DƯƠNG VY QUYÊN -
Các thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới lần lượt bước vào thị trường Việt Nam. Với nhiều người, đây là tin vui cho người tiêu dùng, những người yêu thích thời trang “hàng hiệu”, song lại là áp lực lớn với ngành thời trang trong nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thời trang trong nước vẫn tỏ ra tự tin, cho biết đã sẵn sàng đón tiếp đối thủ cạnh tranh.
Trước sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” trong ngành thời trang thế giới, các cửa hàng thời trang Việt Nam vẫn tự tin khả năng cạnh tranh của mình. Ảnh: B.U
Cách đây vài ngày, thương hiệu thời trang Zara đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, và cho biết sẽ tiếp tục mở hàng loạt cửa hàng trong năm tới. Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, hai thương hiệu khác là Topshop và Topman đánh dấu sự phát triển ở thị trường Việt Nam khi ra mắt cửa hàng thứ ba ở một trung tâm thương mại lớn cũng tại TPHCM. Các sản phẩm của H&M cũng được dự đoán sẽ có mặt tại Việt Nam trong thời gian không xa thông qua một kênh phân phối.
Một thời gian dài trước đây, các tín đồ thời trang trong nước chỉ có thể sở hữu những món đồ của các thương hiệu này thông qua cửa hàng xách tay hay dịch vụ đặt mua đồ nước ngoài với giá đội lên gấp nhiều lần, do cộng thêm tiền vận chuyển và công mua. Sự có mặt của những “ông lớn” trong ngành thời trang thế giới ngay tại TPHCM giúp cho nhiều người mua sắm tiện lợi hơn, cập nhật xu hướng thời trang thế giới nhanh nhạy hơn.
Không chỉ được đánh giá cao về chất liệu, kiểu mẫu, các sản phẩm của các thương hiệu này còn có mức giá hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, những ngày đầu đến Việt Nam, Zara đã thật sự tạo nên cơn sốt trên thị trường thời trang trong nước. Khách hàng ra vào nườm nượp và phải đứng xếp hàng dài chờ thanh toán hóa đơn.
Không ít ý kiến lo ngại các thương hiệu thời trang trong nước sẽ thua trên sân nhà trước những “gã khổng lồ” này. Tuy nhiên, theo nhận định của người trong cuộc, vẫn còn quá sớm để khẳng định Zara hay các thương hiệu khác có thể chiếm lĩnh thị trường thời trang trong nước.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Tiệp, phụ trách truyền thông thương hiệu thời trang NEM, vẫn tỏ ra lạc quan cho rằng đây không phải là mối lo của NEM ở thời điểm hiện tại. Zara hay H&M đến Việt Nam chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Hơn nữa, không phải đến giờ ngành thời trang trong nước mới phải chịu áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài.
“Zara có phân khúc khách hàng là những người trẻ, năng động. Chúng tôi có phân khúc khách hàng là nữ nhân viên văn phòng, phụ nữ thích kiểu dáng sang trọng. Mỗi ngày chúng tôi đều ra mẫu mới. Tại sao lại mang tâm lý e sợ khi mình có phân khúc khách hàng riêng, thương hiệu của mình cũng được đầu tư bài bản từ hệ thống cửa hàng đến chất liệu, kiểu dáng?”, ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, những thương hiệu cà phê, thức ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới trong giai đoạn đầu đến Việt Nam cũng đã tạo nên cơn sốt do sự tò mò ban đầu của người tiêu dùng, nhưng về sau khách cũng thưa dần. Theo ông, sẽ quá vội vàng để kết luận một thương hiệu thời trang nước ngoài nào đó chiếm được thị phần lớn của thời trang trong nước.
“Đúng là người tiêu dùng Việt Nam thường chuộng hàng ngoại hơn, nhưng trong ngành thời trang, chỉ cần thương hiệu trong nước có được sản phẩm người mua cần và sản phẩm đó phải do tự thiết kế chứ không phải sao chép từ ai thì sẽ vẫn thu hút và giữ chân được khách hàng”, ông Tiệp khẳng định.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cũng cùng quan điểm, cho rằng đúng là các thương hiệu nước ngoài sẽ làm thay đổi cục diện thời trang trong nước, nhưng người kinh doanh và các nhà thiết kế không nên vì thế mà có tâm lý lo sợ áp lực cạnh tranh. Những thương hiệu lớn có nhiều ưu thế nhưng chỉ có thể đánh bật những cửa hàng thời trang không có hướng đi rõ ràng, không chuyên nghiệp.
Theo ông Hồng, ngành thời trang Việt Nam đã có những dòng sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước như sơ mi, quần tây nam. Mặc dù hiện nay giá của các sản phẩm này có thể tương đương với một số thương hiêụ nước ngoài, nhưng với chất liệu và kiểu dáng hợp với phần đông nam giới Việt Nam, các mặt hàng này sẽ vẫn tiếp tục thu hút và giữ chân được khách hàng. Song ông Hồng cũng nhìn nhận phân khúc thời trang nữ trong nước chưa có một thương hiệu nào nổi bật, do hạn chế về kiểu mẫu. Các hãng may mặc trong nước đa phần vẫn làm công việc gia công cho các hãng nước ngoài mà không tạo ra được sản phẩm riêng.
Bên cạnh các thương hiệu quần áo may sẵn, những năm gần đây, thị trường thời trang trong nước cũng sôi động hơn do có sự góp mặt của các cửa hàng may đo thiết kế từ những người trẻ. Giá bán có nơi lên đến 2 triệu đồng/sản phẩm, tương đương với nhiều mặt hàng của các thương hiệu bình dân nước ngoài. Nhưng trước sự đổ bộ của những tên tuổi lớn như Zara, H&M, người kinh doanh vẫn tự tin vào khả năng cạnh tranh của mình.
“Khách hàng trước giờ của chúng tôi là những người không thích đụng hàng nên thật sự chúng tôi không quan tâm lắm đến sự xuất hiện của các thương hiệu lớn kia, bởi sản phẩm của họ dẫu sao cũng là hàng sản xuất hàng loạt, khó tạo cho khách hàng dấu ấn thời trang riêng biệt”, Hoàng Thu Trà, chủ một cửa hiệu thời trang may đo thiết kế chia sẻ.