Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thiếu điện thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng xanh nơi các khu công nghiệp

Tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên trong tháng 6 vừa qua tại một số tỉnh thành khu vực phía Bắc đã thúc đẩy các nhà máy, khu công nghiệp phải tính đến chuyện chuyển hướng từ sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo. Việc chuyển hướng này không chỉ giúp các nhà máy duy trì sản xuất liên tục mà còn góp phần vào nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 – đưa mức phát thải ròng về không (Net Zero) vào năm 2050.
Dự án tuabin điện gió với chiều cao 100m tại khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II. Ảnh: DNCC

Thiếu điện, nhiều nhà máy phải dừng hoạt động

Tháng 6 vừa qua, anh Hưng, quản đốc một phân xưởng sản xuất tại một nhà máy ở ngoại thành Hà Nội có số giờ làm việc ít hơn hẳn tháng trước đó và cách thức làm việc thay đổi hoàn toàn so với quy trình thông thường nhiều năm qua. Nguyên nhân là do nhà máy không hoạt động trong các khung giờ bị cắt điện luân phiên của địa phương, bởi tình trạng thiếu điện tại hàng loạt địa phương khu vực phía Bắc.

Không chỉ nhà máy nơi anh Hưng làm việc, nhiều nhà máy khác tại nhiều khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh… cũng bị cắt điện vài tiếng hoặc cả ngày khiến phải dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ việc và hệ lụy là tiến độ đơn hàng bị đình trệ.

Một đại diện nhà máy cho biết mỗi mẻ sản xuất chất phụ gia thường mất 18 giờ mới cho ra sản phẩm, và nguyên liệu đang nấu ở thể nóng chảy khi bị mất điện sẽ đông cứng lại. Do đó, các nhà sản xuất thường phải trang bị và chạy nguồn điện dự phòng từ máy phát điện, trong trường hợp không muốn loạt sản phẩm đang sản xuất bị hư hỏng. Hàng loạt hệ lụy kéo theo đều khiến cho chi phí sản xuất bị tăng lên, và chất lượng sản xuất không được bảo đảm.

Đối với các nhà xưởng quy mô lớn, việc sử dụng máy phát điện là phương án không khả thi, bởi công suất máy phát không đủ đáp ứng yêu cầu. Chưa kể việc đầu tư máy phát điện công suất lớn khá tốn kém.

Câu chuyện khủng hoảng điện tại nhiều tỉnh thành phía Bắc thời gian qua đã đặt các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải tính đến chuyện chuyển hướng mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) để chủ động hơn về nguồn điện cho sản xuất.

Trao đổi với KTSG Online về thực tế nêu trên, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, việc cắt điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các tỉnh chủ lực về công nghiệp tại khu vực phía Bắc, gây sản xuất ngừng trệ, không kịp tiến độ giao hàng. Mặc dù một số khu công nghiệp, chế xuất hiện đại được trang bị hệ thống điện dự phòng nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại ngắn hạn về tần suất cắt giảm điện tiềm ẩn.

Ông cho rằng, sự gián đoạn trong sản xuất đã tác động trực tiếp đến năng suất và lợi nhuận chung của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Cắt điện dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho các nhà máy sản xuất. Việc buộc phải ngừng hoạt động vì cắt điện đột ngột có thể dẫn tới hư hỏng thiết bị sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, đơn đặt hàng bị trì hoãn, gây ra các chi phí phát sinh. Đồng thời sẽ tác động đến doanh thu lâu dài và tính bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng lớn hơn vì họ thường thiếu nguồn lực để đối phó với những gián đoạn như vậy.

Trước những thách thức do gián đoạn cung ứng điện, nhà sản xuất và các chủ đầu tư khu công nghiệp cần có những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, việc nâng công suất dự phòng lên tiêu chuẩn cao hơn là cần thiết để đảm bảo quy trình sản xuất liền mạch. Ông Thomas Rooney phân tích, việc đầu tư các hệ thống điện dự phòng công suất lớn và áp dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn có thể giúp giảm thiểu tác động của việc cắt điện và đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn. Những biện pháp này cung cấp cứu trợ tạm thời và đảm bảo hoạt động vẫn diễn ra liền mạch trong thời gian mất điện.

Cuộc chuyển hướng sang các nguồn điện tái tạo

Ngay từ khi tình trạng thiếu và cắt điện luân phiên chưa xảy ra như năm nay, đã có một số khu công nghiệp, nhà máy tại Việt Nam chú ý đến sử dụng năng lượng tái tạo để hướng tới sản xuất bền vững. DEEP C là một khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tiên phong trong xu hướng này từ vài năm nay. DEEP C là một tổ hợp các dự án phát triển khu công nghiệp và cảng biển do Công ty Infra Asia Investment Hong Kong (IAI), có cổ đông chính là Tập đoàn Ackermans van Haaren (Bỉ) thực hiện tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Với mục tiêu đảm bảo nguồn điện dự phòng ổn định để cung cấp các hoạt động phát triển công nghiệp, khu công nghiệp  DEEP C đang đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện của mình bằng việc trong đó có việc khai phá tiềm năng của điện mặt trời, điện gió và điện từ việc xử lý rác.

Từ đầu năm 2020, tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động tại DEEP C với công suất phát điện 2,15 MWp trên mái nhà xưởng rộng 20.000m vuông trong khu vực DEEP C Hải Phòng I. Trong tương lai DEEP C sẽ tiếp tục thu hút các công ty khác trong khu công nghiệp tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo với cơ chế thuê lại mái nhà xưởng để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong hai năm, từ 2022 đến 2023, DEEP C đặt mục tiêu lắp đặt trên 20MWp tấm pin năng lượng mặt trời.

Bên cạnh năng lượng mặt trời, turbine điện gió đầu tiên tại một khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc với đầu tư 10 triệu đô la Mỹ đã được lắp đặt tại DEEP C Hải Phòng II vào cuối năm 2021,  biến năng lượng gió thành điện năng với công suất 2,3 MW. DEEP C là một trong những khu công nghiệp hiếm hoi tại Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió cho sản xuất công nghiệp.

Tương tự như hoạt động của năng lượng mặt trời, nguồn điện từ năng lượng gió sẽ được cấp trực tiếp vào lưới điện nội bộ của DEEP C và đươc tiêu thụ vào việc vận hành máy móc tại các nhà máy tại khu công nghiệp này… Các sáng kiến khác như dự án thiết lập hệ thống năng lượng mặt trời trên các khu đất trống, chuyển hóa các chất thải thành năng lượng, lưu trữ và sản xuất năng lượng tái tạo cũng đang được triển khai tại DEEP C.

Trước đây, giống như hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam, nguồn điện của DEEP C được cung cấp toàn bộ từ lưới điện Quốc gia. Song với khả năng tự tạo ra điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo, DEEP C đang dần trở nên chủ động hơn, từ đó giảm thiểu các vấn đề liên quan đến nguồn điện. Dự kiến đến  năm 2030, DEEP C sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện nay DEEP C đang vận hành 5 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đang hướng đến phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái và năng lượng tái tạo là một trong những dự án đầu tư chủ đạo. Chính vì thế DEEP C là là một trong 5 đơn vị phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt lựa chọn thí điểm để triển khai dự án khu công nghiệp sinh thái. Được biết DEEP C và các đối tác như BCG và Sojitz còn tham vọng xây dựng khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam không phụ thuộc lưới điện quốc gia thông qua việc nâng cao sản xuất và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Không chỉ DEEP C, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cũng đã triển khai sử dụng điện tái tạo. Tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec – chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ về định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Ông Điệp cho biết Nam Cầu Kiền phấn đấu trở thành khu công nghiệp sinh thái không rác thải vào năm 2024 và đến năm 2030 sẽ trung hòa phát thải cacbon. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Nam Cầu Kiền đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác với các đơn vị nước ngoài để cùng thực hiện công tác nghiên cứu, tìm kiếm các phương án tiết kiệm năng lượng hướng đến mục tiêu chính là tiết kiệm để phát triển bền vững.

Vẫn theo ông Điệp, ngay từ khi bắt đầu dự án từ 2018 Nam Cầu Kiền đã được định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái. Nam Cầu Kiền cũng xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời dùng cho cả khu công nghiệp. Hiện tại, khu tổ hợp điều hành khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà với công suất 86,4Kwp và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 giúp giảm một lượng lớn chi phí điện năng từ điện lưới. Ngoài ra, các trục đường nội bộ của khu công nghiệp này cũng đã được triển khai lắp đặt 40 cột đèn chiếu sáng bằng điện năng lượng mặt trời, thay cho việc sử dụng điện lưới.

Tại Vĩnh Phúc, một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp xanh là Thăng Long III được xây dựng từ gần cuối năm 2017 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Cùng với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, để tạo ra nguồn năng lượng sạch, ngay sau khi dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 4MWp để giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà máy tại đây có thể tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải khí CO2.

Là một công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ, hệ thống điện năng lượng mặt trời đáp ứng được khoảng 60 – 70% năng lượng điện phục vụ sản xuất của CNCTech tại khu công nghiệp Thăng Long. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CNC Tech Group, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho hay, với công suất sản xuất như hiện tại, tính ổn định của năng lượng điện mặt trời tạo điều kiện cho doanh nghiệp này tự kiểm soát lượng điện tiêu thụ mỗi tháng – tránh rủi ro của việc cắt điện định kỳ hoặc gián đoạn do sự cố lưới điện khiến công việc sản xuất bị trì trệ.

Giữa tháng 5 vừa qua, Sabeco và Tập đoàn năng lượng SP Group (Singapore) đã công bố triển khai giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời tại 9 nhà máy bia của Sabeco với công suất cao nhất lên đến 10,44MWp. Như vậy, tính đến cuối năm nay, Sabeco sẽ có tổng cộng 17 nhà máy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Giai đoạn 1 của dự án khởi động vào năm 2020, Sabeco đã đầu tư hơn 107 tỉ đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà với công suất tối đa 9 MWp.

Theo Sabeco, toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại 17 nhà máy bia được ước tính sẽ đáp ứng gần 23% lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy, giúp tiết kiệm 25 triệu kWh điện, tương đương 18.000 tấn CO2 được cắt giảm mỗi năm. Dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của công ty này vào năm 2050.

Trước đó, Công ty cổ phần Quản lý Vận hành Khu công nghiệp IMC đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Shire Oak Developers (Shire Oak International) để phát triển điện mặt trời áp mái tại 14 khu công nghiệp do IMC quản lý vận hành – nhằm góp phần tạo ra các khu công nghiệp xanh, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo các cam kết theo COP26.

Thực tế, điện mặt trời áp mái đã được triển khai tại nhiều khu công nghiệp, nhà máy. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động này, giới chuyên gia và doanh nghiệp khuyến nghị các ngành chức năng cần khẩn trương ban hành các quy định về đầu tư, kinh doanh điện mặt trời áp mái các nhà xưởng trong khu công nghiệp. Ví dụ, các hệ thống này chỉ bán điện trực tiếp cho các nhà máy, không cung ứng lên lưới điện của ngành điện lực.

Vân Ly

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối