Thứ năm, Tháng Một 16, 2025

Thiên thần nhỏ của tôi

QUỲNH NGA -

Vở diễn có bảy nhân vật thì hết ba nhân vật trung tâm đều là những cô bé, cậu bé chỉ trên dưới mười tuổi. Không có những màn nhảy múa sinh động, cũng không có những tràng cười rộn rã như thường thấy của những vở kịch dành cho thiếu nhi, Thiên thần nhỏ của tôi (tác giả Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Lan Phương) chọn cho mình một lối đi riêng, nhẹ nhàng như một bài thơ và vì thế trở thành một mảng màu lạ lẫm nhưng đầy thú vị, như một món quà đặc biệt của những người rất yêu trẻ thơ dành cho khán giả nhỏ tuổi.

VH_1Hà Mi vai Hồng Hoa và Trọng Khang vai Kha, hai “thỏi nam châm” đặc biệt của vở diễn. Ảnh: Trần Hà

Vẫn là câu chuyện xoay quanh các nhân vật chính là hai anh em Khánh, Kha và cô bé hàng xóm Hồng Hoa, nhưng Thiên thần nhỏ của tôi được kể trên sàn diễn lại là một cách rất khác và tập trung chủ yếu vào những mối quan hệ gia đình, bạn bè của những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư trước mọi biến cố của cuộc sống, của gia đình...

Là vở diễn sân khấu, nhưng Thiên thần nhỏ của tôi mang đậm dấu ấn của điện ảnh từ cách xử lý ánh sáng, trang trí sân khấu, đến cách xếp đặt từng lớp diễn và cả phần âm nhạc. Sân khấu hiếm khi được đánh ánh sáng quá sáng hoặc nhiều màu. Với gam màu chủ đạo là ánh sáng xanh lá cây và sự tinh tế trong cách xử lý cường độ, ánh sáng sân khấu không chỉ mang lại những sự thú vị về mặt thị giác để người xem như thấy sân khấu có chiều sâu hơn, khu vườn nhỏ trở nên sinh động hơn... mà còn góp phần không nhỏ cho người xem có được những cảm xúc khác biệt để không ít lần ngỡ như đang được trở lại với khu vườn xanh ngắt, với những trò chơi, những hờn dỗi rất trẻ con của mình và bạn bè thời thơ ấu.

Trong tổng thể đó cách xử lý âm nhạc cũng mang dấu ấn riêng, rất ít khi thấy ở những vở diễn dành cho thiếu nhi thời gian gần đây. Nhẹ nhàng cuốn theo mạch vở diễn, âm nhạc có khi chỉ là âm thanh đơn lẻ của từng phím đàn, có khi trong veo, mảnh mai như tiếng gõ rất khẽ của bộ gõ kim loại hoặc thủy tinh... nhưng tất cả như chất xúc tác lạ kỳ, dẫn mạch câu chuyện len lỏi chạm vào cảm xúc của người xem.

Bất ngờ lớn nhất ở Thiên thần nhỏ của tôi có lẽ là sự mạo hiểm khi quyết định khai thác khả năng diễn xuất, thể hiện tâm lý của những diễn viên nhí, lần đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn: Thuận Hưng, Trọng Khang, Hà Mi. Rất nhiều cảnh chỉ có hai diễn viên nhí diễn “tay đôi” với nhau, nhưng khán giả vẫn cứ bị hút mắt vào sân khấu, không thể rời!  So với hai bạn diễn, Thuận Hưng có khá nhiều lợi thế khi đã xuất hiện ở hàng chục bộ phim truyền hình với nhiều tính cách nhân vật khác nhau. Dường như Thuận Hưng không quá khó khăn để hóa thân thành ông anh sớm bị ảnh hưởng bởi lối sống của trẻ con thành thị, thích ra oai, bắt nạt em.

Hà Mi – cô bé học sinh lớp hai trong vai Hồng Hoa là một trong những bất ngờ lớn nhất ở Thiên thần nhỏ của tôi. Khả năng cảm thụ nhân vật, giữ tâm lý của Hà Mi có thế khiến cho nhiều diễn viên chuyên nghiệp – người lớn sẽ phải “ganh tỵ”. Rất giỏi trong kiểm soát cảm xúc, Hồng Hoa của Hà Mi vui đó, buồn đó... những buồn vui rất đỗi hồn nhiên bởi ở tuổi của mình, Hồng Hoa vẫn chưa thể hiểu hết những biến cố của gia đình. Cô bé 8 tuổi đã đủ sức thuyết phục để lấy đi không ít nước mắt khán giả bằng tiếng khóc rấm rứt, bằng giọng thoại nghèn nghẹn, bằng đôi tay lóng ngóng mở nắp lon cháo để bạn nếm thử nồi cháo cuối cùng mẹ nấu trước khi về quê, bằng cái dáng tất tả chui vội qua hàng rào để ngăn mình không bật khóc nức nở khi phải chia tay và không hẹn ngày gặp lại...

Trọng Khang – gương mặt nhí vụt sáng với vai Tường trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Vẫn đầy tự tin và trong trẻo, hồn nhiên trong diễn xuất, nhưng trong lần đầu xuất hiện trên sân khấu, khán giả còn phát hiện được ở Khang một tố chất khác đó là khả năng giữ tiết tấu và bản lĩnh làm chủ sân khấu. Đây là điều không đơn giản, nhất là ở vở diễn khai thác tâm lý và Khang giữ trọng trách là nhân vật chính, xuyên suốt vở diễn với cả những cảnh độc diễn hoặc diễn với bạn diễn nhỏ tuổi hơn mình.

Vở diễn khép lại với nỗi buồn mênh mang, khu vườn chẳng còn ai. Vẫn khung cảnh ấy, màu xanh ấy, ánh sáng ấy nhưng sao trống vắng, đơn độc đến lạ… Giọng ca trong trẻo, hồn nhiên của bé Hà Mi vang lên thay lời kết của vở diễn đã mở một cánh cửa khác tiếp tục dẫn dắt khán giả người lớn về lại với những ký ức tuổi thơ của riêng mình; còn với những khán giả nhí, đó lại là những cảm nhận rất mới về cuộc sống, tâm hồn của các bạn đồng trang lứa.

Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên Lương Mỹ, Bảo Châu, Lan Phương…, đang diễn ra tại sân khấu Hồng Hạc, 155 bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối