ÁI DU -
Giới trẻ luôn năng động và muốn thể hiện cá tính. Một cách để thể hiện sự năng động và vượt qua thử thách đó là sử dụng xe đạp không thắng (phanh), còn gọi là FixedGear.
FixGear là gì?
FixedGear bắt đầu được phổ biến từ năm 2000 ở các nước phương Tây, và nhanh chóng trở thành trào lưu của những người chơi xe đạp.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa FixedGear và các loại xe đạp thông dụng là nó không có thắng, và nhông (lip) được bắt cố định vào đùm bánh xe. Như vậy có nghĩa là khi nào xe còn chuyển động thì bàn đạp vẫn sẽ còn quay vòng, không thể nào để bàn đạp đứng yên khi xe đang di chuyển. Bàn đạp có một sợi dây đai để đảm bảo an toàn cho người mới chơi, cũng như để dừng xe. Với cấu tạo của nhông như vậy, nên khi đạp tới xe sẽ tiến về phía trước, còn khi đạp lùi xe sẽ lùi về phía sau.
Một điểm thú vị của FixedGear nữa là chiếc ghi đông cũng có rất nhiều loại. Ví dụ, ghi đông thẳng, ghi đông sừng bò, ghi đông số 3... Màu xe càng rực rỡ thì chủ nhân của chúng lại càng được chú ý và điều đặc biệt là màu của mỗi FixedGear này không “đụng” nhau. Người chơi có thể tự “độ” cho mình những chiếc xe mang phong cách và thể hiện cá tính của từng người.
Giới trẻ Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm quen với loại hình xe đạp này cách đây chừng ba năm. Nhưng sự lôi cuốn của những vòng đạp không ngừng nghỉ khiến cho số người tham gia và mê mệt loại hình thể thao chưa được công nhận này ngày càng tăng lên.
Đến nay, từ Nam ra Bắc đã có khoảng chục hội nhóm chơi FixedGear. Anh Nguyễn Thành Danh, kiến trúc sư ở quận 11 (TPHCM), Hội phó Hội Unstoppable, cho biết: “Khi leo lên FixedGear lần đầu, có lẽ sẽ rất khó khăn và dễ bỏ cuộc với những người không thích thử thách. Nhưng khi đã quen dần với những vòng đạp bất tận này, bạn sẽ trải nghiệm nhiều cái mới như việc thả dốc với FixedGear. Với xe thường, bạn chỉ cần ngừng đạp và lướt, nhưng với FixedGear, xe còn chạy là lip còn xoay, lip còn xoay là pedan còn quay, pedan còn quay là xe cứ còn chạy. Vậy nên, đổ dốc với FixedGear không chỉ là một trải nghiệm mà còn là thử thách”.
Công phu luyện tập
“Kỹ thuật thắng của FixedGear cũng không khó, chỉ cần tập đúng kỹ thuật. Kỹ thuật thắng thường được dân chơi xe gọi là skit hoặc patine. Trong quá trình luyện tập, nếu người chơi muốn dừng xe thì phải hướng đầu gối của chân thuận xuống phía dưới, mũi chân giật dây đai hướng lên phía trên, bánh sau sẽ ngưng quay, xe dừng lại”, anh Trần Khoa, Nghi Tàm – Hà Nội cho biết.
Nghe qua cảm thấy rất dễ, nhưng người viết đã phải “trả giá” với hai đầu gối bầm tím và hơn chục vết trầy trong ba giờ để biết thắng xe đúng lúc đúng chỗ và đúng kỹ thuật. Anh Khoa nói thêm: “Trung bình là khoảng 2-3 giờ làm quen là sẽ nắm được kỹ thuật thắng, nhưng phải hơn hai tháng chạy thường xuyên mới có thể sử dụng FixedGear thành thục cho việc đi đường ở Hà Nội hoặc Sài Gòn”.
Anh Cao Long, một trong những người đầu tiên chơi FixedGear ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi tập đến hai tháng mới rành rẽ kỹ thuật thắng. Nhưng giờ các bạn trẻ học rất nhanh và các kỹ thuật cũng được người đi trước hệ thống lại nên làm quen rất dễ. Luyện tập với xe FixedGear cảm thấy rất thú vị bởi mình phải chủ động hoàn toàn. Trong quá trình di chuyển trên đường, người điều khiển phải chú ý quan sát để có thể ứng phó kịp thời với tất cả các tình huống xảy ra”.
Những điều cần lưu ý
Mỗi chiếc FixedGear nhập về Việt Nam thực ra chỉ là một bộ khung và hệ thống nhông-xích (sên-lip). Giá của mỗi bộ khung này khoảng 2-4 triệu đồng, khi người dùng mua sẽ được trang bị thêm yên, ghi đông, bàn đạp để trở thành một chiếc FixedGear chuẩn. Lúc này, người dùng có thể dựa theo sở thích để tùy biến chiếc FixedGear thành một món trang sức để thể hiện cá tính của mình.
Tuy nhiên, để thực sự bước vào cuộc chơi, người dùng cần cân nhắc kỹ một vài điểm sau đây cho sự an toàn của bản thân và túi tiền của mình.
- Lựa chọn loại xe: FixedGear có hai dòng. Một là dòng thắng xe bằng cách đạp ngược. Hai là dòng đạp ngược là xe chạy ngược. Hãy tìm hiểu và cân nhắc kỹ khả năng, tính cách và thói quen của mình trước khi mua xe.
- Lựa chọn kích thước xe: không nên đi những chiếc FixedGear quá to hay nhỏ so với chiều cao bản thân. Vì sử dụng FixedGear sẽ tốn sức nhiều hơn xe đạp thường, kể cả khi khởi động hay đạp tốc độ cao. Do đó, một chiếc xe quá to hay quá nhỏ càng làm người dùng khó chịu hơn trong thời gian đầu.
- Lốp và yên xe: nếu ưu tiên tốc độ, hãy chọn loại lốp nhỏ. Còn nếu đoạn đường đi lại thường xuyên quá gồ ghề hoặc nhiều chướng ngại vật, hãy chọn loại lốp to hơn. Để an toàn, hãy chọn loại lốp có trang bị lớp bảo vệ (chẳng hạn như đai Kevlar hoặc lớp cao su bảo vệ bên ngoài). Nên chọn loại yên xe có cốt cứng phía trong và bọc cao su mềm và dày bên ngoài để thoải mái trong lúc vận động.
- Trang bị thêm hệ thống thắng: thật sự cần thắng trên chiếc xe đạp không thắng này. Trong trường hợp trời mưa hoặc đoạn đường đổ dốc quá dài mà lại có nhiều chướng ngại vật, kỹ thuật thắng sẽ không hữu hiệu bằng hệ thống thắng khẩn cấp.