Lê Anh -
Từ ngày 21-8, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã chính thức áp dụng thu phí tự động. Muốn sử dụng thu phí tự động người dùng phải mua thiết bị thì mới sử dụng được.
Phải mua thiết bị
Muốn sử dụng thu phí tự động, người dùng phải mua thiết bị thì mới sử dụng được. Ảnh: Lê Anh
Thông tin từ Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, VEC sẽ chính thức vận hành quy trình thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng bộ thiết bị OBU từ ngày 21-8. Ban đầu, việc thu phí tự động được bố trí tại tám cửa thu phí tại ba trạm thu phí. Trong đó, trạm thu phí Long Phước có một cửa vào và một cửa ra, trạm quốc lộ 51 có bốn cửa gồm hai cửa vào và hai cửa ra, trạm thu phí Dầu Giây có một cửa vào và một cửa ra.
Để được thu phí tự động, chủ xe phải mang chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy đăng ký xe ô tô tới trạm thu phí Long Phước, trạm quốc lộ 51 hoặc trạm thu phí Dầu Giây để đăng ký phát hành thiết bị OBU.
Khi điền xong thông tin vào mẫu đăng ký phát hành thiết bị OBU, chủ xe phải đóng một khoản tiền đặt cọc để mượn thiết bị OBU. Giá mua OBU (trả phí một lần) là 2,3 triệu đồng/OBU. Nếu thuê OBU sẽ trả phí định kỳ theo tháng với mức 70.000 đồng/OBU/tháng và cam kết thời gian thuê tối thiểu 1 năm. Sau đó, đơn vị vận hành sẽ phát hành OBU cho khách hàng. Sau khi cài đặt, OBU sẽ lưu trữ các thông tin liên quan đến xe như biển số, loại xe và chủ xe.
Khi phát hành thẻ OBU, mỗi khách hàng được tạo một tài khoản và kèm theo một thẻ IC-card. Trong thẻ ghi thông tin tên tuổi khách hàng, giá trị tiền, tài khoản khách hàng. Khách hàng khi đăng ký phát hành OBU sẽ phải nạp một số tiền nhất định vào tài khoản và gắn vào thẻ IC-card. Thông tin tài khoản của khách hàng được cập nhật định kỳ, quản lý tại hệ thống.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp sử dụng nhiều xe với nhiều thẻ, khi đăng ký phát hành OBU sẽ được tạo một tài khoản chung. Khi nạp tiền, hệ thống sẽ tự động nạp vào tất cả các thẻ mà doanh nghiệp đang sử dụng. Trong trường hợp cần cập nhật thông tin OBU, xóa đăng ký OBU, mất, hư hỏng OBU hay pin yếu, khách hàng đến trực tiếp tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây để đăng ký làm các thủ tục.
Khi xe chạy tới trạm thu phí, khách hàng gắn thẻ IC-card vào OBU và chạy qua làn thu phí tự động. Thẻ thanh toán có giá trị trả trước được sử dụng để trả phí bằng cách kết hợp thông qua một thiết bị đọc ghi thẻ IC-card (ICCRW) hoặc với thiết bị OBU thông qua hệ thống thu phí tự động (ETC) tại cabin thu phí hoặc làn thu phí. Khi thẻ IC-card hết tiền, hệ thống sẽ cảnh báo không cho xe qua.
VEC cho biết, đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu mở rộng tính năng của thẻ IC-card để có thể sử dụng thanh toán cho các dịch vụ khác như phí gửi xe, mua nhiên liệu… Khi vào trạm thu phí tự động xe phải giảm tốc độ trước khi vào cổng trạm.
Người dùng cần lưu ý khi tháo OBU mà xe đang chạy hoặc khi gần tới cổng trạm thu phí có thể làm OBU không thể bắt sóng được với ăng ten. Nếu không chú ý khi qua trạm, barrier không mở sẽ dẫn tới tai nạn. Bên cạnh đó, cần chú ý không không sử dụng OBU bị hỏng hóc hoặc lỗi vì khi đến cổng thu phí thẻ lỗi thì barrier không mở và dẫn tới tai nạn. Sau khi ra khỏi trạm thu phí, người dùng cần tháo thẻ IC-card ra khỏi OBU để đảm bảo không làm OBU bị hao pin nhanh. Hiện tại, do mới ở giai đoạn đầu nên VEC áp dụng cả hai hình thức là thu phí tự động và thu phí thủ công để người dùng có sự lựa chọn.
[box type="download"] Theo thống kê của VEC, năm 2016, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có 13,5 triệu lượt xe đi, tăng 38% về lưu lượng so với năm 2015. Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 15-8, đã có 9,36 triệu lượt xe đi cao tốc, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, với lưu lượng bình quân hiện tại đạt 37.000-40.000 lượt xe/ngày đêm.[/box]
Chưa tiện cho tài xế
VEC cho rằng, việc thu phí tự động sẽ tiết kiệm thời gian và tiết giảm chi phí nhiên liệu do không phải dừng lại trước trạm thu phí để mua vé. Một tiện ích nữa là nhà xe có thể quản lý lịch sử các giao dịch của xe tại các trạm thu phí thông qua các hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy.
Đối với cơ quan nhà nước, việc thu phí tự động sẽ thuận tiện trong giám sát thu phí của chủ đầu tư, đặc biệt là giám sát nguồn thu, tạo sự minh bạch. Đồng thời, giải quyết được tình trạng ùn tắc ở trạm thu phí trên đường cao tốc.
Mặc dù VEC cho rằng việc thu phí tự động sẽ mang lại tiện ích cho người dùng nhưng theo nhận định của một số lái xe thường xuyên đi đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây thì việc thu phí tự động chưa thật sự mang lại tiện ích.
Lái xe Trần Văn Tám, cho biết doanh nghiệp nơi ông làm việc đang sử dụng thẻ thu phí tự động trên quốc lộ 1A thấy rất tiện lợi. Cụ thể, đơn vị thu phí phát hành cho lái xe một chiếc thẻ rồi dán lên kính xe. Khi đi qua trạm thu phí, tiền sẽ được trừ trong thẻ, rồi xe cứ vậy là đi qua.
Khi thấy đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây bắt phải đặt tiền để mượn thiết bị, vị tái xế này tỏ ra bất ngờ và cho rằng, việc bắt người dùng đặt cọc một khoản tiền để mượn thiết bị OBU là vô lý. Đó là chưa kể nếu dùng không cẩn thận bị hỏng hóc hoặc gặp sự cố nào đó, người sử dụng phải trả tiền sửa chữa hoặc mua thiết bị mới, như vậy sẽ rất tốn kém.
Ông Tám cũng đặt vấn đề, tại sao cùng thu phí tự động mà mỗi nơi áp dụng khác nhau, nếu người dùng muốn sử dụng thì phải mua rất nhiều thiết bị, việc này chỉ gây bất tiện. “Nếu đơn vị thu phí muốn người dùng sử dụng thu phí tự động thì phải phát hành thiết bị miễn phí mới thu hút được người dùng, còn không thà cứ trả tiền mặt khi qua trạm chứ chẳng tội gì bỏ khoản tiền ra mua thiết bị” lái xe này nói.
Ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh, tính toán với 15 xe vận chuyển hàng hóa của công ty ông, nếu thuê hoặc mượn OBU thì số tiền cũng lên đến hàng chục triệu đồng. “Thu phí tự động chủ yếu mang lại lợi ích cho đơn vị thu phí, vậy mà bắt doanh nghiệp đóng một số tiền rất lớn để mua thiết bị là không hợp lý. Chẳng ai muốn bỏ ra hàng chục triệu đồng chỉ để mua một thiết bị chỉ đi mỗi đường cao tốc” ông Khánh nói.