Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Thực hành ESG ngành xây dựng: cần đầu tư dài hạn để hái ‘quả ngọt’

(SGTT) - Ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Việc thực hiện ESG trong ngành xây dựng đang là hành trình tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực ESG, các doanh nghiệp không thể đầu tư ngắn hạn là đạt được kết quả ngay, mà ESG đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn (3-5 năm) mới có thể hái “quả ngọt”.

Nỗ lực xanh hóa ngành xây dựng

Ngày 13-6, trong buổi workshop với chủ đề “Ứng dụng ESG trong lĩnh vực xây dựng” thuộc Diễn đàn ESG 2024 – “Từ ý tưởng đến hành động” do The Saigon Times, ấn phẩm tiếng Anh của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, phối hợp với Tiểu ban phát triển xanh của EuroCham, Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi tổ chức vào ngày 13-6, ông Douglas Lee Snyder, Giám đốc điều hành, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cho biết một số ý kiến cho rằng các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Tuy nhiên, các thống kê chỉ ra những công trình xây dựng còn tác động lớn hơn đến môi trường so với phương tiện giao thông.

Cụ thể, hơn 40% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu là đến từ ngành xây dựng và ở Việt Nam là chiếm tỷ lệ khoảng 33%. Trong số đó, lượng carbon sản sinh ra trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng như thép, kim loại, kính… chiếm khoảng 30% mức tác động vào môi trường.

Đặc biệt, trong ngành xây dựng, sản xuất thép – một trong những ngành hàng được đánh gia là gây ra ảnh hưởng lớn cho môi trường. Ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng NS BlueScope Việt Nam, chỉ ra: “Cứ mỗi tấn thép thô được sản xuất ra, có thể phát thải ra 1,8 tấn carbon. Dự báo vào năm 2025, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng lên 1,8 tỉ tấn. Ước tính sẽ có khoảng 3 tỉ tấn phát thải carbon ra môi trường”.

Theo ông Douglas Lee Snyder, Giám đốc điều hành, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, hơn 40% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu là đến từ ngành xây dựng. Ảnh: Minh Khoa

Vì vậy, ông Douglas Lee Snyder cho rằng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cần nhanh chóng thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững ngày nay. Bởi việc thực hành ESG hoặc những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp ngành xây dựng mà tiêu chí này đã trở thành bắt buộc. Bởi hiện nay thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón…; sau đó sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình.

Hiện cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau hội nghị COP 26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư tại Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp; từ đó tiến tới trung hòa carbon (Net zero) như mục tiêu đến năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết, Douglas Lee Snyder cho biết thêm.

Cần đầu tư bài bản, dài hạn

Dù rất nỗ lực trong việc thực hiện ESG nhưng đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đại diện Công ty NS BlueScope Việt Nam chỉ ra đầu tiên là vấn đề chi phí trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đặt vấn đề rằng liệu dành các chi phí để thực hành ESG, thì lợi ích mang lại cho họ là gì và trong thời gian bao lâu. Thế nhưng, các doanh nghiệp cần hiểu rằng không thể đầu tư ngắn hạn là đạt được kết quả ngay, mà ESG đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn (3-5 năm) mới có thể thu được “quả ngọt”.

Như vậy, việc thực hiện ESG là một quá trình lâu dài, được thực hiện qua từng năm. Khi đánh giá kết quả những hoạt động ESG của một doanh nghiệp, các tiến bộ đạt được trong nhiều năm được đánh giá cao so với những nỗ lực đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn. Nỗ lực lâu dài trong việc thực hành ESG là bằng chứng cho sự cam kết của doanh nghiệp trong việc điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, ông Hải cho hay.

Khi thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu phù hợp và được thực hiện trong một thời gian dài.

Khó khăn thứ hai là không đủ nguồn lực. Dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng khái niệm ESG vẫn còn mới nên chưa có nhiều người trong doanh nghiệp nắm được kiến thức tổng quan về ESG. Thậm chí nếu nguồn lực nội bộ không có, họ phải nhờ ở bên ngoài nhưng chưa chắc đã phù hợp với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp rất cân nhắc vấn đề này.

Thứ ba là cần phải thay đổi trong suy nghĩ. Các công ty có những hệ thống chất lượng như ISO 9001, môi trường ISO 14001, an toàn ISO 45001… Có rất nhiều ISO nhưng các bộ phận trong doanh nghiệp làm việc rất độc lập.

“Tuy nhiên, khi thực hiện ESG, tất cả nhân viên từ giám đốc, đội ngũ vận hành phải tham gia và có sự kết nối. Bởi công việc của người này sẽ liên quan đến công việc của người kia. Một người vận hành xử lý nước thải, nếu không xử lý tốt chất lượng nước xả thải ra môi trường, thì có thể ảnh hưởng đến yếu tố E (Environment: môi trường). Trường hợp mạnh ai người đó làm, có thể dẫn đến việc thực hiện ESG không được bền vững”, ông Hải nói.

Trước thực trạng này, các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực ESG đề xuất thiết lập kênh chính thức cung cấp thông tin về thực hành ESG cho đầu tư, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà nước nên đưa ra từng bộ tiêu chí ESG khác nhau cho các ngành như xây dựng, may mặc…

Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp cần bắt buộc làm ESG, có thể ngay từ đầu Nhà nước hỗ trợ về tư vấn, tài chính. Về lâu dài cần đưa vào luật hoá và doanh nghiệp bắt buộc phải làm. Bởi một doanh nghiệp thực hành ESG chưa đủ, mà phải cả cộng đồng, chuỗi cung ứng chung tay làm mới có tác động mạnh mẽ.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối