Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Thị trường thiếu nhiều lao động tri thức

Hiện Việt Nam thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động có trình độ cao. Để cung cấp cho thị trường nguồn nhân công có thể làm việc với máy móc hiện đại, nền giáo dục dạy nghề tại Việt Nam cần đổi mới và đẩy mạnh mối liên hệ với doanh nghiệp.

Nguồn cung nhân lực lao động tri thức ở Việt Nam đang không đủ cầu.

Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. “Lao động tri thức” (knowledge worker) là lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà rô bốt không thể làm thay. Ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án vùng, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định trong một hội thảo nghề nghiệp diễn ra vào đầu tháng 7, cho rằng thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực loại này.

Hiện trạng đáng lo

Ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam, đánh giá nền kinh tế của đất nước đang bắt đầu tận dụng sự tiên tiến của công nghệ. Các nhà máy hiện đang chuyển dần sang tự động hóa, áp dụng công nghệ rô bốt, kết nối bằng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng được cho nền kinh tế số hóa rất đáng lo ngại khi 40% các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng rất khó tuyển lao động lành nghề trong nước. Theo nghiên cứu của Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam, nước ta đang thiếu từ lao động kỹ năng (skilled workers) cho công việc bán tự động chứ chưa nói đến lao động tri thức cho công việc tự động hóa. Trong bảng xếp hạng 100 nước thì Việt Nam đứng thứ 70 về năng lực của lao động, theo số liệu từ World Economic Forum 2018.

Tuy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực cải cách đào tạo nghề để phát triển số lượng công nhân lành nghề 2010-2020, Việt Nam vẫn xếp hạng 87 trong 90 nước được nghiên cứu về khả năng đào tạo và thu hút lao động lành nghề. Vì vậy việc chuẩn bị lực lượng lao động tri thức, lao động kỹ năng và sự liên kết của nhiều nguồn lực trong xã hội là rất cần thiết.

Nguồn gốc của sự thiếu hụt

Ý kiến từ đại diện một số trường đại học ở Việt Nam cho rằng sự thiếu hụt lao động trí thức bắt nguồn từ cách xác định nhu cầu nhân lực để mở ngành học của các trường nghề. Hiện tại, các trường nghề vẫn dựa trên nhu cầu và quyết định bởi thí sinh và phụ huynh để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh cho dù không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Tâm lý phụ huynh thường muốn con em mình vào đại học, chỉ khi không đậu đại học mới vào trường nghề. Chỉ có khoảng 10% học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp PTTH, trong khi thị trường cần nhiều lao động có nghề hơn nữa. Các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên cần thiết là phải thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục dạy nghề, thay vì mở ngành học theo nhu cầu của phụ huynh, người học thì nên xem xét nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Chương trình học lạc hậu cũng là nguyên nhân làm cho lực lượng sinh viên nghề khi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng. Trong khi thị trường thay đổi rất nhanh nhưng chương trình học hầu như không thay đổi gì nhiều qua suốt một thời kỳ dài. Các chương trình thực hành không đáp ứng được kinh nghiệm thực tế cho sinh viên. Các chuyên gia nhận định hệ thống giáo dục dạy nghề công hiện nay chưa đáp ứng được vai trò cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho thị trường. Nguyên nhân là vì khối trường dạy nghề công không chịu sự cạnh tranh và đào thải của thị trường cũng như chưa tự chủ trong doanh thu. Việc mang lại động lực đổi mới cho khối này là rất gian nan.

Khó khăn cần tháo gỡ

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị, trường Cao đẳng Nghề Nam Định, nói sinh viên cần được thực tập trong môi trường thực tiễn. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn, các trường dạy nghề tư không thể đầu tư máy móc thiết bị chuyên môn cho các chương trình thực hành, trường công có đầu tư thì máy móc cũ đã lạc hậu. Do đó, hệ thống dạy nghề cần tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, để sinh viên có cơ hội thực hành tại các nhà máy phân xưởng. Nhưng hiện tại, chỉ có khối đào tạo nghề tư thục mới chú trọng vào xây dựng liên kết với các doanh nghiệp.

Các trường dạy nghề tư có mối quan hệ mật thiết hơn với doanh nghiệp nên có thể nắm rõ nhu cầu nguồn lao động của thị trường, theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế và thiết kế các chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn hơn. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp khi trường có thể cung cấp trở lại lao động chất lượng và có kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, không nhiều trường công thấy được tầm quan trọng của mối liên hệ này.

Xã hội cùng chung tay

Để đào tạo nghề phát triển phù hợp với thời đại, theo các chuyên gia, nên kêu gọi sự chung tay của các nguồn lực trong xã hội. Các chuyên gia đề xuất nên có luật định bắt buộc đưa các nguồn lực liên quan liên kết với nhau để cải cách ngành đào tạo nghề. Đầu tiên là khuyến khích hơn nữa nguồn vốn từ tư nhân vào giáo dục dạy nghề tư thục.

Nhà nước nên hỗ trợ để các doanh nghiệp thấy được lợi ích khi đầu tư vào đào tạo nghề. Thành lập các hiệp hội từ các công đoàn để liên kết mối quan hệ giữa trường nghề, trường đại học và doanh nghiệp cùng tương tác trong hoạt động nghiên cứu về thị trường và đào tạo. Tiến tới cải tiến chương trình học, mở các ngành học sát với nhu cầu thực tế, lấy thực hành làm trọng tâm.

Việc xã hội hóa nguồn vốn trong giáo dục dạy nghề, mở thêm các trường nghề tư có thể tạo ra môi trường cạnh tranh phát triển trong giáo dục dạy nghề. Nguồn vốn tư nhân trong giáo dục dạy nghề có thể giúp cho các nhà quản lý sáng tạo hơn với thay đổi của kinh tế xã hội. Thông qua mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp sinh viên sẽ được thực hành trên máy móc có kinh nghiệm thích ứng với các sự cố trong khi vận hành máy. Khi ra trường các em sẽ được trường sắp xếp, giới thiệu, giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối