NAM HƯNG -
Trong khi các dòng xe bán tải tại Việt Nam của nhiều hãng xe đều dùng hệ thống nhíp phía sau thì chiếc Navara EL của Nissan lại dùng hệ thống treo đa điểm, lò xo phía sau. Sự khác biệt rất rõ khi chiếc xe đi qua những đoạn đường gồ ghề, thậm chí là đi qua những gờ giảm tốc trên đường phố.
Trên thị trường hiện nay, xu hướng sử dụng xe bán tải (pickup) ngày một nhiều qua những con số thống kê hàng tháng được công bố bởi các tổ chức ngành nghề. Theo đó, xe bán tải không phải là hàng hiếm khi có những dòng xe được bán ra nhiều hơn cả những dòng xe phổ thông vốn thống trị nhiều năm qua. Điều này cũng thể hiện qua việc các hãng liên tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe bán tải và đường phố đã ngày càng xuất hiện những dòng xe như Ranger (Ford), Navara (Nissan), Colorado (Chevrolet), Hilux (Toyota), Triton (Mitsubishi)…
Trong nhiều dòng xe kể trên, dòng Navara EL trở nên “khác người” khi được trang bị hệ thống treo phía sau dạng lò xo đa điểm mà người trong nghề hay gọi là “phuộc” chứ không dùng các lá nhíp thép như các dòng xe khác. Trên thực tế, bộ nhíp làm xe bán tải có phần hầm hố và cứng cáp, đầu tiên là với cái nhìn của người dùng mỗi khi xe đầy tải. Tuy nhiên, khi đã dùng nhíp và trong trường hợp xe chở ít, nó sẽ ít nhiều gây cảm giác “xóc” cho người ngồi trên xe trong những đoạn đường không được láng mịn. Thay vào đó, ưu điểm của hệ thống treo dạng lò xo sẽ làm cho chiếc xe bán tải không khác nhiều so với những dòng xe du lịch thuộc nhóm thể thao đa dụng.
Ôm thử vô lăng chiếc xe một cầu số tự động phiên bản mới nhất của Nissan là NP300 Navara EL mới thấy rằng dường như nhà sản xuất muốn đưa chiếc xe này chiếm lấy mục tiêu là nhóm khách hàng thành thị, vừa phục vụ chở hàng vừa phục vụ nhu cầu đi lại.
Ở những vùng đô thị từ Sài Gòn đến Bà Rịa hay Đồng Nai, lái chiếc xe này về cơ bản không khác nhiều một vài dòng xe SUV khác khi không bị xóc lúc qua những tuyến đường gồ ghề hoặc có gờ giảm tốc. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng xe này là nếu chưa quen xe, “tài mới” dễ bị ngộp bởi vô lăng xe hơi nặng. Điều này khiến người lái cẩn trọng hơn trong lúc xoay chuyển trong những nơi đông đúc. Khi ra đường cao tốc hoặc trên quốc lộ 1A, người lái cảm giác rất rõ vô lăng nhẹ hơn khi đạt tốc độ khoảng trên 40 km/giờ đến dưới 100 km/giờ. Thêm vào đó, khi đạt được tốc độ trên 40 km/giờ, xe cũng tăng tốc “ngọt” hơn khá nhiều và tiếng máy không còn ồn như khi chạy tầm khoảng 30 km/giờ.
Bên ngoài, chiếc xe này không thay đổi nhiều so với những phiên bản trước. Bên trong khoang lái (và cũng là cabin kép), xe có trang bị dàn ghế nỉ khá êm. Ghế lái của xe được chỉnh cơ và chiếc vô lăng ba chấu không tích hợp nút bấm phần nào phản ảnh đúng giá xe khá thấp so với các đối thủ hiện tại ở thị trường xe bán tải Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh không có chức năng kết nối Bluetooth cũng là một điểm trừ của xe dù những chức năng kết nối khác cũng có như USB, Aux… Tuy vậy, điểm cộng cho chiếc xe này là cửa mở thoáng, góc nhìn khá rộng nên người lái quang sát dễ dàng. Thêm vào đó, rất nhiều vị trí chứa đồ dùng cá nhân gồm bốn chỗ trên các cửa xe, hai ở khay đựng cốc đặt dưới sàn ghế sau, hai khay cạnh cần số và hai chỗ trên táp-lô đều có thể chưa đồ dùng hoặc ly, chai nước. Ở hai khay ngay táp lô, người dùng còn có thể tận dụng hơi lạnh từ dàn lạnh để “ướp” nước uống của mình trong những hành trình tương đối xa.
Hiện phiên bản Navara EL được bán với giá 649 triệu đồng, nằm vào nhóm có giá bán thấp trong các dòng xe bán tải. Xe dùng động cơ dầu 2.5L, cho công suất 160 mã lực cùng hộp số tự động bảy cấp khiến chiếc xe này “đóng tròn vai” ở đô thị và hoàn toàn đủ mạnh để lang thang ở những cung đường địa hình thôn quê, đèo núi. Về tính năng an toàn, Navara EL có hệ thống phân phối lực phanh điện tử (EBD), hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), phanh khẩn cấp (BA), hai túi khí trước.