Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thịt heo nhập khẩu: đủ nguồn gốc xuất xứ

(SGTT) - Bên cạnh việc chủ động nguồn cung thịt heo trong nước, một số đơn vị nhập khẩu cũng tăng cường nhập khẩu thịt heo từ các nước như Brazil, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… để làm phong phú nguồn thịt.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, chủ yếu các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích, chỉ một lượng nhỏ thịt nhập khẩu được bán trực tiếp ra thị trường cho người tiêu dùng nhỏ lẻ hoặc cung cấp cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Nhập khẩu từ nhiều nước

Giá một số mặt hàng thịt heo nhập khẩu được bán trên một trang web.

Nhân viên kinh doanh của công ty TNHH TM T.P.M tại quận Tân Phú, TPHCM, cho biết công ty chuyên nhập khẩu và kinh doanh các loại thịt heo của Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ.

Thịt heo được cung ứng cho một số nhà hàng, khách sạn, quán ăn, hệ thống các cửa hàng bán đồ nướng. Sản lượng cung ứng mỗi tháng khoảng 5-7 container, mỗi container tương ứng 27 tấn thịt.

“Thời gian vừa qua sản lượng cung ứng của công ty không thay đổi bởi chúng tôi không bán lẻ cho người tiêu dùng”, nhân viên này nói.

Còn các cửa hàng thực phẩm bán trực tiếp thịt heo nhập khẩu cho người tiêu dùng tại TPHCM thì có nhiều loại thịt.

Cụ thể, tại cửa hàng La Maison chuyên kinh doanh thực phẩm ở quận 2, TPHCM, sườn heo cốt lết Mỹ có giá 169.000 đồng/kg, xương ống heo Ba Lan 55.000 đồng/kg, sườn non nguyên tảng Mỹ 190.000 đồng/kg, ba rọi không xương Tây Ban Nha giá 42.000 đồng/300g.

Bên cạnh việc chủ động nguồn cung thịt heo trong nước, một số đơn vị nhập khẩu cũng tăng cường nhập khẩu thịt heo từ các nước như Brazil, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… .

Cửa hàng này thường bán mỗi phần từ 300g trở lên, nhận giao hàng miễn phí khi mua từ 500.000 đồng trở lên. Một số trang web khác cũng bán khá nhiều các loại thịt heo đông lạnh ngoại nhập với giá thấp hơn và bán theo thùng từ 15-20kg.

Một số đơn vị sẽ có chiết khấu cho người mua số lượng nhiều, nhận giao hàng miễn phí nội thành TPHCM và có nhận cắt lát theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, số lượng các cửa hàng bán lẻ thịt heo ngoại nhập không nhiều do người dùng gia đình vẫn chuộng sử dụng thịt “nóng”, tức thịt heo nội địa không qua đông lạnh.

Người dùng chủ yếu dùng thịt heo ngoại trong các thực đơn tại các nhà hàng, quán ăn. Chẳng hạn, một nhà hàng tại quận 3 có món thịt heo đen Iberico xuất xứ Tây Ban Nha được chế biến thành các món như súp bí đỏ ăn kèm heo đen, thịt đùi muối… được khách ưa chuộng.

Thịt heo nội địa tăng giá

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, lượng heo về chợ vẫn ổn định, bình quân 5.000 đến 6.000 con/đêm.

Tuy nhiên, giá heo hơi thời gian gần đây tăng lên so với trước. Từ 43.000 đồng/kg heo hơi ngày 20-9 đã tăng lên 46.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua và lên 47.000-48.000 đồng/kg vào ngày 4-10.

Theo vị đại diện của hệ thống siêu thị Big C, sản lượng tiêu thụ thịt heo của Big C ở khu vực miền Nam tháng 7 năm nay tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm 2018.

Từ giữa tháng 9, giá thịt heo đã bắt đầu tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và nguồn cung dần dần khan hiếm.

Theo dự báo, sau thời gian xảy ra dịch tả heo châu Phi, dịp cuối năm 2019 này và tết âm lịch 2020, nguồn cung thịt heo tại thị trường TPHCM sẽ có nhiều biến động, thậm chí có khả năng thiếu. Vì thế, thành phố đã có những chuẩn bị trước đó để bình ổn thị trường.

Cụ thể, thông tin từ Sở Công Thương TPHCM cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường TPHCM bình quân mỗi ngày khoảng 10.000 con heo, dip cận tết nguyên đán tăng khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường, trong đó 80% lượng thịt heo do các địa phương cung cấp.

Kế hoạch nguồn cung thịt heo kế hoạch bình ổn thị trường năm nay ở TPHCM là 4.091 tấn/tháng, trong đó các doanh nghiệp chủ lực là Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, công ty CP Việt Nam, công ty Anh Hoàng Thy, công ty San Hà, Saigon Co.op; hệ thống Big C.

Ngoài sản lượng thịt heo, Sở Công Thương TPHCM cũng đã đôn đốc các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế như thịt gà, trứng gia cầm, nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung.

Hiện nay các doanh nghiệp chủ lực cung cấp thực phẩm cho thị trường thành phố đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa cho dịp cuối năm với số lượng khá dồi dào.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết nếu xảy ra những biến động của thị trường, một số doanh nghiệp sẽ nhập thịt về, nhưng luôn ưu tiên hàng tươi trong nước.

Tương tự, người đại diện hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết, đơn vị vẫn luôn ưu tiên nguồn thịt tươi sống trong nước, mở rộng nguồn cung ứng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết.

Nếu số lượng cung ứng thiếu hụt sẽ bù đắp bằng lượng thịt heo nhập khẩu của các nhà nhập khẩu trong nước.

Sáu tháng đầu năm, có 5.647 tấn thịt heo được nhập khẩu qua cửa khẩu Hải quan TPHCM, tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng 8,1 triệu đô la Mỹ về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước Brazil với 2.368 tấn, Mỹ 874 tấn, Ba Lan 848 tấn, Bỉ 238 tấn...

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối