Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thừa Thiên Huế: Cơ hội phục hồi du lịch từ những thị trường quốc tế mới

Sau hơn một năm “mở cửa” trở lại, du lịch quốc tế tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kỳ vọng. Tuy nhiên, những cơ hội tạo nên sự bứt phá đang mở ra khi tỉnh đã có kế hoạch và sẵn sàng đón những dòng khách mới, tiềm năng trong thời gian tới.

Bước đầu phục hồi

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã đón 2 triệu lượt khách trong năm 2022, tăng gần 2 lần so với năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 4.500 tỉ đồng, vượt 12,5% kế hoạch.

Nhờ quyết định tổ chức Festival bốn mùa thay cho tập trung các lễ hội trong một tuần lễ Festival Huế như trước, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách.
Đồng thời, sự “bắt tay” hiệu quả giữa các hãng lữ hành, hàng không… đã phần nào giúp du lịch Cố đô Huế có thêm sinh khí và sôi động hơn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhờ quyết định tổ chức Festival bốn mùa thay cho tập trung các lễ hội trong một tuần lễ Festival Huế như trước, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách. Ảnh: TL

Thị trường khách nội địa đến Thừa Thiên Huế đã phục hồi đáng kể với nhiều đợt cao điểm trong năm 2022. Các địa điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng của thành phố Huế đều đông khách đến trải nghiệm, lưu trú và giải trí.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến Thừa Thiên Huế chưa “hút” khách quốc tế là chính sách visa và tần suất chuyến bay quốc tế thấp, thiếu chuyến bay thương mại chất lượng.

Thời điểm này là mốc quan trọng của ngành du lịch địa phương, đòi hỏi sự tái cơ cấu thị trường khách du lịch. Những thị trường gần, nhóm đối tượng không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc chiến tranh là những thị phần cần được lưu tâm, điển hình như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Chia sẻ trên TTXVN, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng Thái Lan, Malaysia, Mỹ và các nước châu Âu đang là những thị trường khách du lịch hàng đầu tại Thừa Thiên Huế hiện nay.

Tuy là thị trường mới nhưng khách Trung Quốc, Ấn Độ có thể đem đến triển vọng cho ngành du lịch địa phương trong thời gian tới nếu được khai thác, quảng bá tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ địa phương cần lưu ý sự dịch chuyển về thị trường khách này để có dòng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp.

Cầu ngói Thanh Toàn, di tích lịch sử ở xã Hương Thủy trong một ngày hội đua ghe.

Kỳ vọng vào những thị trường mới, tiềm năng

Năm 2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm 20-30%. Tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa đồng thời phục hồi các thị trường khách quốc tế. Thực tế cho thấy, dù đã bước sang năm thứ 2 du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn, lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế vẫn chưa cao.

Các thị trường mới châu Á đã được nhắm đến; trong đó, Trung Quốc là nguồn khách quốc tế quan trọng, chiếm đến 1/3 thị phần khách nước ngoài đến Việt Nam hàng năm (trước khi có dịch).

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế lại không phải là địa điểm chính của dòng khách du lịch này vì hạ tầng chưa đủ phục vụ các đoàn khách đông. Mặt khác, tỉnh cũng không phải là “thiên đường” mua sắm để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mua sắm của phần đa khách Trung Quốc.

Thừa Thiên Huế đã đã sẵn sàng các kế hoạch để đón dòng khách Trung Quốc sắp tới. Ảnh: TL

Phần lớn du khách tri thức, trẻ tuổi người Trung Quốc có xu hướng đi du lịch, khám phá theo nhóm nhỏ hoặc gia đình để tự tìm hiểu điểm đến. Vì vậy, quyết định chính thức mở cửa biên giới của Trung Quốc vừa qua là tín hiệu khả quan đối với ngành du lịch Cố đô Huế.

Thừa Thiên Huế đã đã sẵn sàng các kế hoạch để đón dòng khách Trung Quốc sắp tới. Thời gian qua, nhiều hướng dẫn viên tiếng Hoa đã quay trở lại phục vụ khách du lịch Đài Loan (Trung Quốc) hay khách đến từ Malaysia, Singapore nói tiếng Hoa. Vì vậy, địa phương sẽ không quá khó khăn và bỡ ngỡ khi đón khách Trung Quốc.

Ấn Độ cũng là thị trường khách du lịch tiềm năng của tỉnh trong thời gian tới do đây là đất nước có sự tương đồng lớn với địa phương về văn hóa, tín ngưỡng… Tuy nhiên, người dân Ấn Độ vẫn chưa biết nhiều về những điểm đến hấp dẫn xứ Huế. Nhóm du khách này có nhiều yêu cầu khắt khe đối với du lịch địa phương như nhà hàng phục vụ, sự thuận tiện trong vận chuyển giao thông và các chuyến bay trực tiếp.

Để thu hút những thị trường hấp dẫn như Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia châu Á, tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá và xúc tiến các sản phẩm đặc sắc của địa phương, đồng thời tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng giữa các địa điểm và Huế.

Khách nước ngoài tại Hoàng Thành Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ mời một số doanh nghiệp lữ hành đến từ tỉnh Chiết Giang và Hà Bắc (Trung Quốc) để kết hợp khảo sát, trao đổi, đưa ra các hình thức, sản phẩm tour, tuyến phù hợp đón dòng khách thí điểm từ hai địa phương này đến Huế.

Dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhà ga T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động. Tỉnh sẽ cùng một số hãng hàng không kết hợp tăng cường tần suất chuyến bay nội địa, mở thêm một số chuyến bay quốc tế theo dạng thuê chuyến định kỳ hoặc tiến đến thương mại đối với các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Đăng Huy

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối