Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 cho người lớn

(SGTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lớn và mũi 3 cho trẻ em, cũng như nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.

Theo Vietnamplus, ngày 19-3, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1722/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước.

Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lớn và mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.

Nhiều thay đổi trong phòng, chống dịch khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B

Theo đánh giá của một số chuyên gia về y tế dự phòng và điều trị, khi Covid-19 được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ có các thay đổi cơ bản trong công tác phòng chống dịch.

Theo Thanhnien.vn, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết khi Covid-19 chuyển sang là bệnh truyền nhiễm nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm…

“Ví dụ như bệnh cúm mùa, hiện chúng ta vẫn giám sát nhưng không công bố ca nhiễm hằng ngày. Chúng ta cũng không xét nghiệm rộng rãi như với Covid-19 hiện nay”, PGS Phu cho hay.

Bộ Y tế cho hay đang trong quá trình lấy ý kiến các chuyên gia về sửa đổi, điều chỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, đề xuất sửa đổi hướng dẫn giám sát ca mắc Covid-19 sẽ không sử dụng thuật ngữ “truy vết người tiếp xúc” mà sửa thành “điều tra dịch tễ”; không sử dụng các từ viết tắt F0, F1, F2 mà sử dụng thuật ngữ “người mắc bệnh, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người tiếp xúc, người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm”. Theo ý kiến một số chuyên gia, khi không còn khái niệm “F0” cũng là thay đổi căn bản. Nếu F0 là “người mắc bệnh, người mang mầm bệnh truyền nhiễm...” thì khi đó sẽ chỉ cách ly những người có triệu chứng bệnh.

Sở Y tế TPHCM triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng.

Ngoài ra, với công bố hết dịch, Bộ Y tế cũng đang đề xuất theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chấm dứt tình trạng đại dịch; hoặc Việt Nam đáp ứng các tiêu chí kết thúc tình trạng đại dịch của WHO trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.

Ngày 19-3, số mắc mới giảm xuống còn 150.618 ca Covid-19

Theo bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 19-3 của Bộ Y tế, tính từ 16:00 ngày 18-3 đến 16:00 ngày 19-3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Nghệ An tăng 1.131 ca, Bắc Giang tăng 772 ca và Hải Dương tăng 531 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 168.014 ca/ngày.

Lao động chăm con F0 có được hưởng bảo hiểm xã hội?

Theo Sức khỏe và Đời sống, đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người lao động có con mắc Covid-19 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu con dưới 7 tuổi và là F0 có xác nhận của cơ sở y tế.

Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con.

Thời gian nghỉ để chăm con dưới 3 tuổi là tối đa 20 ngày/năm; dưới 7 tuổi tối đa 15 ngày/năm. Người lao động được hưởng 75% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian này.

Minh Thảo tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối