Doanh nghiệp nhỏ với mô hình lớn - LTS: Hiện nay, kinh doanh theo chuỗi không còn là hình thức mới lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, người tiêu dùng cũng bắt đầu xem trọng những sản phẩm có thương hiệu và có xu hướng ủng hộ những tên tuổi có nhiều cửa hàng phủ khắp mọi nơi. Trong loạt bài này, Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc những mô hình kinh doanh theo chuỗi của những doanh nghiệp Việt Nam, đang còn là những doanh nghiệp nhỏ nhưng bắt đầu tiếp cận với những mô hình lớn.
Bánh mì Tuấn Mập, Pizza ốc quế, cơm tấm Bụi Sài Gòn... là những trường hợp đang đi theo mô hình kinh doanh quán ăn dạng chuỗi giá rẻ có thương hiệu. Điều làm nên sự khác biệt và thu hút người tiêu dùng đối với một món ăn có thương hiệu là đánh đúng vào tâm lý khách hàng, đem đến cho họ cảm giác yên tâm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, yếu tố “ngon, bổ, rẻ” cũng là tiêu chí mà phần đông thực khách quan tâm.
Bán bánh mì vì... chả bò
Khởi đầu với xe bánh mì tại 196 Pasteur (quận 3, TPHCM) từ mùa hè năm 2009, đến nay sau năm năm hoạt động, chuỗi bánh mì Tuấn Mập đã có 136 cửa hàng hoạt động tại 11 tỉnh, thành phố từ Nha Trang, Bình Thuận... cho đến Kiên Giang.
Trước đó, năm 1999, anh Phạm Trường Chậm (Tuấn Mập) có cửa hàng chuyên cung cấp chả bò Đà Nẵng tại TPHCM. Qua vài năm, thấy việc tiêu thụ chả bò không được như mong muốn. Suy nghĩ làm sao để bán được chả bò nhiều hơn, anh Chậm nảy ra ý tưởng kinh doanh bánh mì. Theo anh, bánh mì là món ăn bình dân được nhiều người ưa thích bởi tính tiện lợi và giả cả hợp lý. Sau hai năm học tập làm bánh mì, mày mò chế biến nước sốt, tìm nguồn nguyên liệu, làm thử và được bạn bè cùng người thân khen ngon, vào mùa hè năm 2009 anh quyết định kinh doanh bánh mì với cửa hàng đầu tiên. Vài tháng sau, nhận thấy bánh mì do mình làm được người tiêu dùng đón nhận, anh mở tiếp ba xe bánh, cũng tại TPHCM. “Khi đó, thay vì kẹp thịt như các quầy khác, mình sẽ kẹp chả bò, vừa mới lạ lại vừa có thể bán được chả bò nhiều hơn”, anh Chậm kể lại.
Xuất thân là dân lao động nên khi mở tiệm bán bánh mì, anh Chậm cho biết luôn hướng đến người lao động bình dân, học sinh, sinh viên. Đó là lý do tại sao anh chọn mức giá 10.000 đồng/ổ bánh mì kẹp chả bò từ năm 2009. Đến nay, mức giá một ổ bánh mì là 12.000 đồng. Chọn mức giá bình dân, nhưng anh Chậm vẫn cố gắng xây dựng hình ảnh cho sản phẩm của mình để khách hàng yên tâm và dễ nhận biết. Bánh mì được sản xuất ngay tại quầy hàng để bánh mới và giòn; bao bì bằng giấy trắng có in logo Tuấn Mập, các cửa hàng đều được trang trí nhất quán với màu vàng chủ đạo và hình ảnh ông đầu bếp râu kẽm đặc trưng. “Vào thời điểm 2009, với một ổ bánh mì kẹp chả 10.000 đồng được bọc trong túi giấy lịch sự và nhận giao hàng tận nơi là một hình ảnh lạ tại Sài Gòn, có lẽ đó là điều giúp “Tuấn Mập” tạo được những ấn tượng tốt với khách hàng”, anh Chậm nói.
Từ năm 2010, anh Chậm bắt đầu kế hoạch nhượng quyền thương hiệu để nhân rộng các cửa hàng và ngay trong năm đầu tiên, thương hiệu bánh mì Tuấn Mập đã nhượng quyền cho 40 cửa hàng trên địa bàn TPHCM. Đến nay, bánh mì Tuấn Mập đã có mặt tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Pizza Việt Nam
Với giá 29.000 đồng/chiếc, pizza ốc quế thuộc chuỗi Pizza Cones của anh Nguyễn Chí Nghiêm được xem là khá rẻ. Bắt đầu kinh doanh từ đầu năm nay nhưng hiện tại, Pizza Cones đã phát triển thành chuỗi cửa hàng có mặt tại Hà Nội, Hạ Long, TPHCM và Buôn Ma Thuột. Theo anh Nghiêm, việc kinh doanh loại thực phẩm này bắt nguồn từ những quan sát khi anh đến Đài Loan. “Khi nhìn những chiếc bánh pizza nhỏ như cây kem ốc quế bán tại những quầy hàng lưu động trên đường phố Đài Loan, tôi suy nghĩ sẽ kinh doanh mô hình này bởi ở Việt Nam chưa có loại thức ăn nhanh này”, anh Nghiêm nói.
Về nước, sau khi có kế hoạch, anh quyết định mua chiếc máy làm vỏ bánh hình ốc quế tự động từ Đài Loan và ký hợp đồng làm đối tác độc quyền của hãng này tại Việt Nam. Nhờ vậy, anh học được công thức cũng như cách làm vỏ bánh đúng chuẩn và đạt thành công sau hai mẻ bánh thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, để cho sản phẩm trở thành món ăn của người Việt, theo khẩu vị Việt Nam, anh Nghiêm cùng vợ đã mày mò cho ra đời phần nhân bánh các loại, khác xa so với nhân bánh của Đài Loan.
Về mức giá 29.000 đồng/chiếc bánh, anh Nghiêm cho biết anh đã phải suy đi tính lại nhiều lần để đưa ra một mức giá hợp lý, đặc biệt khi khách hàng chủ yếu của Pizza Cones lại là giới trẻ. “Nếu giá cao, vốn sẽ thu hồi được nhanh chóng, nhưng không thể trở thành món ăn hàng ngày của giới trẻ. Giá rẻ nhưng bánh phải ngon”, anh Nghiêm nói.
Theo lời anh, trong lần khai trương hồi tháng 3-2014, sau một tuần thì cửa hàng đã bán được 500 chiếc bánh mỗi ngày. Thành công ngoài mong đợi đến với vợ chồng anh, một tháng sau, lãi từ cửa hàng đầu tiên đã giúp anh hoàn đủ số vốn bỏ ra ban đầu. Và cứ thế, Pizza Cones tiếp tục hình thành thêm ba cửa hàng do anh Nghiêm quản lý; các chi nhánh khác dựa theo mô hình liên kết kinh doanh. “Hy vọng trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều chuỗi thức ăn nhanh do chính người Việt làm chủ. Kinh doanh hiệu quả với số vốn đầu tư hợp lý mà không phải tốn quá nhiều tiền nhượng quyền từ các thương hiệu nước ngoài”, anh Nghiêm nói.
Tại TPHCM hiện nay, những cửa hàng ẩm thực dạng chuỗi với đối tượng khách hàng bình dân đã hình thành tương đối nhiều. Bún bò Nhân Trí, hủ tiếu Ty Lum, hủ tiếu Nhân... đã được người tiêu dùng biết đến với hệ thống nhận diện riêng biệt. Có thể nói, những tên tuổi như Trung Nguyên, Phở 24 đã thành công với chuỗi cửa hàng của mình, nhưng ẩm thực Việt Nam vốn phong phú vẫn còn nhiều thứ để tạo dựng và phát triển. Và các thương hiệu của người Việt Nam trong lĩnh vực này đang chú trọng đến việc xây dựng chuỗi hệ thống. Trong số họ có người đã thành công, có người đang từng bước định vị, khẳng định trong tương lai.
Ngọc Minh-Đức Tâm