Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thông tin tiêm chủng bị sai không ảnh hưởng đến việc cấp thẻ xanh tại TPHCM

Những thông tin bị sai hoặc chưa cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ được chỉnh sửa ngay khi nhận được phản ánh của người dân. Vì vậy, sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng theo kế hoạch chung của TPHCM, những quyền lợi chính đáng của người dân sẽ được bảo đảm.

Thông tin này được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết tại buổi họp báo chiều 11-9.

Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc người dân đã tiêm vắc-xin phản ánh thông tin chưa được cập nhật lên hệ thống hoặc thông tin bị sai. Trả lời vấn đề này ông Từ Lương Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết, thời gian qua, các đơn vị tiêm vắc-xin đã cập nhật dữ liệu vào hệ thống quản lý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 quốc gia.

Tuy nhiên, trong thực tế có việc người dân đã tiêm vắc-xin nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin bị sai. Khi đó người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn.

“Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế đã tổ chức huy động động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Vì vậy, sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng theo kế hoạch chung của thành phố các quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân sẽ được bảo đảm” ông Từ Lương cho biết.

Nhiều người dân đã tiêm vắc-xin nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin bị sai.Ảnh: Minh Hoàng

Liên quan đến phản ánh của người dân về việc hiện nay có quá nhiều ứng dụng khai báo y tế gây phiền toái và người dân mong muốn có một app dùng chung. Về vấn đề này, ông Từ Lương, cho biết thành phố đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Để thực hiện điều này, thành phố đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP).

Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố (”Y tế HCM”)  thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch.

Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Nói về việc sử dụng các ứng dụng (app) hiện nay, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM cũng nhận định hiện nay đang có quá nhiều app gây bất tiện cho người sử dụng.

Theo ông Hà, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng một app thống nhất, trong đó kết nối, chia sẻ tất cả dữ liệu để phục vụ phòng, chống dịch, hạn chế việc người dân khai báo rồi phải khai báo lại.

Mới đây, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng app VNEID được xây dựng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên có tính xác thực cả về nhân thân, thông tin khai báo nên đảm bảo được công tác quản lý, còn các ứng dụng khác thì chỉ xác thực qua điện thoại.

Do vậy, app VNEID có ưu điểm hơn so với những ứng dụng khác. Hiện tại app VNEID đang được Công an TPHCM đưa vào sử dụng về kiểm soát lưu thông trên đường.

Người dân mong muốn chỉ sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm. Ảnh minh họa: Minh Hoàng

Trong một sự diễn tiến có liên quan, ngày 11-9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã có thông báo về việc thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin điều chỉnh trên ứng dụng (app) sổ Sức khỏe điện tử.

Tính đến hết ngày 10-9, đã có hơn 350.000 lượt gửi thông tin điều chỉnh. HCDC đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý và điều chỉnh thông tin tiêm chủng của người dân đã cung cấp qua kênh tiếp nhận của HCDC, khi thông tin đảm bảo tính chính xác và người dân thực sự có “Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19” đúng quy định.

Bên cạnh đó, trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia cũng đã cho phép người dân gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin liên quan đến việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Đây là Cổng thông tin do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện, cho phép người dân, tổ chức đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm; đăng ký cơ sở tiêm chủng; và công khai thông tin về số lượng vắc-xin, phân bổ vắc-xin, số lượng đối tượng đăng ký, đã tiêm, kết quả tiêm chủng…

Để tạo thuận lợi và thống nhất trong việc tiếp nhận, điều chỉnh thông tin, HCDC thông báo thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin điều chỉnh trên sổ Sức khỏe điện tử. Cụ thể, đóng kênh tiếp nhận của HCDC và thực hiện tiếp nhận thông tin điều chỉnh thông qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia (https://tiemchungcovid19.gov.vn).

Để gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, người dân thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Truy cập đường dẫn , chọn mục “Phản ánh thông tin” (màu cam, phía bên phải giao diện website) hoặc truy cập đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report.

Bước 2: Điền đầy đủ các thông tin cần thiết bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), tỉnh/thành phố, … và lựa chọn loại phản ánh phù hợp.

Bước 3: Điền thông tin mũi tiêm và tải hình ảnh/file “Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19”.

Bước 4: Nhập mã xác nhận và bấm “Gửi phản hồi”.

Bước 5: Nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần “Xác thực OTP” và bấm “Xác nhận” để kết thúc phản ánh.

Chánh Trung - Lê Anh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

1 BÌNH LUẬN

  1. Tóm lại là bây giờ dùng app nào chính xác nhất, hay vẫn dùng tạm các app cũ, nhà báo viết khó hiểu quá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối