Những em thiếu nhi từ thành thị tới nông thôn háo hức với ba tháng tha hồ xem phim, đọc truyện không bị ba mẹ la rầy, cấm cản. Thế nhưng, thị trường giải trí dành cho các em năm nay chẳng khác những năm trước là mấy: vẫn ngập tràn sản phẩm bản quyền nước ngoài.
Đỏ mắt tìm hàng nội
Chị Thu Thảo (quận 10, TPHCM) đã dành cả buổi chiều lên mạng tìm truyện tranh cho cậu con trai 10 tuổi. Ngoài một số bộ truyện đình đám nhưng dán mác 12+ khiến chị chưa dám mua như Thám tử lừng danh Conan, Shin cậu bé bút chì… thì chị chỉ còn thấy Doraemon là khả thi. Những bộ truyện này đã chuyển thể thành phim, đọc xong có thể tìm phim xem. “Tôi tìm truyện của Việt Nam thì thấy dạng nhiều tập rất ít, dù nội dung cũng thú vị. Tôi vẫn muốn tìm hàng nội hơn do nội dung, văn hóa gần gũi với con, dễ sẻ chia đồng cảm,” chị chia sẻ.
Lịch chiếu phim của các rạp lớn trong kỳ nghỉ hè cũng toàn phim ngoại. Đó là Kikoriki: Du hành vượt thời gian (ra rạp từ 18-5), Doraemon: Nobita và đảo giấu vàng (25-5), Giải cứu Tí Nị (25-5), Ong nhí phiêu lưu ký: Đại chiến cúp ong mật (1-6), Đảo của những chú chó (1-6)… Nhiều năm qua, số lượng phim Việt Nam dành cho thiếu nhi ra rạp hay được trình chiếu trong các sự kiện phim chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngay cả truyền hình, vào giờ vàng hay giờ dành cho thiếu nhi, cũng chỉ thấy những cái tên ngoại xuất hiện liên tục. Tôi đã dành một ngày xem DreamsTV trên HTV, kiếm đỏ mắt mới thấy chút ít phim người Việt Nam làm. Kể cả những mẩu phim ngắn giúp trẻ em học phát âm, cũng lại là… phát âm tiếng Anh. Trong khi những cô cậu bé 3, 4 tuổi, điều quan trọng nhất là nghe, nói vững tiếng mẹ đẻ.
Cách đây hơn 10 năm, thiếu nhi Việt Nam có những bộ phim của riêng mình tạo âm vang lớn như Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn… Chuỗi phim truyền hình này được chiếu vào khung giờ tốt, thu hút không chỉ trẻ em mà cả người lớn bởi kỹ thuật quay ổn định, kịch bản hấp dẫn, dí dỏm, gần gũi. Bạn Nguyễn Thành Linh (TPHCM) cho biết: “Với mình, Kính Vạn Hoa là phim hay và đáng xem nhất cho thiếu nhi lẫn thiếu niên. Mình vẫn trông chờ phim thiếu nhi Việt Nam ý nghĩa ra rạp, như các nước Đông Nam Á lân cận đã làm được…”
Phim nội đang ở đâu?
Đây là điều không chỉ khán giả, những người có tâm với mảng phim thiếu nhi cũng đang tự hỏi.
Khi công nghệ lan truyền với tốc độ như hiện nay với YouTube, Facebook, Netflix… thì việc tìm kiếm phim trở nên vô cùng đơn giản. Phim nội, vốn yếu thế hơn phim ngoại lại càng chịu áp lực lớn. Phim truyền hình gần đây mới vực lại vị thế của mình sau nhiều năm bị soán ngôi bởi Internet và phim chiếu rạp, qua một số sản phẩm đánh trúng tâm lý người xem như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… Đây cũng là con đường ngắn và rẻ nhất đưa phim thiếu nhi đến với đông đảo khán giả từ thành thị tới nông thôn. Thế nhưng, các nhà làm phim hiện tại thường chỉ chọn đề tài người lớn, một hướng đi an toàn. Bởi phim dành cho thiếu nhi không dễ làm.
Nhưng phim thiếu nhi Việt Nam đã từng có một Kính vạn hoa trong vắt như pha lê từ diễn xuất đến lời thoại, khiến thiếu nhi thấy được chính mình trong đó. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung làm được điều này nhờ vào kinh nghiệm sản xuất gần 20 phim cổ tích cho Hãng phim Phương Nam, hàng trăm phim ca nhạc thiếu nhi từ năm 1992 mà bất đứa trẻ nào ngày đó cũng xem không biết mệt. Sự am hiểu tâm lý trẻ em và đam mê thật sự là điều bắt buộc với người làm nghề.
Tuy nhiên, kinh phí mới là mối quan tâm khiến các nhà làm phim thiếu nhi đau đầu. Phim cổ tích thường đòi hỏi phục trang, đạo cụ và bối cảnh lớn. Phim hoạt hình yêu cầu kỹ thuật, kỹ xảo và thời gian chăm chút từng phân cảnh rất nhiều. Vì vậy, dù có nhiều nhà làm phim tài năng, có đam mê nhưng rất khó đeo đuổi lâu dài. Phim của các nhóm độc lập xuất hiện trên mạng, dù nhận được phản hồi tốt mà không có đầu tư thì cũng chìm xuồng. Câu hỏi phim Việt dành cho thiếu nhi giờ đang ở đâu vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Đầu tháng 5 vừa qua, một clip quảng cáo của Loa thành rực lửa do Hạc Thần Studio thực hiện đã khiến nhiều người thích thú vì tạo hình nhân vật đẹp, chuyển động mượt mà, âm thanh màu sắc có sự đầu tư. Khán giả hoàn toàn có thể hy vọng những người có tâm trong thời đại này sẽ tìm được đường đi để mang tới niềm vui cho thiếu nhi bằng chất liệu của chính mình.
Hà Bi