Diệu Thuần-
Căn nhà của gia đình ba thế hệ có cách bố trí không gian và màu sắc ở từng căn phòng có thể đáp ứng nhu cầu riêng tư của các thành viên, đồng thời có thêm nhiều không gian, thoáng mát hơn.
Một mẫu nhà phố ba tầng hiện đại.
Chị H., ở quận 9, TPHCM có mảnh đất 14x4 m2 và đang có nhu cầu xây nhà ở. Chị cho biết, vợ chồng chị đang sống cùng bố mẹ chồng và hai con nhỏ. Hai vợ chồng chị thích có một không gian mang phong cách hiện đại, trẻ trung. Bố mẹ chồng chị đã hơn 60 tuổi nên thích không gian mang tính cổ xưa, có nhiều cây xanh để thư giãn. Vợ chồng chị cũng muốn các con có không gian để vừa học, vừa chơi. Thế nhưng, chị H. đang phân vân không biết xây dựng căn nhà như thế nào cho phù hợp với từng thành viên trong gia đình.
Hiện nay, không chỉ gia đình chị H. mà rất nhiều gia chủ cũng có trường hợp tương tự. Trong khi đó, diện tích đất ở tại thành thị thường hẹp, vì thế, việc xây thêm tầng là một giải pháp hợp lý.
Kiến trúc sư Đinh Trương Gia Bảo cho rằng, mảnh đất của vợ chồng chị H. khá lý tưởng, thích hợp để xây nhà ba tầng, có giếng trời, hành lang, ban công và một khoảng sân nhỏ trước nhà. Tầng thứ nhất, có thể thiết kế thành phòng khách, bếp ăn. Tầng thứ hai là phòng ngủ của hai vợ chồng, phòng ngủ của ông bà. Tầng ba là phòng ngủ của con và phòng thờ.
Theo anh Bảo, về mặt tổng thể, nên lựa chọn màu trắng và màu nâu làm màu chủ đạo cho toàn bộ căn nhà. Sự kết hợp hài hòa giữa màu trắng của sơn tường với nội thất trắng và nâu đan xen làm điểm nhấn cho căn nhà thêm sang trọng và gần gũi. Nếu không thích màu trắng hoặc màu nâu, gia chủ có thể lựa chọn màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng, phù hợp cho cả người trẻ và người già. Tuy nhiên, để không gian được hài hòa thì tránh dùng hoàn toàn hai gam màu cố định, mà nên thay đổi màu đậm, nhạt tùy không gian để căn nhà có sắc thái riêng, không gây sự đơn điệu, nhàm chán.
Với sàn nhà, gia chủ có thể sử dụng màu tùy thích như trắng, xanh, đỏ hoặc màu gỗ… nhưng lưu ý để căn nhà sáng và thoáng, phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình và nội thất chung.
Anh bảo cũng cho rằng, ở không gian tầng một, phòng khách và bếp nên thông nhau, không gian sinh hoạt chung cũng sẽ rộng rãi hơn và tiện khi sử dụng. Tuy nhiên, phòng khách là nơi trang trọng nhất, là trung tâm của ngôi nhà. Vì vậy, ở khu bếp, gia chủ nên sử dụng đồ nội thất hiện đại, sạch sẽ, bài trí gọn một chút để giữa hai không gian không chênh nhau. Và để ngăn cách giữa phòng khách và phòng bếp, gia chủ có thể thiết kế một quầy bar nhỏ vừa mang hướng hiện đại, vừa tận dụng tối đa diện tích.
Ở phòng ngủ cho ông bà, có thể thiết kế với tông màu trầm, nâu hoặc màu gỗ vừa mộc mạc mà cũng ấm cúng, hướng về quá khứ. Tất cả các chi tiết như sơn tường, giường, drap trải giường, đèn ngủ… cần phải cân nhắc sao cho phù hợp với tâm lý của người già, tạo không gian nghỉ ngơi dễ chịu. Ở căn phòng này, gia chủ nên chú ý đến ánh sáng, trồng thêm cây xanh và dùng gạch lát có độ bám tốt để lát cho nền nhà và phòng tắm.
Đối với phòng ngủ của hai vợ chồng nên sử dụng gam màu sáng, hài hòa để trang trí. Ngoài ra, gia chủ có thể treo thêm một bức tranh tùy thích, trang trí thêm đèn ngủ trong phòng để căn phòng được ấm cúng hơn.
Phòng ngủ của các con nên thiết kế đồng bộ với tổng thể căn nhà. Tuy nhiên, cách lựa chọn và sắp xếp nội thất cần trẻ trung, phù hợp với nhu cầu và độ tuổi của trẻ. Trong phòng nên trang trí các vật dụng như bản đồ, quả địa cầu, một bức tranh về biển, các hình ảnh sinh động… để tạo sự xinh tươi. Căn phòng này nên cung cấp đầy đủ ánh sáng tự nhiên cho con bằng cách thiết kế cửa sổ, hoặc cửa chính hướng về ánh sáng.
Giữa các phòng nên thiết kế một phòng vệ sinh nhỏ để tạo sự riêng tư và tiện lợi. Ở khu vực tầng một, nếu có thể, gia chủ hãy thiết kế một phòng vệ sinh ở gầm cầu thang để tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, trang trí một tiểu cảnh ở chân cầu thang, những chậu hoa, chậu cây cảnh ở bậu cửa sổ, hành lang để các thành viên trong gia đình có thể thư giãn mọi lúc, mọi nơi cũng là một giải pháp hợp lý.