Tú Phương -
Tết này, đã hơn 37 năm gắn bó với con chữ, ngần ấy miệt mài ở một vị trí khiêm tốn tại góc đường Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM), ông Lê Tiến Dũng được nhiều người biết đến như một nghệ nhân khắc chữ lâu năm nhất ở Sài Gòn.
Giữa lòng thành phố phồn hoa, nhộn nhịp, người đàn ông ấy làm việc chăm chú đến nỗi không nhận ra có khách ghé thăm khi đang tập trung vào việc tạo hình chữ cái cho khách hàng vì họ yêu cầu khắc lên cây đàn làm kỷ niệm. Sau khi hoàn thành xong đến nét cuối cùng, nhìn lại những con chữ mà mình tạo thành thì ông Dũng mới ngẩn đầu lên cười hiền và tranh thủ trò chuyện cùng những vị khách khác.
Tình cờ với nghề
Những năm trở lại đây ông còn tìm tòi, nghiên cứu cách khắc chữ trên một số chất liệu khác như nanh heo, trang sức, đàn…
Ông Dũng năm nay đã 58 tuổi, vốn người Hải Dương, sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, nhưng từ nhỏ ông đã có niềm đam mê với con chữ và hội họa. Bằng sự nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ và quyết tâm thử thách bản thân mình, người thanh niên ấy đã thi đậu vào trường Đại học Kiến trúc ở Hà Nội khi mới 18 tuổi. Một ngày tình cờ nhìn thấy được người khắc chữ trên cây bút nên thấy tò mò mà xin theo học. Không ngờ cũng chính từ đó cái “duyên” đến với nghề đã bắt đầu và theo tận tới bây giờ, ông nói vui là “nghề chọn mình” thì mình làm thôi khi tâm sự với tôi.
Sự nghiệp học tập chưa trọn vẹn thì ông lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu theo tiếng gọi của tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, cũng là lúc ông Dũng quyết định gắn bó với mảnh đất Sài thành đầy hứa hẹn. Vào thời điểm đó thì sức khỏe của ông cũng yếu đi và đang trong tình trạng thất nghiệp. Đang loay hoay vì không biết làm gì để trang trải cho cuộc sống thì tình cờ bắt gặp được một ông lão ngồi khắc chữ cho khách hàng khi đang đi dạo với bạn mặc dù không được đẹp lắm nhưng vẫn có rất nhiều người xếp hàng chờ đợi tới lượt của mình.
Lúc đó ông nảy ra ý định chọn nghề này để mưu sinh, sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ cuối cùng quyết định sắm sửa bộ đồ nghề ngồi ở góc đường Lê Lợi lúc bấy giờ với suy nghĩ sức khỏe mình cũng yếu rồi, làm nghề này không biết có lo được cơm áo, gạo tiền cho gia đình hay không. Nhưng suy nghĩ một lúc rồi ông đành tặc lưỡi thôi kệ tới đâu thì hay tới đó. Với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống, chỉ dự định làm vài năm để có vốn chuyển sang nghề khác. Ai ngờ đâu đã gắn bó rồi thì tới tận mấy chục năm sau và cũng chính cái nghề này đã giúp ông Dũng trở thành nghệ nhân.
Vui vì giữ được nghề
“Dũng khắc chữ lưu niệm” là cái tên thân quen mà những người xung quanh hay gọi người nghệ nhân với 37 năm tuổi nghề này.
Ông Dũng kể, ngày mới bắt đầu, xách đồ nghề đi khắp nơi ở Sài Gòn, người nào có nhu cầu khắc thì ông ghé lại để làm cho họ. Những năm thập niên 80, nghề khắc được rất nhiều người ưa chuộng và tìm tới. “Ngày đó chưa có máy móc hay công nghệ hiện đại như bây giờ. Công cụ thô sơ và làm bằng tay là chính, ngày đó khách phải xếp hàng dài để chờ khắc chữ. Đặc biệt là những cửa hàng bán quà lưu niệm họ thường đặt với một số lượng hàng lớn mình phải thức đêm để hoàn thành cho kịp thời hạn giao”, ông Dũng hồi tưởng.
Theo thời gian, dụng cụ, máy móc chuyên nghiệp hỗ trợ xuất hiện và ngày được cải tiến thì lượng khách hàng đã giảm xuống rất nhiều không còn đông như gần chục năm trước. Một phần vì giá cả cạnh tranh giữa những người làm nghề với nhau, một phần vì chi phí đường xa nên một số người ngại đi khi khắc chỉ có một món đồ.
Khi được hỏi câu chuyện nào mà mình nhớ nhất trong những năm làm nghề khắc chữ, ông cho biết là câu chuyện về một người đàn ông nước ngoài lấy vợ Việt Nam và mua rất nhiều quà lưu niệm nhưng lại không biết làm cách nào để lưu giữ mốc thời gian này. Người khách này đã không biết làm thế nào để thực hiện được điều này thì tình cờ bắt gặp một đoạn phóng sự về ông Dũng trên ti vi sau đó vội vàng bay về nước mang hết những món quà đã mua sang đây để nhờ ông Dũng khắc bằng một tâm trạng hết sức vui vẻ, phấn khởi, xen lẫn xúc động.
Để không nhầm lẫn các con chữ với nhau thì ông Dũng thường yêu cầu khách hàng viết ra giấy những chữ mà mình muốn khắc rồi mới làm một cách tỉ mỉ. Giá khắc mỗi món dao động 10.000-20.000 đồng nhưng có nhiều người khách trả lên tới 500.000 đồng vì một lý do nào đó mà chỉ có họ mới biết.
Tuy vậy, cũng có nhiều lần mất tập trung để rồi khắc sai chữ, ông Dũng mất nhiều công sức hơn để tìm cách sửa lại không để sản phẩm bị mất thẩm mỹ do mình tạo ra cũng như xin lỗi tránh làm phiền lòng khách hàng. Từ những lần đó ông luôn rút kinh nghiệm và đặt quyết tâm không cho bản thân vi phạm thêm lần nào nữa. Theo ông, những thứ mà mình tạo ra được xem là nghệ thuật, nếu đã là nghệ thuật thì không được phép có sai sót nào trong tác phẩm do chính mình tạo ra.
Gia đình không ai theo nghề cả nhưng không muốn cái nghề khắc chữ này bị mai một, ông Dũng đã bắt cậu con trai của mình học cách khắc bên cạnh việc học chính ở trường đại học. Đồng thời cũng sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học, có nhiều học trò của ông đã mang nghề này đi theo những hành trình riêng của họ. Bây giờ, có nhiều người trở lại thăm người thầy ngày nào và cũng có người đi biệt. Với ông Dũng, học trò về thăm là niềm vui và không đến cũng chẳng sao, niềm vui của ông là mưu sinh bằng chính tay nghề của mình, gìn giữ những gì mang tính truyền thống trên những con chữ không hề vô tri.