Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Thu hồi kem chống nắng Oribe do Dược Mỹ phẩm SJK sản xuất

(SGTT) - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm Kem chống nắng SPF 50 PA++++ Oribe suncreen Cream 30g.

Mẫu mỹ phẩm trên được lấy để kiểm tra chất lượng tại Nhà thuốc Việt số 1, có địa chỉ tại 596 Nguyễn Chí Thanh, phường 7, quận 11, TPHCM.

Mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25-1-2011 của Bộ Y tế Quy định về quản lý mỹ phẩm và Quy định hòa hợp ASEAN. Cụ thể, tổng số vi khuẩn hiếu khí, nấm mốc và nấm men là 14450CFU/g.

Căn cứ các quy định của pháp luật về lưu hành mỹ phẩm và kết quả kiểm nghiệm, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm kem chống nắng SPF 50 PA++++ Oribe suncreen Cream 30g, số lô là 040621, có hạn dùng 040624 và có số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là 561/17/CBMP-HN.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế TPHCM và Sở Y tế thành phố Hà Nội kiểm tra, giám sát việc thu hồi mỹ phẩm không đáp ứng quy định, kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm Oribe và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Mỹ phẩm SJK; đồng thời xử lý vi phạm theo quy định và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược.

Cục Quản lý Dược thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm giới hạn nhiễm khuẩn.
Chuyên gia lý giải lý do không nên đánh giá thấp sự nguy hiểm của Omicron

Trang Pháp luật Việt Nam đưa tin, đại diện WHO tại Nga Melita Vujnovic vừa có cảnh báo trên kênh YouTube Soloviev Live khi cho biết có bằng chứng chỉ ra rằng biến thể Omicron của virus corona ít nghiêm trọng hơn các chủng khác.

"Hiện có bằng chứng cho thấy Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, nhưng điều này không có nghĩa là không nên coi trọng nó. Việc nhiễm virus corona có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng", cô nói.

Konstantin Chumakov, Giám đốc Trung tâm Mạng lưới virus toàn cầu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng bởi Đài phát thanh Nga hôm thứ Bảy rằng Omicron đang tạo ra các triệu chứng khá nhẹ, giảm tỷ lệ tử vong xuống 0,1%.

Biến thể B.1.1.529, được đặt tên là Omicron theo chữ cái Hy Lạp, được phát hiện ở miền nam châu Phi vào năm 2021.

Kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện và công bố, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể này của virus corona gây các triệu chứng nhẹ hơn cho người nhiễm so các chủng trước đó, bởi nó chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp trên.

Ngày 16-1: Việt Nam có 129 ca tử vong

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17:30 ngày 15-1 đến 17:30 ngày 16-1, cả nước ghi nhận 129 ca tử vong.

Cụ thể, tại TPHCM có 15 ca, trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến là Tiền Giang (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1) và Vĩnh Long (1).

Còn tại các tỉnh, thành phố khác là Đồng Tháp (28 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (9), Cần Thơ (9), Khánh Hòa (8 ), Bình Phước (7 ca trong 3 ngày), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Vĩnh Long (6), Hậu Giang (6), Trà Vinh (5), Long An (4), Lâm Đồng (3), Bình Thuận (3), Bạc Liêu (3), Bình Dương (2), Bình Định (2), Sóc Trăng (2), Huế (1), Phú Yên (1) và  Đắk Nông (1). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 184 ca.

Không để thiếu thuốc, tăng giá thuốc đột biến dịp Tết Nguyên đán

Theo Sức khỏe và Đời Sống, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh mùa đông - xuân; đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến...

Theo đó, các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Ngoài ra, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông - xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Minh Thảo tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối