Tại diễn đàn về số hóa trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản diễn ra vào sáng nay (28-2), nhiều giải pháp được đề ra để thúc đẩy số hóa trong truy suất nguồn gốc của nông sản như thiết lập phần mềm về quản lý cơ sở đóng gói, cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng…
- Bến Tre đưa du lịch nông nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững
- Nhiều địa phương hướng đến xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng
TTXVN đưa tin, một trong những quy trình để có thể quản lý việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là tiến hành cập nhật những thông tin của hàng hóa từ giai đoạn ở vườn trồng đến cơ sở đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng.
Hiện nay, cả nước đang có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ… Việc số hóa (chuyển đổi thông tin, dữ liệu sang hệ thống kỹ thuật số) trong truy xuất nguồn gốc nông sản cũng là một nội dung trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Tại diễn đàn nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị đang thiết lập phần mềm về quản lý cơ sở đóng gói.
Trước mắt, cơ quan này đã có phần mềm về cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng. Dữ liệu này phục vụ cho các cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương, đồng thời, kết nối dữ liệu với “nhật ký đồng ruộng” của cá nhân, doanh nghiệp sản xuất.
Còn theo đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, liên quan đến hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần mềm đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh thành với gần 4.000 doanh nghiệp. Tổng bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm là gần 17.000 mã.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn của hệ thống còn nhiều hạn chế như chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa đồng bộ; cộng thêm việc dễ dàng tạo ra một mã QR cho mỗi sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp có thể mua phải hàng hóa kém chất lượng…
Do đó, hệ thống quản lý về truy xuất nguồn gốc cần sự kết nối, phát triển theo hướng liên thông, tập trung như cập nhật tất cả thông tin của hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… Mục đích của việc làm này là để cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu hiểu rõ thông tin sản phẩm thì có thể tham khảo.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online