Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thong dong dạo chơi làng sinh thái Thái Lai, nơi có đình làng cổ niên đại 300 năm

(SGTT) – Nhận lời mời từ người chị là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Thái Lai, tôi sắp xếp thời gian và ghé thăm làng sinh thái Thái Lai vào một ngày đẹp trời.

Trải dài bên bờ Bắc sông Túy Loan hiền hòa thơ mộng, làng sinh thái Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) hiện đang có hệ sinh thái phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng mang tính đặc trưng của làng quê của huyện Hòa Vang và của xứ Quảng xưa.

Nào là đình làng cổ, nhà cổ Tích Thiện Đường, vườn trái cây Nam bộ, vườn hoa hướng dương, bảo tàng nông nghiệp “mini”, đường làng quê bốn mùa hoa nở… Đến tham quan làng sinh thái Thái Lai, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường sông đều thuận tiện.

Du khách có thể đến làng sinh thái Thái Lai bằng đường sông. Ảnh: Tiên Sa

Đình làng cổ Thái Lai

Theo các bậc cao niên làng Thái Lai cho hay, đình làng Thái Lai hình thành cách đây gần 300 năm với lối kiến trúc theo quy cách xây dựng thời triều Nguyễn. Trong thời kỳ chống Pháp, đình là nơi hội tụ của người dân địa phương đứng lên giành chính quyền; trong chống Mỹ, mặc dù là vùng bị địch chiếm đóng, nhưng người dân vẫn kiên trung, một lòng theo cách mạng và đình trở thành nơi tập kết lương thực, vũ khí, che giấu cán bộ vượt qua những giai đoạn khó khăn, ác liệt.

Lối vào đình làng cổ Thái Lai. Ảnh: Tiên Sa

Đình làng Thái Lai qua bao thế hệ vẫn là nơi hội tụ, sản sinh những giá trị truyền thống của dân làng, hình thành nhiều phong tục tốt đẹp có sức lan tỏa lớn, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Ngôi đình cổ Thái Lai đã được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố vào năm 2010.

Nhà cổ Tích Thiện Đường

Đến tham quan Đỗ Gia Viên, nơi có ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường trong làng du lịch sinh thái Thái Lai, du khách sẽ đi qua những hàng dâm bụt, chè tàu là đến cổng khu vườn rộng khoảng 3500m2, nằm sâu trong rặng cây trái mát mẻ.

Trong vườn có nhiều loại hình nghệ thuật, công trình kiến trúc theo kiểu cổ xưa, hài hoà và độc đáo. Dưới tán cây cối rợp bóng mát, có nhiều nhà bát giác, lục giác… cho khách ngồi uống trà, nghỉ ngơi, thư giãn; phục dựng hòn non bộ với non xanh, thủy tú, với cảnh ngư - tiều – canh  - mục.

Nhà cổ Tích Thiện Đường thường đón nhiều đón khách ghé tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Tiên Sa

Nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh là ngôi nhà cổ độc nhất tại Đà Nẵng còn giữ được vẹn nguyên với lối kiến trúc đặc trưng nhà Việt cổ. Với chiều dài 14m, chiều rộng 10m, thiết kế kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói Âm - Dương đã lên màu rêu phong cổ kính, bờ tường dày gần 1/2m. Với kiểu nhà cổ này, rất mát về mùa Hè và ấm áp về mùa Đông. Trong nhà thiết kế kiểu xưa với Đông phòng, Tây phòng…

Ông Trần Tư, 77 tuổi, Chi trưởng nhà cổ tích, tâm sự: “Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, căn nhà cũng là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng hoạt động. Nhiều chiến sĩ cách mạng sau này làm cán bộ đã quay lại thăm nhà và thăm các người thân. Họ xem đây như là căn nhà thứ 2 của họ. Chính vì vậy, ngoài giá trị về mặt kiến trúc thì căn nhà cũng như là một di tích văn hóa lịch sử…".

Bảo tàng nông nghiệp “mini”

Đặc biệt, thời gian qua, chủ nhân Đỗ Gia Viên đã xây dựng một “bảo tàng” nông nghiệp thu nhỏ trưng bày gần như đầy đủ các nông, ngư cụ truyền thống của cư dân với hàng trăm hiện, vật dụng, luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với người dân. Các hiện vật được xếp ngăn nắp, gọn gàng, theo chủ đề.

Đến đây, du khách thấy những đồ vật như cối xay lúa bằng tre, cối đá, bát đĩa sứ, nồi đất, nồi đồng…; những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xe đạp nước, quang gánh, xe quạt lúa, gàu sòng, gàu dai; những dụng cụ đánh bắt cá như nhủi, lưới, nơm, giỏ... Ở mỗi không gian, chủ nhân luôn giới thiệu hiện vật rất rõ ràng, chi tiết để du khách và người xem có thể chiêm nghiệm.

Đường hoa thôn Thái Lai

Chúng tôi rất ngỡ ngàng khi đi trên con “đường hoa” của thôn Thái Lai chạy xuyên qua làng được ”sáng - xanh - sạch - đẹp” với hoa xuân đua nở. Một người dân tại đây cho hay, trong năm, Chi hội Phụ nữ kết hợp với Chi đoàn thanh niên thôn Thái Lai tình nguyện để trang trí, bổ sung, tôn tạo, chăm sóc… con đường hoa, tiểu cảnh, ghế đá…có chiều dài gần 1.000m với kinh phí từ nguồn ủng hộ của người dân và các mạnh thường quân. Có thể nói đây là đường hoa đẹp , công phu và thu hút người dân đến đây check-in… nhiều nhất của khu vực nông thôn huyện Hòa Vang.

Một góc đường hoa với những tiểu cảnh thôn quê bình dị. Ảnh: Tiên Sa

Nơi đây còn có vườn hoa hướng dương, vườn trái cây trĩu quả và cuối làng Thái Lai còn là cánh đồng sen trổ hoa thơm bát ngát. Đến đây, du khách dễ dàng ghé thăm Bia Chứng tích (trận đánh năm Mậu Thân - 1968) của các thôn Thái Lai, Phước Thái, Thạch Nham) nằm ven con đường bê tông rộng đẹp ven cánh đồng lúa xanh tốt mỡ màng.

Đặc sản thôn Thái Lai

Ngoài các điểm du lịch nêu trên, làng sinh thái Thái Lai còn có thêm một số loại hình như chèo thuyền trên sông Túy, thuê áo dài, chụp ảnh cưới, cà phê vườn hoa, cà phê võng; thưởng thức các món ăn dân dã cho những thôn nữ nơi đây chế biến như: Mì Quảng (nguyên vị), bánh tráng Túy Loan nướng giòn, sắn hông lá dứa thơm, khoai lang nướng, bánh gói, bánh nậm nhân đậu xanh và tôm thịt, bánh đúc có màu gạo đỏ, chấm với mắm nêm tương ớt, từng miếng bánh đúc nhai sần sật, thơm ngon nơi cửa miệng.

Tô mì Quảng với hương vị truyền thống. Ảnh: Tiên Sa

Món gà ta rang với măng vườn, cũng là món cây nhà lá vườn để phục vụ du khách gần xa. Du khách có thể vào tận vườn nhà để mua nông sản, trái cây, rau quả sạch với giá cả phải chăng do bà con trong làng sản xuất.

Tương lai của làng sinh thái Thái Lai

Theo đại diện làng cho hay, năm 2021, tại làng sinh thái Thái Lai đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thái Lai và Văn phòng làm việc HTX Saemaul Thái Lai với sự tham gia của ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới Saemaul (SGF) tại Việt Nam và lãnh đạo, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và đông đảo người dân thôn Thái Lai đến tham dự.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thái Lai, Văn phòng làm việc HTX Saemaul Thái Lai là công trình hỗ trợ đầu tiên được xây dựng trên diện tích khoảng 1.000m², nằm trên đường liên thôn do Qũy Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (Quỹ SGF) đầu tư và chuyển giao lại cho Ban Nhân dân thôn Thái Lai quản lý, khai thác hiệu quả

Theo thông tin của ngành chức năng, vào tháng 7-2020, UBND huyện Hòa Vang và SGF tổ chức ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận các nội dung liên quan đến việc triển khai dự án “Xây dựng mô hình Nông thôn mới Saemaul” tại thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) với mức kinh phí tài trợ 15 tỉ đồng; để hỗ trợ người dân thôn Thái Lai xây dựng mô hình Nông thôn mới hiệu quả, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo đó, trong thời gian 5 năm (từ năm 2019 đến năm 2024), Quỹ SGF sẽ tập trung hỗ trợ việc cơ giới hóa nông nghiệp; tư vấn, nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình nông nghiệp phù hợp với thôn Thái Lai; xây dựng cơ sở hạ tầng… Đến nay, một số hạng mục cơ bản đã xây dựng xong với sự tài trợ của SGF và nội lực của người dân xây dựng các con đường bê tông trong làng rộng đẹp, khang trang dưa du khách vào làng tham quan, trải nghiệm với bốn mùa hoa nở.

Được biết, mô hình “Làng nông thôn mới Saemaul” do SGF triển khai xây dựng tại một số tỉnh của Việt Nam. Đây là mô hình phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ của người dân; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, cung ứng theo chuỗi giá trị, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân… Tại Việt Nam, đã có khoảng 8 mô hình “Làng nông thôn mới Saemaul” được triển khai tại các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hậu Giang…

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối