Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Thiếu nhân lực công nghệ tài chính

Vân Ly-

Xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở Đông Nam Á đã lan tỏa ở Việt Nam với sự ra đời của nhiều công ty cung cấp giải pháp hỗ trợ hoạt động thanh toán trong vòng hai năm nay, và đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này.

Công ty cổ phần 1Pay tuần qua đã nhận giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước, với hoạt động chính là cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Với giấy phép này, 1Pay được phép mở rộng hoạt động sang các dịch vụ cổng thanh toán điện tử, thu và chi hộ cước phí, hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử.

 

Đi theo xu hướng mới của thị trường

Tại sự kiện Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam được tổ chức gần đây ở Hà Nội, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, viễn thông và xu hướng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, một số công ty fintech nội địa đã ra đời trong thời gian gần đây, tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ hỗ trợ trong hoạt động ngân hàng, trong đó nổi trội là dịch vụ thanh toán.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech-group (tiền thân là PeaceSoft) – doanh nghiệp có hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển dịch vụ fintech tại Việt Nam, nói rằng các phần mềm ứng dụng fintech nội địa nở rộ trong hai năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các doanh nghiệp (không phải là ngân hàng).

Còn ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc, Ngân hàng Techcombank cho rằng, năm 2016 là cột mốc khá đáng nhớ cho fintech khi lĩnh vực này chứng kiến sự bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, ý tưởng lẫn khoản tiền đầu tư vào đây.

“Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ, khi sở hữu cấu trúc dân số trẻ, năng động, tỷ lệ dân số kết nối Internet cao (44%), tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao (40%) và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trái ngược với điều này, mức độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính còn rất thấp, khi chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng, thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình 60% của thế giới. Lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng, là một sân chơi mới đang chờ được khai phá,” ông Sơn nói.

“Công ty fintech như một cánh tay nối dài của ngân hàng, là đối tác để giúp ngân hàng có thể đưa ra những giải pháp tiên tiến hơn cho sản phẩm và dịch vụ,” ông Sơn nói.

 VietABank-1Công nghệ tài chính (fintech) đang là lĩnh vực có nhu cầu nhân sự cao, cần người giỏi chuyên môn tài chính-ngân hàng lẫn công nghệ thông tin. Ảnh minh họa về hoạt động giao dịch tại một ngân hàng.

Và kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhân sự

Chia sẻ về sự phát triển của lĩnh vực fintech tại Việt Nam, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam, cũng là người phụ trách mảng Dịch vụ tư vấn về CNTT của hãng, nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự hỗ trợ mạnh cho sự phát triển của lĩnh vực fintech trong 5 năm qua. Cụ thể là việc cấp giấy phép cho các công ty không phải là ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. “Tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái cởi mở hơn nữa bằng việc cho thí điểm những dịch vụ fintech mới như một số nước trên thế giới nhằm kích thích sự tăng trưởng của lĩnh vực này,” ông Dũng nói.

Theo thông tin tại cuộc hội thảo “Fintech – Xu hướng phát triển và khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức trong quí 1 vừa qua, hiện có trên 40 công ty fintech hoạt động tại Việt Nam cùng với các dịch vụ tài chính đa dạng như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… Sự phát triển nhanh của lĩnh vực fintech ở Việt Nam cũng kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này. Công ty Navigos Search vừa công bố dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng qua công ty này trong quí 2-2017 vừa qua.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy ngành công nghệ thông tin đứng thứ 3 trong các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Trong đó các công ty fintech đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn các kỹ sư công nghệ thông tin có kinh nghiệm về mảng dữ liệu (data) và có kiến thức về tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam có rất ít các ứng cử viên có kinh nghiệm và đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Chính vì vậy, các công ty fintech buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và bổ nhiệm vào các vị trí đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm tương ứng. Bên cạnh đó, các công ty fintech chấp nhận tuyển các sinh viên mới ra trường và họ tự đào tạo nguồn lực để có thể đảm đương được các yêu cầu của chính bản thân doanh nghiệp.

Hiện NextTech-group đang có khoảng 150 nhân sự làm trong mảng fintech. Do hiện chưa có trường nào đào tạo cả hai chuyên môn công nghệ và tài chính-ngân hàng trong cùng một ngành học nên NextTech-group đã phải tuyển những kỹ sư công nghệ và đào tạo thêm kỹ năng về tài chính-ngân hàng hoặc ngược lại. Việc đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp không chỉ theo hình thức khóa học, lớp học mà còn bao gồm quá trình vừa học vừa làm công việc, các hoạt động nghiên cứu, học hỏi qua tài liệu hoặc học hỏi từ chính đối tác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối