Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Thông tuyến khám chữa bệnh, lo ngại trục lợi BHYT

Trúc Diễm -

Thông tuyến khám chữa bệnh được cho là một trong những chính sách tốt nhất được ban hành, song điều đang gây lo ngại là tình trạng bội chi do lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).

BHYT-Q-Bthanh Với chính sách thông tuyến khám chữa bệnh, người dân có xu hướng lên tuyến trên khám bệnh vốn có cơ sở tốt hơn, danh mục thuốc đa dạng hơn.

Tại phiên họp toàn thể do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 1-3 để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT, các đại biểu đều cho rằng việc áp dụng chính sách này là cần thiết, đảm bảo quyền lợi của người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng, thuận tiện. Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bình chọn đây là một trong những chính sách tốt nhất.

Chỉ có điều, sau hơn một năm áp dụng (2016), chính sách này cho thấy nhiều bất cập cần được giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau một năm áp dụng, số người khám chữa bệnh tại tuyến xã giảm hơn 14%, trong khi số lượt khám chữa bệnh tại tuyến huyện tăng tới hơn 27%, thậm chí nhiều bệnh viện huyện bị quá tải. Điều này là do người dân có xu hướng lên tuyến trên khám bệnh vốn có cơ sở tốt hơn, danh mục thuốc đa dạng hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho rằng sau khi áp dụng thông tuyến, sức hấp dẫn của chính sách BHYT tăng lên. Năm 2016, có tới gần 76 triệu người tham gia BHYT, tăng 8,3% so với năm 2015, bao phủ 81,7% dân số. Song, số lượt khám chữa bệnh cả nước đạt 148 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2015. Số chi khám chữa bệnh ước hơn 69.000 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2015, dẫn tới bội chi so với quỹ khám chữa bệnh được sử dụng là 5.130 tỉ đồng.

Đơn cử như Bệnh viện đa khoa Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nếu như trước khi thông tuyến, tổng chi phí quỹ khám chữa bệnh BHYT chỉ khoảng 20-23,5 tỉ đồng thì năm 2016 con số này lên tới 40 tỉ đồng.

Ngoài ra, thông qua hệ thống giám định điện tử khám chữa bệnh BHYT áp dụng từ giữa năm 2016 đến nay cho thấy tình trạng trục lợi quỹ này. Trong tám tháng qua có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ hai lần trở lên mỗi tháng, tổng số lần khám của những trường hợp này là hơn 15 triệu lượt, trong đó có trên 83.000 người khám, chữa bệnh hàng tuần. Đó là chưa kể có đến 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày.

“Theo dự báo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu thực hiện thông tuyến tỉnh trong năm 2016, mức bội chi sẽ gia tăng thêm khoảng 3.125 tỉ đồng”, bà Minh nói.

Tại buổi họp, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu lãnh đạo ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra giải pháp để khắc phục những bất cập từ chính sách trên. Đặc biệt trong bối cảnh theo lộ trình đến năm 2021, việc thông tuyến sẽ thực hiện đến tuyến tỉnh.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay thông tuyến có nhiều tích cực nhưng hệ lụy của nó quá lớn. Cụ thể, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đã gây bội chi năm 2016 là hơn 5.300 tỉ đồng, gây mất cân đối quỹ cho những năm về sau nếu không tính toán kỹ. Tình trạng tăng tần suất khám chữa bệnh của người dân tăng bất ngờ trong khi xu hướng bệnh chưa tăng mấy trong thực tế.

Những năm qua, nguồn lực đều đầu tư cho tuyến y tế cơ sở nhưng hiện tại nơi này đang giảm tần suất khám chữa bệnh, chủ yếu các bác sĩ tuyến xã “ngồi chơi xơi nước”, các thiết bị đắt tiền “đắp chiếu”, trong khi tuyến huyện thì số bệnh nhân ngày càng tăng cao. Hơn nữa, thông tuyến còn gây ra vấn đề là các bệnh viện thay vì xin nâng hạng lại xin được xuống hạng để được áp dụng chính sách này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối