Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thời trang thiết kế được ưa chuộng

(SGTT) - Ra đời vào khoảng năm 2011, 2012 ở TPHCM, nhiều cửa hàng chuyên về thời trang tự thiết kế và may mặc vẫn tiếp tục cuộc “thay da đổi thịt” để đeo đuổi nhu cầu của một bộ phận không nhỏ những người ăn mặc kỹ tính, theo gu riêng.

Những cửa hàng này có vẻ nhỏ bé bên cạnh những tên tuổi thời trang lớn trong nước và nước ngoài nhưng chỗ đứng của họ trong lòng người tiêu dùng lại khá vững chắc. Lý do là giá cả hợp túi tiền dân văn phòng lẫn sinh viên, kiểu dáng thay đổi liên tục, và đặc biệt làm quảng cáo qua facebook tốt.

“Chiếc quần tây màu trắng, dáng giống như chiếc quần baggy và chiếc áo sơ mi kẻ sọc ngày đó tôi mua ở CocoSin mặc rất ưng ý, được nhiều người khen đẹp. Tôi nhớ giá cả bộ khoảng 600.000 đồng. Sau đó tôi còn mua thêm đầm, jumsuit… ở đây. Thiết kế đơn giản, đẹp, giá cả hợp lý, có gu thời trang riêng là lý do tới bây giờ tôi vẫn hay mua đồ của cửa hàng này”, chị Minh Ngô, ngụ quận Tân Bình, TPHCM – một tín đồ của cửa hàng thiết kế và may mặc CocoSin trên đường Võ Văn Tần từ năm 2012 – cho biết.

Nhiều năm qua, chị Minh Ngô vẫn đeo đuổi thời trang tự thiết kế nhưng không chỉ mến mộ mỗi CocoSin mà còn nhiều cửa hàng tự thiết kế và may mặc khác.

Cũng là một tín đồ của hàng tự thiết kế như chị Minh Ngô, chị Thùy Trang, có nhà ở quận 3, TPHCM còn cho rằng thời trang tự thiết kế nắm bắt được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ các tín đồ thời trang, từ nhân viên văn phòng cho đến sinh viên đại học đều ưa chuộng vì bộ đồ có thiết kế đẹp, chỉn chu, mẫu mã đơn giản, có phong cách riêng và giá cả so với hàng nhập khẩu không quá cao.

Chiều lòng nhiều tín đồ thời trang

Một số mẫu thời trang tự thiết kế của Xéo Xọ.

TPHCM hiện có rất nhiều cửa hàng thời trang tự thiết kế, với nhiều phong cách khác nhau như cổ điển, hiện đại, phong cách tối giản (minimalism), phong cách tự do (hippie), phong cách bohemian (boho), phong cách retro, phong cách office chic (tạm dịch là thời trang công sở phá cách)...

Có thể kể tới một số cái tên như Miky, Libe, Xéo Xọ, Wephobia, CocoSin, The Blue T-Shirt, Nosbyn, Ren, R.Ậ.P, Chillax Homewear, Maison Phi Phi, Highcut, Poxi, Gem Concept, Xí Củn, Mayy in Saigon…

Điểm chung của các mặt hàng thiết kế là kiểu dáng đơn giản, chất liệu vải thay đổi theo mùa, đường kim mũi chỉ đều và chắc.

Riêng giá bán các loại trang phục tự thiết kế này có khác nhau tùy theo kiểu dáng, chất liệu vải và theo khu vực.

Có những mặt hàng tự thiết kế và “lên đồ” hàng loạt có giá bán mềm hơn, riêng những mặt hàng thiết kế theo bộ sưu tập thì giá đắt hơn nhiều.

Với hai nhà sáng lập cửa hàng thời trang Xéo Xọ là chị Hương và chị Hằng, thị trường thời trang thiết kế rất có tiềm năng, đây là mảnh đất để những người làm nghề “cày sâu cuốc bẫm” giữa lúc thị trường tràn ngập các mặt hàng may mặc của các nhà thời trang lớn trong nước và các nhãn hàng thời trang đại chúng đến từ nước ngoài.

Mảng thị trường thời trang tự thiết kế nhỏ như các nhãn hiệu kể trên vẫn có chỗ đứng, nhờ thiết kế vừa với vóc dáng và phong cách ăn mặc của người Việt Nam, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ.

Ngoài ra, người tiêu dùng nội địa sẽ dễ tìm kiếm được sự hỗ trợ từ các nhà thiết kế đồng thời cũng là nhà may này, như nếu chiếc áo mới không vừa với người mặc sẽ được sửa sao cho vừa đẹp – một điều khó thực hiện nếu đó là mặt hàng nhập khẩu mà không đúng kích cỡ.

Còn đó sự thách thức

TPHCM hiện có rất nhiều cửa hàng thời trang tự thiết kế, với nhiều phong cách khác nhau như cổ điển, hiện đại, phong cách tối giản...

Tuy có nhiều điểm lợi thế, nhưng hai chị Hương và Hằng cũng thừa nhận có những thách thức đáng kể.

Ví dụ, theo thời gian, sở thích và yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ ngày càng cao nên các cửa hàng tự thiết kế luôn phải chú trọng ở khâu thiết kế sáng tạo, không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm.

Cũng theo họ, sự ra đời ngày càng nhiều của các cửa hàng thời trang tự thiết kế trong bối cảnh các thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng nước ngoài hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam; sự tồn tại bấy lâu của các thương hiệu thời trang Việt Nam quy mô lớn, khiến sự cạnh tranh của thị trường sẽ ngày càng khó khăn, khốc liệt.

“Làm sao để người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của mình một lần, rồi nhiều lần trong khi họ có quá nhiều sự lựa chọn là bài toán không dễ giải quyết.

Chất lượng sản phẩm, sự đầu tư lookbook, giá cả hợp lý thôi chưa đủ, cần có thêm các dịch vụ kèm theo đúng ý của khách hàng (như may theo số đo hay may thêm phụ kiện kèm theo như băng đô, túi xách…), cũng như thái độ phục vụ nhã nhặn và lịch thiệp nữa”, chủ một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM khẳng định.

Không chỉ đầu tư về thiết kế, chất liệu vải, các cửa hàng thời trang thiết kế còn chăm chút khâu chụp hình sản phẩm. Ảnh: facebook của thương hiệu Mayy in Saigon

Đề cập đến tính bền vững của xu hướng thời trang này, một số chủ cửa hàng thời trang tự thiết kế cho rằng nếu gọi là xu hướng thì tất yếu sẽ có lúc lên và có lúc xuống.

Nên hãy nhìn nhận sự ra đời, hoạt động, tồn tại và phát triển của các cửa hàng thời trang tự thiết kế là một quá trình để tạo nên một thương hiệu. Và việc có thực sự sẽ tạo thành các thương hiệu bền vững hay không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và chất lượng của dịch vụ.

“Ở Xéo Xọ, chúng tôi xem việc thiết kế, ra mắt mẫu mã sản phẩm, chăm chút cho sự tồn tại, phát triển của mỗi cửa hàng là công việc làm đẹp cho bản thân, cho mọi người, cho cuộc sống thay vì phải chạy theo xu hướng nào đó.

Và sản phẩm của Xéo Xọ sẽ không chạy theo xu hướng nào đó nhất định mà luôn gắn liền với việc mang lại sự thoải mái cũng như là sự nữ tính cho người mặc. Tôi nghĩ, từ đây sẽ làm nên thương hiệu”, chị Hương nói.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối