Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Thời trang ‘chậm’ đối đầu thời trang nhanh ở thủ phủ của Zara

Tại thành phố cảng A Coruna của Tây Ban Nha, hai mô hình kinh doanh hàng may mặc trái ngược đang tồn tại: thời trang nhanh và thời trang bền vững. Điều này phản ánh sự xung đột giữa nhu cầu sản xuất quần ào bền vững hơn và nhu cầu liên tục thúc đẩy doanh số bán hàng.

Jorge Toba và Antia Montero kiểm tra các sản phẩm của thương hiệu quần áo trẻ em The Campamento, nơi sản xuất hai bộ sưu tập sản xuất theo đơn đặt hàng mỗi năm và chủ yếu bằng sợi hữu cơ. Ảnh: Reuters

Châu Âu muốn chấm dứt thời trang nhanh

Thành phố nhiều mưa, lộng gió nằm bên bờ Đại Tây Dương này là trụ sở của Tập đoàn Inditex, chủ thương hiệu Zara, nhà bán lẻ thời trang nhanh lớn nhất thế giới. Nhưng A Coruna cũng là nơi có nhiều nhà sản xuất nhỏ, chuyên cung cấp các sản phẩm áo quần bền, chất lượng cao. Họ tự xem mình là sự lựa chọn thay thế cho thời trang nhanh và giá rẻ, vốn giúp Inditex đạt doanh thu hàng năm 28 tỉ euro (30 tỉ đô la Mỹ).

Sản lượng hàng may mặc khổng lồ của Inditex cùng với lo ngại ô nhiễm rác thải thời trang nhanh đã thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đề xuất các quy định nhằm đảo ngược tình trạng sản xuất thừa và tiêu thụ quần áo quá mức hồi năm ngoái. EU muốn tất cả quần áo được bán trong khối có tuổi thọ sử dụng cao hơn và có thể tái chế vào năm 2030.

Tuần trước, Cao ủy phụ trách môi trường của EU, Virginijus Sinkevičius cho biết EU sẽ công bố các đề xuất quan trọng nhất cho ngành thời trang vào cuối tháng 3 này.

Sinkevičius nói rằng EU muốn các công ty thời trang chỉ sản xuất số lượng sản phẩm vừa đủ cho nhu cầu. Ông nói các quy định mới sẽ yêu cầu các công ty tự kiểm soát các hoạt động để bảo đảm tính bền vững.

“Nếu bạn tung hàng tấn quần áo, hàng dệt may, giày dép ra thị trường, bạn sẽ phải thu gom rác thải từ chúng”,  ông nói.

Khoảng 5,8 triệu tấn sản phẩm dệt may bị vứt bỏ hàng năm ở EU, tương đương với 11kg trên mỗi người dân. Theo số liệu của EU, trung bình cứ mỗi giây, có một xe tải chở rác thải quần áo để đi chôn lấp hoặc đốt tiêu hủy ở đâu đó trên thế giới.

Inditex đưa ra thị trường 565.027 tấn hàng may mặc trong 2021, nhiều hơn so với 528.797 tấn vào năm 2018, theo báo cáo thường niên của tập đoàn này. Con số này có thể cao hơn nữa trong năm 2022.

Cho đến nay, Inditex không có dấu hiệu kìm hãm hoạt động sản xuất. Thay vào đó, tập đoàn này đưa ra kế hoạch thay đổi một số quy trình nhằm giảm tác động đến môi trường, trong khi vẫn bám sát chiến lược liên tục tung ra các mẫu áo quần mới.

Trọng tâm của kế hoạch là sử dụng sợi tái chế, cắt giảm sử dụng nước, năng lượng và nguyên liệu thô.

“Chúng tôi tin rằng vấn đề không phải là sản xuất bao nhiêu mà là sản xuất như thế nào”, Inditex cho biết trong email trả lời phỏng vấn của Reuters

Theo báo cáo thường niên của Inditex, 50% sản lượng hàng may mặc của tập đoàn được sản xuất theo cách bền vững hơn trong năm 2021, chẳng hạn như sử dụng sợi bông (cotton) hoặc sợi hữu cơ, tăng mạnh so với 9% vào năm 2018.

Inditex cho biết đã điều chỉnh sản xuất để phù hợp với nhu cầu của khách hàng và chỉ 2% hàng tồn kho cần tái chế hoặc hiến tặng.

Nhà sản xuất thời trang nhanh lớn nhất thế giới đang nhắm mục tiêu đưa phát thải về mức zero ròng vào năm 2040.

Marian Fernandez, cựu nhân viên của Inditex, công ty mẹ Zara, sắp xếp lại quần áo tại cửa hàng thời trang Maazi của bà ở trung tâm thành phố A Coruna, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Nhân viên cũ Inditex khởi nghiệp thời trang bền vững

Một số cửa hàng thời trang nhỏ ở A Coruna được điều hành bởi các nhà thiết kế hoặc nhân viên bán hàng cũ của Inditex. Họ đã rời đi để thành lập doanh nghiệp riêng, giống như cách mà Amancio Ortega Giám đốc điều hành Inditex, thành lập cửa hàng Zara đầu tiên ở A Coruna vào năm 1975.

Trong số họ có Jorge Toba, 37 tuổi và Antia Montero, 31 tuổi, từng làm việc ở bộ phận mua hàng và thiết kế của Inditex.  Năm 2018, họ ra mắt thương hiệu quần áo trẻ em The Campamento và chỉ sản xuất hai bộ sưu tập theo đơn đặt hàng mỗi năm, chủ yếu sử dụng sợi hữu cơ. Họ không tung ra sản phẩm mới vào giữa mùa.

“Đây là một ngành công nghiệp rất gây ô nhiễm, vì vậy, chúng tôi cố gắng để lại càng ít dấu vết carbon càng tốt”, Montero chia sẻ.

Inditex đang hợp tác và đầu tư vào hơn 100 công ty khởi nghiệp chuyên về tái chế sợi. Một trong số đó là Circ, công ty khởi nghiệp của Mỹ, đang phát triển công nghệ mới để tách sợi cotton và sợi polyester thường được pha trộn trong hầu hết quần áo. Peter Majeranowski, Chủ tịch Circ, cho biết đây là bước đầu tiên để sản xuất quần áo từ vật liệu dệt đã qua sử dụng hoặc phế thải.

Nhưng Circ và các đối thủ cạnh tranh chỉ có khả năng tái chế 1% lượng vải cần thiết để ngành thời trang toàn cầu sản xuất 109 triệu tấn quần áo mỗi năm.

“Con số đó thực sự như giọt nước trong đại dương”, Majeranowski nói và cho biết thêm ngành thời trang cần đạt mục tiêu sử dụng sợi tái chế cho 10% sản lượng áo quần hàng năm vào năm 2030.

Marian Fernandez, 56 tuổi, từng làm việc 25 năm tại Inditex và vươn lên trở thành một trong những nhà quản lý hàng đầu của thương hiệu thời trang xa xỉ Uterque của tập đoàn này. Tuy nhiên, sau đó, bà đã rời đi để thành lập cửa hàng thời trang Maazi của riêng mình ở trung tâm thành phố A Coruna. Bà đăng video hàng tuần trên mạng xã hội hướng dẫn khách hàng cách xây dựng tủ quần áo “có trách nhiệm”, với những bộ váy có thể sử dụng cho nhiều dịp và nhiều mùa.

Các công ty thời trang nhỏ và bền vững ở A Coruna có thể là hình mẫu để các nhà sản xuất áo quần khác học tập. Achim Berg, đối tác cấp cao của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co, nói: “Chính các công ty thời trang nhỏ và mới này sẽ là nơi khởi đầu cho sự đổi mới”.

Theo Reuters

Khánh Lan

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối