TUỆ NHÃ -
Nhà thiết kế Lý Quí Khánh được xướng tên trên bảng chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015 (Miss World 2015) bằng chiếc váy dạ hội của người đẹp Lan Khuê ở mục World Designer khiến những ai yêu thời trang hồ hởi khi thấy thời trang Việt được vinh danh ở tầm quốc tế.
Tuần lễ nhà thiết kế thời trang Việt Nam lần đầu tổ chức đã tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp.
Tin vui của Lý Quí Khánh kết màn cho một năm được các nhà thiết kế đánh giá là đầy ấm áp của thị trường thời trang Việt, với các buổi trình diễn tại nước ngoài như Ý, Mata, Mỹ, Nhật… của các nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn, Minh Hạnh, Võ Việt Chung, Thuận Việt, Long áo dài, Quỳnh Paris, Đỗ Mạnh Cường… Sân khấu thời trang trong nước (đặc biệt là TPHCM) cũng tiếp tục đón nhận các lịch diễn ngày càng sôi động hơn với Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) được tổ chức lần 2 và công bố tăng lên 2 lần/năm theo đúng chuẩn của các tuần lễ thời trang quốc tế bắt đầu từ năm nay. Việc mời được những tên tuổi nước ngoài, đặc biệt là “bà hoàng áo cưới” Nhật Bản Yumi Katsura đến tham dự, cùng những bộ sưu tập (BST) ấn tượng như Lúng liếng của Thủy Nguyễn, Nguyên bản của Li Lam… đã tạo thêm uy tín cho VIFW bên cạnh khâu tổ chức được đánh giá là chuyên nghiệp so với các sô thời trang hiện nay.
Việc có thêm một tuần lễ thời trang khác là Tuần lễ nhà thiết kế thời trang Việt Nam, tuy tổ chức còn gấp rút (những ngày cuối tháng 12-2015) và không có độ hoành tráng, quy mô như VIFW nhưng cũng được giới mộ điệu thời trang tán thưởng và đặc biệt là những tín hiệu vui từ doanh số bán hàng của những NTK tham dự, không chỉ NTK có tên tuổi mà cả những sinh viên tiềm năng từ các trường.
Chiếc váy của Lý Quí Khánh thiết kế cho Lan Khuê giúp anh đoạt giải World Designer tại Miss World 2015. Ảnh do nhà thiết kế cung cấp.
Từ bàn vẽ bước đến tủ đồ của khách hàng Việt vẫn còn là con đường quá chông gai với các NTK vì nhiều nguyên do như không có nhiều lựa chọn về chất liệu cao cấp (cùng mức giá tốt), kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý của thời trang Việt khởi đầu chậm hơn các nước xung quanh… nên việc thành lập được hiệp hội nhà thiết kế để xúc tiến bán hàng sẽ giúp đỡ các NTK khỏi phải loay hoay mở ra-đóng lại các cửa hàng của mình như một vòng luẩn quẩn lâu nay.
Không chỉ những tuần lễ thời trang mà những sô lẻ của các NTK và các thương hiệu cũng là điểm nhấn trong năm nay. Việc bán được hàng và tìm được những nguồn tài trợ khác nhau đã giúp các NTK và thương hiệu thời trang tiếp tục mạnh tay làm các sô riêng như Chung Thanh Phong, Đỗ Mạnh Cường, Elise, Ivy Moda… với độ hoành tráng ngày càng tăng lên. Hệ thống cửa hàng của các thương hiệu Canifa, Elise cũng tiếp tục mở rộng ở nhiều tỉnh, thành ngoài TPHCM, trong khi các thương hiệu thời trang nước ngoài cũng tiếp tục thâm nhập thị trường thông qua các hệ thống trung tâm thương mại tiếp tục được khai trương trên nhiều quận tại TPHCM và nhiều thành phố khác trong năm qua.
Thời trang sân bay và “street style” (hiểu nôm na là phong cách thời trang đời thường) của giới showbiz được giới truyền thông quan tâm đã giúp những người làm nghề stylist (tư vấn phong cách thời trang) có một năm “ăn nên làm ra” và dần được thừa nhận chính thức như một nghề mang lại thu nhập, đồng thời giúp các nghệ sĩ, hoa hậu Việt Nam, người mẫu… tiến bộ về phong cách thời trang bên ngoài thời trang biểu diễn và dự sự kiện. Tiếc thay những từ khóa “trang phục ngàn đô”, “set đồ trăm triệu”, “chiếc túi tiền tỉ” xuất hiện liên tục trên mạng lại đa số là của các thương hiệu nước ngoài.
Ngoài chuyện giá bán của những bộ đồ vài trăm đến một ngàn đô la vẫn còn quá cao so với mức thu nhập trung bình của đa số khách hàng Việt, thì chính những lùm xùm đạo nhái chưa bao giờ dứt mới chính là yếu tố chính để khách mua hàng ít dám đầu tư với hàng hiệu thời trang Việt. Việc một người đẹp nổi tiếng đã công khai trên mạng là mình đạo nhái hàng hiệu để bán với mức giá 2-4 triệu đồng/món tại cửa hàng và gián tiếp lẫn trực tiếp tố cáo những NTK khác copy kiểu dáng, họa tiết của một số thương hiệu thời trang nước ngoài phần nào cản trở rất nhiều cho thị trường đồ thiết kế cao cấp, đồ ready to wear (thời trang ứng dụng) của các thương hiệu Việt và NTK Việt.
Dù vẫn còn vài chuyện lùm xùm trong làng thời trang nhưng những nhà thiết kế, đại diện các thương hiệu thời trang cũng đều công nhận rằng thời trang Việt năm 2015 đang “ấm” dần lên dù ai cũng thừa biết để tiến đến một nền công nghiệp thời trang như các nước xung quanh vẫn còn khá xa.