(SGTT) - Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều người dân ở Trung Quốc đã đổ xô vào các kênh bán hàng trực tuyến để mua sắm, tiêu dùng thay vì đi chợ, siêu thị như thông thường. Đây vừa là cơ hội vừa là sự thách thức đối với các công ty thương mại điện tử (TMĐT) của quốc gia này.
Ở đất nước đang phải vật lộn với dịch Covid-19 như Trung Quốc trong thời gian qua, chuyện hạn chế đi ra đường, dù là để mua các nhu yếu phẩm hằng ngày, cũng là điều dễ hiểu. Người dân, thay vào đó, dựa hẳn vào các kênh bán hàng TMĐT để mua hầu như mọi thứ cần dùng cho gia đình. Và điều này khiến các trang TMĐT đột ngột thành quá tải.
Đủ kiểu chuyển hàng đúng chuẩn cách ly
Chỉ bằng vài cú lướt chuột trên màn hình điện thoại, người dân ở nhà tránh dịch có thể đặt mua hầu hết mọi thứ họ cần, từ thực phẩm tươi sống cho đến vật dụng vệ sinh nhà cửa, thiết bị gia dụng.
Họ có thể hoàn toàn an tâm khi các công ty thương mại điện tử đã đưa ra những tiêu chuẩn phòng dịch gắt gao trong vận chuyển hàng hóa. Nhân viên giao hàng luôn có: găng tay bảo hộ, nhiệt kế, kính bảo hộ toàn bộ phần mặt.
Chưa hết, thao tác giao hàng phải đảm bảo không có tiếp xúc đụng chạm giữa người giao và người nhận, bao gồm: không trao tận tay mà đặt, để ở nơi quy định, không ký nhận mà xác nhận nhận hàng qua QR code của ứng dụng di động.
Các tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc còn đang chạy đua để triển khai hình thức giao hàng bằng xe robot không người lái. Meituan Dianping đã thí điểm giao hàng bằng robot ở quận Shunyi, thủ đô Bắc Kinh và tới đây sẽ thí điểm ở các quận còn lại.
Nỗ lực lần này được đánh giá là thành công ngoài mong đợi, cũng là niềm an ủi của công ty sau việc thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái đã thất bại vào tháng 1-2020.
Ông lớn JD của ngành thương mại điện tử Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng xe không người lái để chở thuốc men, vật tư y tế và thực phẩm trong các quận của thành phố Vũ Hán.
Không lạc quan
Đại diện của JD thông báo, trong hai tháng đầu năm 2020, công ty đã tiếp nhận số lượng đơn hàng vận chuyển cao gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Pinduoduo cho biết lượng thực phẩm tươi sống công ty đã vận chuyển trong tháng 1-2020 nhiều hơn tháng 12-2019 đến 120%.
Tình hình nhu cầu tăng vọt như vậy nhưng không khiến cho ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc lạc quan. Ngược lại, đã có những phát biểu đề cập tới nguy cơ lỗ nặng và quan ngại về chuyện nhu cầu vượt ngưỡng năng lực vận hành.
Nguyên nhân có nhiều, đầu tiên là vấn đề thiếu nhân lực. Chuỗi bán lẻ Heima của Alibaba phải đăng tuyển cộng tác viên bán thời gian với thù lao cao để bù đắp việc thiếu người làm.
Nguyên nhân thứ hai là thương mại điện tử của Trung Quốc chưa có được nền móng vững chắc. Ví dụ như tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ thanh toán còn thấp, hệ thống vận chuyển hàng hóa chưa đủ tin cậy, hệ thống tiếp vận kho bãi còn nhỏ yếu.
Tình thế như vậy buộc các công ty phải bỏ tiền túi khẩn cấp đầu tư nâng cấp kho chứa và thử nghiệm hàng loạt biện pháp vận chuyển. Chi phí bỏ ra vừa cao vừa kém hiệu quả. Lấy ví dụ từ Alibaba, số đơn hàng của họ tăng vọt nhưng số lượng hàng hóa bị giao trễ hoặc bị hủy đơn cũng tăng theo.
Vấn đề cuối cùng là dịch hiện đã bùng phát ra cả nước Trung Quốc, dẫn đến việc trụ sở của nhiều tập đoàn bị ảnh hưởng và buộc phải tạm ngưng một số hoạt động do lệnh hạn chế đi lại. Đơn cử như trụ sở của Alibaba ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cũng là nơi có lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 đứng hàng thứ tư toàn quốc.
Alibaba buộc phải để cho một số lượng lớn nhân viên làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm và không biết đến bao giờ mới có thể đi làm lại như bình thường.
Những người còn ở lại làm việc cho các công ty thương mại điện tử đang phải gồng mình làm thêm ca, làm quá giờ để bù đắp cho những người buộc phải ở nhà.
Điểm sáng hiếm hoi mà truyền thông nhận thấy ở đây là tinh thần đoàn kết và tương trợ giữa người với người, giữa khách hàng và nhân viên giao hàng. Tài xế Li Hu của tập đoàn JD trả lời phỏng vấn của báo The Japan Times: “Khách hàng rất thông cảm, thường động viên và hỗ trợ chúng tôi”. Anh Li cũng nói về những người làm công việc giao hàng như anh: “Chúng tôi cũng khổ nhưng chẳng là gì, ngoài kia còn nhiều người cần đến mình. Tôi không sợ chết. Cũng thường thôi. Nhưng cảm giác của tôi là mình đang cống hiến cho xã hội”.
Vũ Hoàng
(Theo Japan Times, SCMP)