mỹ phẩm được nhập khẩu. Hàn Quốc là nước xuất khẩu mỹ phẩm sang Việt Nam cao nhất với 30%, tiếp theo là Châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ, còn lại là Singapore và Trung Quốc. Trong khi các thương hiệu trong nước chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng lượng tiêu thụ.

Các cửa hàng và chuỗi hệ thống các cửa hàng về chăm sóc sắc đẹp là kênh tiếp cận chính cho người dùng, với con số trung bình lần lượt là 47% và 45%. Các kênh phổ biến tiếp theo là cửa hàng của các thương hiệu (44%), nền tảng thương mại điện tử (34%).

Ông Đỗ Duy Khánh, đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Skinlosophy tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trăng trưởng 300% trong năm qua so với năm 2022. Lý do lớn nhất góp phần cho mức tăng trưởng này là nhờ sự lan tỏa, tiếp cận khách hàng trên các nền tảng, trang mạng xã hội.

Thông thường để tới tay người tiêu dùng, một sản phẩm làm đẹp phải trải qua công đoạn nghiên cứu sáng tạo công thức rồi đến làm thương hiệu. Đứng từ góc độ người tiêu dùng, ông Khánh thấy người Việt đang càng ngày càng làm tốt hơn cho sản phẩm.

Về phía làm thương hiệu, các nhãn hàng đã càng ngày càng đầu tư hơn vào bao bì nhãn mác cũng như hình ảnh truyền thông, khiến cho sản phẩm trông bắt mắt không thua kém gì với các sản phẩm của nước ngoài. Việc đặt tên hay tạo ra các khái niệm mới để chinh phục người tiêu dùng thì ngày càng kỹ và bắt kịp xu thế hơn.

Về phía nghiên cứu, một mặt Việt Nam đã liên tục ra mắt các loại chiết xuất, hoạt chất do tự mình nuôi trồng và sản xuất với tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, ở thời đại giao thương dễ dàng như bây giờ, các phòng nghiên cứu ở Việt Nam đã có thể tiếp cận và hợp tác với những nhà cung cấp nguyên liệu lớn trên thế giới đảm bảo không bao giờ bị lỗi nhịp với xu thế mỹ phẩm toàn cầu.

Mặt khác phía khách hàng đang chứng kiến hại nhiều hơn lợi. Nhóm đối tượng bắt trend (xu hướng) nhanh thường là các bạn mới dùng mỹ phẩm, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức dưỡng da nên muốn thử nhiều thứ.

Mỗi tháng, chị Trường An, ngụ TP Thủ Đức chi khoảng 1-2 triệu đồng cho tiền mua sắm mỹ phẩm. Chị thường chi tiêu trong những ngày khuyến mãi, theo lời chia sẻ từ người hướng dẫn làm đẹp (beauty blogger) trên mạng mà chị yêu thích.

“Từ khi có các nền tảng mạng xã hội, hầu như các sản phẩm làm đẹp tôi tự tìm hiểu, nghe giới thiệu nhiều nơi rồi quyết định mua. Có những thương hiệu lần đầu tôi mới biết, sau khi họ sử dụng, có trải nghiệm, kết quả nếu cảm thấy phù hợp với nhu cầu tôi sẽ mua theo”, chị nói.

Thực tế, có những lần mua thành công hoặc thất bại, chị Ngọc Quyên, ngụ TP Biên Hòa nhớ lại không ít lần bỏ phí sản phẩm mua theo lời giới thiệu hoặc quảng cáo trên mạng vì thấy lượt mua nhiều, giá “hời”, nhưng sử dụng không có hiệu quả. Thay vì mua ở siêu thị, cửa hàng, giờ đây chị chọn mua trên mạng xã hội những mã mới giá rẻ hơn khoảng 30-40% mà tính năng, hoạt chất cũng tương tự.

Thận trọng với lời quảng cáo “na ná” nhau

Chia sẻ với KTSG Online, ông Tuấn Anh, đồng sáng lập của EcomTik, một nền tảng chuyên về phân tích và tìm kiếm những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực giới thiệu, review sản phẩm (KOC), những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người nổi tiếng (KOL) cho hay, trên ứng dụng Tiktok hiện nay có khoảng 150.000 KOL, KOC hoạt động thường xuyên tạo doanh thu cho nhãn hàng. Trung bình, có hơn 30 triệu nội dung được sản xuất từ những người làm công việc này, đồng thời có khoảng 300.000 chương trình mà các thương hiệu “bắt tay” cùng họ làm tiếp thị liên kết, quảng cáo sản phẩm.

Accesstrade, công ty chuyên về mạng lưới tiếp thị liên kết (Affiliate Network), thống kê hệ thống có gần 2 triệu thành viên làm vị trí này. Từ năm 2015 đến năm 2019, các Affiliate Network như Accesstrade, Adflex, Ecomobi… đã đóng góp tới 10% tổng doanh số cho sàn thương mại điện tử. Trung bình cứ 10 đơn mua trên sàn sẽ có 1 đơn tới từ mạng lưới liên kết.

Báo cáo khác về thị trường người làm tiếp thị liên kết, quảng cáo (KOC, Influencer) chỉ ra có khoảng 23% người mua hàng theo lời quảng cáo. Trong khi số lượng nội dung giới thiệu sản phẩm đến từ những người này khoảng 90%.

Từ một thương hiệu mỹ phẩm Việt có 9 năm trên thị trường, chị Phạm Thị Trang, người sáng lập Twins Skin, cho rằng việc các bên liên tiếp “tung” những mẫu mã mới giúp thị trường tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng mới, giữ chân khách cũ. Đồng thời cũng kích sức cầu để có sự sàng lọc mặt hàng chất lượng.

Mức giá trung bình chung người tiêu dùng chi trả cho một sản phẩm chăm sóc, làm đẹp trong 2023 là 110.000 đồng/sản phẩm. Ảnh: DNCC

Thực tế, hiện có rất nhiều sản phẩm của các hãng theo “thời vụ” xuất hiện với đặc điểm lặp lại tương tự nhau cách gọi công dụng, tên hoạt chất. Hoạt động quảng bá marketing rầm rộ theo mùa với tần suất dày đặc, nhưng hiệu quả, thành phần sản phẩm không rõ ràng.

Theo đại diện Twins Skin, chị cho rằng mỗi công nghệ hay công thức mới xuất hiện phải mất thời gian lên đến hàng năm để nghiên cứu, xin phiếu công bố, hoàn tất các tiêu chí, sản phẩm mới đến tay khách hàng.

Không dễ trong vài tháng đã có loạt nhãn hàng chào bán mã hàng mới với các công dụng, cách gọi chung chung, không có chứng minh hiệu quả lâm sàng. Người dùng nên có tiêu chí chọn lựa thay vì mua theo lời giới thiệu tránh tác hại trên da, gây lãng phí.

Dự đoán lĩnh vực mỹ phẩm ở Việt Nam đạt mức 3,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm. Ảnh: DNCC

Trong năm 2024, trước làn sóng chung, doanh nghiệp Twins Skin chọn hướng đi tập trung vào tệp khách hàng ngách, ghi nhận số khách giảm nhưng doanh thu tăng vì giá trị trong mỗi đơn hàng tăng lên, tỉ lệ khách quay lại cao.

TS.BS Nguyễn Ngô Lê Minh Anh, nguyên trưởng phòng khám da, thẩm mỹ Đông y bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cơ sở 3 cho rằng, trong một số trường hợp, việc ra mắt sản phẩm với các tên gọi mới có thể chỉ là một cách để tạo ra sự hấp dẫn cho người tiêu dùng mà không cần phải có sự nghiên cứu bài bản về sản phẩm đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm mới, đồng thời không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về tính chất và công dụng của sản phẩm.

Bác sĩ gặp nhiều trường hợp điều trị da mặt do người dùng sử dụng quá nhiều hoặc kết hợp các sản phẩm, hoạt chất mới mà không được tư vấn đúng cách. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề như kích ứng da, dị ứng, vi khuẩn, viêm nhiễm và mụn… Hiện tại, thị trường đang đẩy các dòng sản phẩm tự peeling (phương pháp thay da sinh học) tại nhà, dễ gây ra một số tác dụng phụ nếu không làm đúng.

Bác sĩ da liễu Minh Châu từ đơn vị Skinone lưu ý thêm một vấn đề, đối với các sản phẩm bôi thoa để đạt được kết quả trên da thời gian sử dụng phải rất dài. Do đó, không nên thay đổi sản phẩm liên tục khi loại đang sử dụng chưa kịp phát huy hiệu quả điều trị, khiến sức khỏe làn da ngày một xuống cấp và không mang lại kết quả như mong muốn.

Việc đổi mới sản phẩm, thay đổi hoạt chất liên tục của nhiều thương hiệu hiện nay có thể xem là một tín hiệu tốt trong ngành làm đẹp. Song người tiêu dùng nên chọn hoạt chất, sản phẩm phù hợp với làn da.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối