Minh Duy -
Vài ngày trước, Tập đoàn Genting, một tập đoàn kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí tại châu Á, vừa nhận tàu Genting Dream để chạy tuyến châu Á. Chủ đầu tư đã tạo nên một con tàu khác biệt với rất nhiều tàu du lịch hạng sang trên thế giới. Đó là những cabin có thể kết nối với nhau, thích hợp cho khách gia đình, nhóm bạn bè, 35 nhà hàng phục vụ món Á, nhà hát lớn phát chương trình giải trí China’s Got Talent… và đặc biệt 2.000 thủy thủ biết nói tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ của thị trường chính mà tập đoàn muốn phát triển.
Phần lớn chi tiêu của khách quốc tế ở Việt Nam là thuê khách sạn nghỉ và ăn uống, còn những chi phí về mua sắm, giải trí... chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi tiêu.
Dịch vụ khác biệt, theo nhu cầu của thị trường như cách mà tập đoàn này thực hiện là điều mà doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý du lịch trong nước có thể tham khảo, theo ý kiến một số người trong ngành.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Pegas Misr Travel Vietnam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng đưa du khách Nga sang Việt Nam, cho rằng trình độ tổ chức dịch vụ, giải trí ở Việt Nam còn yếu. Các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nói riêng về giải trí, phần lớn các chương trình giải trí trên các thuyền du lịch hay nhà hàng đều là biểu diễn văn nghệ dân tộc. Đây là tinh túy của dân tộc nhưng cứ tổ chức mãi và nơi đâu cũng có thì rất nhàm chán.
“Tôi vừa đi Úc về, thấy ở đó có những hòn đảo rất nhỏ, không xinh đẹp bằng các đảo ở Phú Quốc, nhưng lại có hàng loạt dịch vụ từ mặt biển cho đến trên trời, khiến du khách không hết cái để chơi. Trong khi đó, khi đến Phú Quốc, khách có rất ít lựa chọn, thường chỉ là tắm biển và lang thang dạo phố”, bà Thu nói. Bà nhận xét thêm, với thị trường Nga tuy đã phát triển từ nhiều năm qua nhưng do dịch vụ tại điểm đến vẫn còn rất ít, chưa hấp dẫn với khách, cho nên khi quảng cáo tour, doanh nghiệp cũng chỉ chú trọng vào điểm mạnh là bãi biển đẹp và khí hậu ấm áp.
Theo nhiều doanh nghiệp, việc thiếu dịch vụ, sản phẩm du lịch không chỉ vì doanh nghiệp trong nước chưa đủ tầm để đầu tư mà có nguyên nhân rất lớn từ cơ quan quản lý. Thực tế từ nhiều năm qua, doanh nghiệp cũng thay đổi sản phẩm, rất nhiều dịch vụ tại các tổ hợp du lịch ở Quảng Ninh, Phú Quốc… đã trở thành cơ hội cho các công ty du lịch làm mới chương trình tour ở điểm đến quen thuộc.
Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa có chiến lược bài bản để phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho du khách, đặc biệt là những thị trường mà ngành du lịch muốn phát triển. Cơ quan quản lý luôn nhấn mạnh rằng muốn phát triển những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, châu Âu… nhưng lấy sản phẩm gì để phục vụ khách và làm sao để phát triển sản phẩm đó thì không được đề cập chi tiết để làm.
Cũng theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý còn thiên về việc quản lý hơn là cùng với doanh nghiệp phát triển thị trường. Chẳng hạn, khi khách Trung Quốc đổ đến quá đông, vấn đề quản lý sự lộn xộn của thị trường này được đặt ra liên tục, nhiều biện pháp được triển khai, nhưng một phần quan trọng gây ra sự lộn xộn này là do thiếu dịch vụ, thiếu hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc để chăm sóc khách nên doanh nghiệp Trung Quốc mới có thêm cơ hội để đưa hướng dẫn viên vào, mở nhà hàng, cửa hiệu để khép chặt vòng tròn dịch vụ khiến thất thu thuế thì vẫn không được bàn đến thật nghiêm túc để khắc phục.
Những số liệu mới nhất, được khảo sát vào năm 2014 của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy phần nào sự kém hấp dẫn của dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Phần lớn chi tiêu của khách quốc tế chỉ là để thuê khách sạn nghỉ và ăn uống. Những chi phí về mua sắm, giải trí... chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi tiêu. Theo đó, chi tiêu bình quân một lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú là hơn 1.114 đô la Mỹ, trong đó tiền thuê phòng là 33,14% , chi ăn uống chiếm 23,74%, chi mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%, các chi khác chiếm 3,79%.
So sánh các khoản chi của du khách tại Thái Lan và Việt Nam có thể thấy rằng, tại Việt Nam, chi phí cho ăn uống, thuê phòng và vận chuyển đều cao hơn, ngược lại ở Thái Lan, chi phí cho mua sắm, vui chơi giải trí lại cao hơn gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TNT, cho rằng cần phải xác định và tập trung vào những trọng điểm chính để tạo ra sản phẩm thực sự hấp dẫn cho khách du lịch và đối với từng thị trường trọng điểm cần đưa ra những sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, với thị trường Nhật nên tập trung tạo các sản phẩm như ẩm thực, mua sắm tại các điểm đến như Hà Nội, Hạ Long, TPHCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, Hội An, Huế…
Trong một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các loại sản phẩm du lịch về biển, đảo, văn hóa, sinh thái… đã được xác định và hình thành nhưng chưa có sự đầu tư tập trung để tạo nên những khu du lịch, điểm du lịch lớn, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch còn mang tính tự phát, chưa thực sự theo nhu cầu thị trường. Vì thế, đây là vấn đề mà ngành sẽ quan tâm hơn trong thời gian tới.