NGUYỄN VINH -
Như Sài Gòn Tiếp Thị đã có lần đề cập, vài năm gần đây, dòng sách viết về Sài Gòn gần như trăm hoa đua nở. Các tác giả thích chọn thời điểm tốt nhất để nói về Sài Gòn có vẻ như là những ngày tết. Phải chăng đó là thời điểm lý tưởng để sống chậm, nghĩ chậm, đọc chậm?
Đều đặn mỗi năm một quyển dày dặn và trang nhã với nhiều câu chuyện, hình ảnh về “đời của phố” khá công phu, tác giả Phạm Công Luận cũng chọn dịp Tết Bính Thân để cho ra mắt quyển 3 (do Phương Nam & NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành) trong loạt sách Sài Gòn chuyện đời của phố.
“Sau mỗi tập, tôi nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ sự đồng cảm, có khi góp ý của độc giả. Trong số những độc giả đó, có nhiều người sống ở Sài Gòn lâu năm, họ mang đến cho tôi nhiều câu chuyện, nhiều thông tin và tư liệu quý. Đó là nguồn chất liệu để tôi viết tiếp. Và cứ thế, Sài Gòn chuyện đời của phố cứ nối dài”, Phạm Công Luận chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị khi cuốn thứ 3 vừa ra mắt, còn thơm giấy mới.
Sài Gòn chuyện đời của phố nhận được phản hồi tốt từ dư luận trong ba năm qua. Phạm Công Luận cũng định hình một lối viết trong dòng sách viết về Sài Gòn pha trộn giữa tính sưu khảo với ghi chép thực tế, giữa ký ức cá nhân đặt trong ký ức cộng đồng. Sài Gòn hôm qua đi vào sách của ông nhẹ nhàng qua những câu chuyện kể bình dị, có tính “truyền kỳ”, dệt nên bức tranh chung về một Sài Gòn của dĩ vãng còn lung linh trong hồi ức nhiều người.
Ở cuốn 3, Phạm Công Luận kể chuyện tâm tính và hình ảnh Sài Gòn hôm qua thông qua những nhân vật: giáo sư Lê Văn Khoa với chương trình truyền hình “Thế giới của trẻ em”, nhà trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh bước xuống vỉa hè với thương hiệu dầu cù là, bà Trùng Quang với “búp bê văn hóa”, một Sài Gòn bình dị sống động trong tranh bút sắt ký họa của phóng viên Mỹ Dick Adair hay ông Lý Thân, người chơi cổ ngoạn ưa thích lãng du giữa Sài Gòn với nhiều chuyện kể “truyền ký ức”… Sài Gòn của Phạm Công Luận, vẫn bất tận với chuyện những cửa hiệu, con đường, ngõ hẻm làm nên sắc vóc và tánh khí phố phường. Sau mỗi trang sách là hình ảnh, là nhan sắc con người, cảnh vực, nếp sống, có “cấu tứ” để người đọc nay liên hệ, nối kết với một Sài Gòn đang phát triển, để có những thay đổi/đánh đổi cần ngẫm ngợi, cân nhắc kỹ hơn.
Một quyển sách khác khá thú vị trong dòng sách Sài Gòn, đó là Sài Gòn – Thị thành hoang dại (Amun & NXB Phụ nữ ấn hành) của Khải Đơn. Sau thành công của cuốn tạp văn Đừng tháo xuống nụ cười, cây bút Khải Đơn tiếp tục với những tản mạn sắc sảo, trẻ trung, trình bày những góc nhìn lạ, đôi khi có sự cực đoan của một người trẻ nhiệt huyết và hiểu biết. Cuốn sách chia làm bốn phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn – tại sao để yêu?, Chợ giấc mơ, và Kỷ niệm đóng đinh vào phố, vừa là khảo nghiệm bản thân pha lẫn những phản biện, soi xét hướng đến những đòi hỏi văn minh cho một đô thị của thì hiện tại. Không ít những tiếng thở dài và cũng không ít những nốt lặng để từ đó, mỗi thị dân phải nhìn lại để nghĩ cách làm sao cho đô thị mình gắn bó đáng sống hơn.
Sau quyển Chuyện nhỏ Sài Gòn, tác giả Đàm Hà Phú, một kiến trúc sư viết văn, tiếp tục mạch tản văn về Sài Gòn với Sài Gòn bao nhớ (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành). Có thể đọc thấy một thứ “tuyên ngôn” dung dị về một Sài Gòn theo “kiểu Đàm Hà Phú” được ghi chú bên lề quyển sách: “Bạn có thể nhớ về cha mẹ như về những người đã đánh đòn bạn, họ già cả và trái tính trái nết, đôi lúc khó khăn đến khắc nghiệt... và bạn cũng có thể nhớ về cha mẹ như những người gần như duy nhất trên hành tinh này đã luôn yêu thương, chăm sóc và hy sinh tất cả cho bạn, vô điều kiện. Bạn có thể nhớ về Sài Gòn như về một chốn xô bồ, đầy kẹt xe, bụi bặm, cướp giật, xì ke và lừa lọc... hoặc bạn cũng có thể chọn nhớ về Sài Gòn như về mảnh đất đã cưu mang mười triệu con người, mảnh đất của tình nghĩa, phóng khoáng và hào hiệp. Bạn được quyền lựa chọn ký ức đẹp”.
Trên “mâm sách” tết, có những món ngon đặc sản dán nhãn Sài Gòn. Cũng là cách để người Sài Gòn chọn ngồi một góc quán cà phê nào đó trong những ngày Sài Gòn vắng lặng để đọc nhâm nhi, nghĩ chậm rãi hay để người nhập cư trên đường trở về quê nhà sum vầy tết nhứt lần giở, đọc nhẩn nha, rồi sau đó lại nghe Sài Gòn vẫy gọi – chẳng biết ra đi hay trở về.