VĂN THY HOÀNG -
Nhiều tỉnh có điều kiện thuận lợi về sông, suối, thác, hồ… đều đang khai thác sinh thái, dã ngoại phục vụ du khách, góp phần phát triển đời sống kinh tế của người dân cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy vậy, việc bảo đảm an toàn cho du khách chưa được chú trọng nhiều.
Với cách làm du lịch bán chuyên nghiệp, theo kiểu giao khoán, đấu thầu cho các cá nhân, doanh nghiệp quản lý bán vé rồi để du khách vào trong các khu rừng, con suối mà không có hướng dẫn, cảnh báo cũng như thực hiện việc cứu hộ khi du khách gặp nguy hiểm là rất đáng ngại.
Nhiều du khách khi đến tham quan, dã ngoại đã bị rơi ngã xuống thác, suối sâu gây nguy hiểm đến tính mạng. Vụ việc mới nhất là các du khách người Anh đã tử nạn khi du lịch dã ngoại tại thác Datanla, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Sau đó, một du khách người Belarus cũng đã tử vong tại thác Pongour thuộc xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Giá như ở những vị trí nguy hiểm đó, những người quản lý khu du lịch đặt biển cấm, hàng rào chắn hay có người cứu hộ túc trực thì chắc chắn sẽ khó có những chuyện đau lòng như trên.
Chính vì vậy, trong thời gian tới rất mong các cơ quan chức năng quản lý sát sao các hoạt động du lịch kiểu này để đảm bảo an toàn cho du khách và xây dựng loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, mạo hiểm chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, người tham quan, dã ngoại ở những khu vực này cần xem kỹ địa hình và các rủi ro có thể gặp, nên có sự trang bị tốt cho bản thân những kỹ năng xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn khi gặp sự cố.