Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện ‘khó kham nổi lâu dài’

Tại TPHCM, một số bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị sốt xuất huyết đang lo ngại khó có thể kham nổi lâu dài trước tình trạng số ca nhập viện ngày càng tăng cao và xảy ra thiếu hụt thuốc điều trị cho các ca sốc sốt xuất huyết nặng như dung dịch HES 200.000, Dextran 40.000 và các thuốc vận mạch (Dopamin).

Quá tải bệnh nhân, thiếu thuốc điều trị

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trên địa bàn TPHCM liên tục tăng cao, khiến các bệnh viện bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải và thiếu thuốc điều trị do thiếu nguồn cung cấp. Tình trạng này xảy ra khiến các bệnh viện nhi tuyến cuối vốn đang trong tình trạng quá tải, nay lại càng khó khăn hơn.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trong 6 tháng đầu năm, số bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết là 4.000 ca, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Trong số này có đến 21% bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết, hôn mê kèm theo các bệnh lý nền dẫn đến quá trình điều trị khó khăn và kéo dài.

Theo TS. BS. Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, đơn vị này đã chuẩn bị các loại thuốc, trang thiết bị y tế để ứng phó với dịch sốt suất huyết có thể kéo dài từ đây cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, một số loại thuốc điều trị sốt xuất huyết hiện tạm thời đã hết.

Cụ thể, bệnh viện đang thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết là HES 200.000 và các thuốc vận mạch (như Dopamin).

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, phải đặt máy thở và lọc máu. Ảnh: Minh Thảo

Trước tình trạng này, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã họp với hội đồng thuốc điều trị của các bệnh viện là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để đề xuất các loại thuốc thay thế, chủ động cho bệnh nhân có thuốc điều trị, BS. Minh cho biết.

Theo đó, đối với loại HES 200.000, các bác sĩ sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000  – loại dung dịch đang có sẵn để thay thế. Dung dịch HES 130.000 đã được Cục Quản lý khám chữa bệnh cho phép các bệnh viện chủ động thay thế cho dung dịch HES 200.000. Với thuốc vận mạch Dopamin nằm trong phác đồ điều trị cho các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và kéo dài hiện đang thiếu hụt, bệnh viện đang thay thế bằng Andrenalin.

Bộ Y tế cần có phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp thực tế

Không chỉ ở Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết cũng xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Theo một lãnh đạo của bệnh viện này, trong tháng 5 và 6 vừa qua, đơn vị này đã hết dung dịch Dextran 40.000 nên các bác sĩ đã thay thế dung dịch HES 130.000 để điều trị các trường hợp sốc sốt xuất huyết.

Các bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng, kéo dài được sử dụng dung dịch Dextran 40 hoặc HES 200.000 để điều trị giúp tăng thể tích lồng mạch, đạt hiệu quả chống sốc rất tốt. Tuy nhiên, khi thay thế dung dịch HES 130.000 thì không đạt kết quả điều trị như mong đợi, vị bác sĩ này cho biết.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận 4.500 bệnh nhân đến khám ngoại trú và hơn 2.000 ca nội trú. Số ca bệnh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Vị lãnh đạo của bệnh viện này lo ngại trong thời gian sắp tới, “đơn vị khó kham nỗi lâu dài trước tình trạng số ca nhập viện ngày càng tăng cao, cũng như thiếu hụt thuốc điều trị cho bệnh nhân”.

Bệnh viện Nhi đồng TPHCM kê thêm giường phía ngoài hành lang do quá tải bệnh nhân nhập viện. Ảnh: Minh Thảo

Ngoài ra, vị lãnh đạo của bệnh viện này cho biết, phương án sử dụng dung dịch HES 130.000 chỉ là tạm thời, bởi việc thay thế dung dịch điều trị không hiệu quả cao, mà loại dung dịch này không nằm trong danh mục được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán.

Trước tình trạng này, lãnh đạo của các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TPHCM đã có một số đề xuất với Bộ Y tế cần có phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại các bệnh viện; đồng thời cần hỗ trợ nhanh nguồn cung ứng dung dịch, thuốc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có quy định thanh toán bảo hiểm y tế với dịch truyền HES 130.000 nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.

Minh Thảo 

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối