Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Thời cơ để cải thiện hệ thống sở hữu trí tuệ?

(SGTT) - Trong Tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam trong việc trở thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hôm 10-9 có nhắc đến việc tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới kỹ thuật số của hai nước, đồng thời ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trong ngành bán dẫn và nâng cao vị thế của chúng ta trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Một lần nữa vấn đề hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng được nhắc đến, mà ở đó chắc chắn có những thách thức và cả cơ hội. Liệu đây là thời cơ để chúng ta cải thiện hệ thống sở hữu trí tuệ?

Ngày 10-9 là một ngày quan trọng đối với Mỹ và Việt Nam khi các lãnh đạo quốc gia đã tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (Comprehensive Strategic Partnership), vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng ngoại giao ba tầng của Việt Nam dành cho bạn bè quốc tế.

Tuyên bố này đánh dấu “một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương” của hai dân tộc. Việt Nam giờ đây không những không còn là một tính từ gắn với một cuộc chiến để lại nhiều tổn thất cho đôi bên, mà trở thành một đối tác đầy tiềm năng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Thúc đẩy hợp tác về SHTT

Không phải tự nhiên khi văn kiện này nhắc đến “dự định thúc đẩy hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” (SHTT). Có thể nói, so với Mỹ – một quốc gia có nền bảo hộ SHTT nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, Việt Nam là một quốc gia còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đơn cử, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi ưu tiên (Priority Watch List) của Mục 301 Đặc Biệt (Special 301) của Mỹ trong năm 2023.

Mục 301 Đặc Biệt là một công cụ cho phép Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bắt đầu các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm thuế quan và thuế nhập khẩu đối với các quốc gia không bảo vệ quyền SHTT cho các công ty của quốc gia này. Mỗi năm, USTR thực hiện một cuộc đánh giá để xác định các quốc gia có chính sách SHTT lỏng lẻo và từ đó đề ra các hành động “trả đũa”.

Theo Mục 301 Đặc Biệt, các đối tác thương mại của Mỹ được phân loại như sau: danh sách theo dõi (Watch List), danh sách theo dõi ưu tiên (Priority Watch List) và quốc gia nước ngoài ưu tiên (Priority Foreign Countries). Những quốc gia nằm trong mục cuối cùng được xem là có nền bảo hộ SHTT yếu nhất và có khả năng cao đối mặt với sự “trả đũa” thương mại của Mỹ.

Không nghi ngờ gì nữa, việc SHTT được nhắc đến trong Tuyên bố chung cho thấy Mỹ quan tâm đến vấn đề này như thế nào. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi Việt Nam từ lâu bị xem chưa có một cơ chế bảo hộ SHTT nghiêm ngặt.

Mục 301 Đặc Biệt đánh giá chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền trực tuyến cao và đồng thời thiếu một cơ chế thực thi hiệu quả. Theo đó, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp hành chính nhưng chưa thành công trong việc ngăn chặn sự sao chép và vi phạm quyền SHTT trên quy mô rộng lớn.

Hơn nữa, mặc dù chúng ta có nghị định để đối phó với việc bán hàng giả trực tuyến, hàng hóa vi phạm SHTT vẫn còn tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Chưa kể, tại các thị trường vật lý, tình hình cũng chưa chắc khả quan hơn. Tài liệu của Mỹ cũng chỉ ra rằng, việc thực thi SHTT chưa tốt chủ yếu đến từ sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, sự đình trệ trong việc điều tra và xét xử cũng như việc hiểu biết chưa tường tận về luật SHTT của các cơ quan này.

Những cơ hội

Trong thời gian sắp tới, không khó để dự báo rằng bảo hộ SHTT chỉ phát triển theo xu hướng đi lên, và trên diện rộng. SHTT sẽ không chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp mà ngay cả các tổ chức từ thiện, văn hóa xã hội, các văn nghệ sĩ, lẫn các trường đại học phải có một sự chuẩn bị nhất định.

Tôi từng có sinh viên sau đại học là một bạn làm trong bộ phận marketing của một tổ chức từ thiện. Bất chấp tính chất phi lợi nhuận của nơi làm việc, bạn đăng ký học luật SHTT để nắm rõ các ngoại lệ trong việc sử dụng các sản phẩm SHTT miễn phí mà không vi phạm pháp luật. Một nhạc sĩ người Anh cũng chia sẻ với tôi rằng, bạn học luật SHTT để bảo vệ tác phẩm của mình tốt hơn và có thể thương lượng hiệu quả khi định giá thù lao các tác phẩm của mình với các tổ chức ghi âm.

Các công ty Mỹ thường sẵn sàng đầu tư vào các quốc gia có chế độ bảo vệ SHTT mạnh mẽ, vì điều này đảm bảo an toàn cho tài sản trí tuệ của họ. Mặc dù một đối tác chiến lược có thể khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và hợp tác mạnh hơn giữa các công ty Mỹ và Việt Nam, điều này chỉ có thể đạt được nếu chính quyền và cơ sở tư nhân đặc biệt chú trọng vào SHTT và thực hiện các thỏa thuận một cách nghiêm túc.

Điều này tạo nên nền tảng cho sự thành công của các dự án liên doanh và các thỏa thuận chia sẻ công nghệ. Chưa kể trong lĩnh vực bán dẫn mà Việt Nam đang muốn mở rộng, bí mật thương mại – một loại tài sản trí tuệ mà chúng ta lâu nay chưa để mắt tới, đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Trong thời gian qua, những tên tuổi lớn như Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam vì nhiều lý do: chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hệ quả của chính sách Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc và việc nhiều bí mật thương mại của doanh nghiệp Mỹ bị đánh cắp. Vào năm 2019, một công dân Trung Quốc đã bị kết án 24 tháng tù tại tòa án liên bang vì ăn cắp thông tin độc quyền trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ từ chủ của anh ta, một công ty dầu khí của Mỹ.

Đối mặt với thách thức không lấy gì làm dễ chịu: đi kiện

Ngoài những cơ hội hấp dẫn, việc mở rộng quan hệ kinh tế với Mỹ còn đặt doanh nghiệp Việt Nam vào một thách thức không lấy gì làm dễ chịu: đi kiện. Trái ngược với lối tư duy “ngại kiện tụng” của chúng ta (thậm chí tòa án còn bị đem ra “hù dọa” khi đôi bên xảy ra xích mích.

Những câu nói như “coi chừng tao kiện”, “mày không sợ bị kiện à?” khiến cho hình ảnh của tòa càng trở nên méo mó trong mắt công chúng), các doanh nghiệp Mỹ xem việc phân xử nơi cửa đình là chuyện bình thường, là một phương pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả và công bằng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực luật SHTT, nước Mỹ được xem là một nơi khác thường với rất nhiều quy tắc và luật lệ không giống ai. Vì vậy, trước khi ký kết hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng bảo mật kinh doanh, doanh nghiệp và cá nhân phải nhận được một sự tư vấn kỹ càng. Ngay cả khi việc tư vấn có thể không giúp chúng ta có được lợi thế thương lượng nhưng điều này là cần thiết vì chúng ta cần phải hiểu một cách tường tận những điều khoản “kiểu Mỹ” để tránh những thiệt hại có thể tránh được.

Chuẩn bị một khoản ngân sách cho kiện tụng cũng là điều mà các doanh nghiệp nên nghĩ tới. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần học cách “quên đi” vai trò “gia trưởng” của Nhà nước trong các giao dịch dân sự, từ bỏ lối tư duy “méc” Chính phủ mà thay vào đó là sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Bên cạnh đó, dù việc nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện có thể tạo ra cơ hội để cải thiện hệ thống SHTT tại Việt Nam, điều này phải được thực hiện theo cách đảm bảo rằng lợi ích từ mối đối tác này sẽ lan tỏa đến các chủ quyền SHTT ở cả hai quốc gia.

Lê Vũ Vân Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối