Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Thực hư về cây chùm ngây

Lương y THÁI KIM THANH NGUYÊN -

Hiện nay, trên mạng xã hội có đăng tải nhiều thông tin về cây chùm ngây, với thông tin là cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, chữa nhiều bệnh, có người còn đặt cho nó cái tên “cây thần dược”. Trên một số tuyến đường ở TPHCM, người đi đường cũng thấy người ta bày bán lá của loại cây này và được người bán giải thích là chữa bá bệnh. Thực hư về cây chùm ngây ra sao mà giá đã được đẩy lên đến hơn 100.000 đồng/kg lá tươi, trong khi hàng chục năm qua, nó chỉ là cây dùng lá non để nấu canh rau ở nông thôn.

Cách đây 5 năm và cách đây 5 ngày

Năm 2010, tôi ghé thăm vợ chồng nghệ nhân hoa kiểng Bảy Th. ở quận Bình Tân. Bà Bảy hai tay run bần bật rót cho tôi một ly nước từ trong ấm tích và bảo đây là trà chùm ngây. Bà cho biết trong gia đình đã dùng suốt hai năm rồi và hỏi tôi: “Bác sĩ có xài cây này không? thần dược chữa bá bệnh đó”. Tôi mỉm cười hỏi lại: “Vậy khi dùng cây này, bệnh run tay của bà có đỡ không?”. Bà không trả lời nhưng ông Bảy đỡ lời: “Bệnh vài chục năm rồi, ngày càng nặng, làm sao mà bớt được”.

chumngay1_atkq

Vừa qua, trong chuyến đi du khảo dài ngày qua năm tỉnh miền Đông Nam bộ, ghé thăm nhiều bạn bè, thấy hầu như nhà nào cũng có dùng một trong các loại cây chữa bá bệnh ấy. Ngẫu hứng, tôi làm một cuộc phỏng vấn quá trình dùng các loại cây thuốc được cho là thần kỳ, đối tượng chính là tất cả người nhà và xóm giềng của bạn bè trên tuyến đường tôi ghé thăm. Câu trả lời chung nhất của mọi người là: “Có bệnh thì vái tứ phương; thuốc bảo hiểm chỉ cấp cách quãng và tương đối làng nhàng; thuốc thang sắc chắc chữa được tận gốc nhưng chúng tôi không theo nổi. Thôi thì ai khen gì, mình thử nấy”.

Đến đây, chợt nhớ đến ông bà Bảy, tôi liền tìm danh bạ gọi và hỏi thăm đôi ba điều, trong đó có việc uống cây chùm ngây. Ông Bảy cho biết đã chán cây đó lâu rồi, sau đó có uống cây mật nhân một thời gian, và hiện đang uống trà khổ qua rừng!

[box] Cây chùm ngây có gì?

chum-ngay-1

Cây chùm ngây có tên dân gian là ba đậu dại (có ở vùng miền Trung còn gọi tên là cây bồn bồn), tên khoa học Moringa Oleifera, thuộc họ Moringaceae, lá non vị ngọt mát, bổ phế-dưỡng vị-nhuận can. Rễ vị cay hơi đắng, hơi hăng, chứa phenol, ancaloid nên có tính kháng sinh cao, thông huyết mạch; hạt vị béo chứa cytokinin. Cây gỗ nhỏ, cao 5-6 m, mọc hoang và được trồng khắp nơi từ Thanh Hóa trở vào ĐBSCL, trồng ở nhiều nước Đông Nam Á và nhiều nơi trên thế giới.

Cây chùm ngây có chứa khá nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, beta caroten; chất khoáng như sắt, đồng, canxi, potassium, magie; nhiều loại protein, gần 20 loại axit amin, các hợp chất phenolics; pterygospermin... Do đó, nó được y dược nhiều nước chiết xuất các hoạt chất để bào chế mỹ phẩm dưỡng da, nước giải khát, thực phẩm chức năng và nhiều loại thuốc chữa bệnh.

Ở nông thôn miền Trung, cây chùm ngây được nhà nông lấy lá non nấu canh rau chung với rau vườn nhà khác giải nhiệt khá tốt cho mùa hè.[/box]

Đừng chữa bệnh theo tin đồn

Bá bệnh là trăm thứ bệnh thuộc các nguyên nhân nội nhân-ngoại nhân khác nhau, từ những cơ quan nội tạng khác nhau và các dạng thức khác nhau cùng phát sinh trong một cơ thể người. Thí dụ, người vừa có bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, bệnh suy thoái các vùng thần kinh... là bệnh thuộc về toàn thân; vừa có sỏi thận là bệnh thuộc về thận; vừa có bệnh viêm dạ dày là bệnh thuộc về hệ tiêu hóa; vừa có bệnh chàm là bệnh thuộc thể tạng; vừa có bệnh suy tim là bệnh thuộc hệ tuần hoàn; vừa có bệnh ho hen là bệnh thuộc hệ hô hấp... thì đó là một người “bá bệnh”.

Bệnh bá chứng là một tổng hợp chứng trạng bởi bệnh ở một cơ quan nào đó đã ảnh hưởng lên nhiều phần, nhiều chức năng mà nó quản lý. Thí dụ theo Đông y, tạng thận quản lý bao gồm vài chục chức năng như nuôi tóc, nuôi răng, nuôi thủy tinh thể mắt, thính lực, điều hòa tiểu tiện và đại tiện, lọc máu, nuôi xương, nuôi tủy, quản lý trạng thái sinh dục, sản xuất hoóc môn, quản lý trứng và tinh trùng... Như thế, người bệnh thận nặng thì có thể sẽ thể hiện đầy đủ các chứng như răng long, chảy máu răng, đục thủy tinh thể, cườm mắt, ù tai ve kêu, điếc, suy kém tình dục, không có con, hư thai, động thai, viêm khớp, thoái hóa xương, loãng xương, khó ngủ, mỏi mê...

Có người bệnh bá chứng đã may mắn dùng được một loại thảo dược phù hợp mà khỏi “bệnh bá chứng” nhưng lại bày cho cả chục người “bá bệnh” khác nên hoàn toàn không có tác dụng. Cây chùm ngây là một trong rất nhiều loại thảo dược cải thiện được bệnh bá chứng thiên về tạng can-phế, cụ thể là các cơ quan gan-mật-phổi. Tuy nhiên, do tâm lý kỳ vọng về công dụng thần kỳ của cây chùm ngây đã tạo cơ hội hình thành nên cơn sốt giá trên thị trường. Từ vài ngàn đồng ở chợ quê, nay tăng nhanh đến bây giờ với mức giá trên 100.000 đồng/kg lá tươi. Rồi hình thành nên phong trào ương chiết cây chùm ngây con bán với giá vài chục ngàn đồng một cây con cho dân thành phố trồng.

Trong thực tế, có rất nhiều loại cây trái cũng có đầy đủ các công năng tương đương hoặc vượt trội hơn cây chùm ngây như quả mãng cầu, quả mít, quả đu đủ, quả bơ, khoai môn, khoai lang đỏ, hoài sơn, gạo lứt, quả dâu tây, quả táo, măng tây, hành tỏi, gừng riềng, lá trà, nhân sâm, toàn cây bồ công anh, toàn cây a ti sô, nấm linh chi lâu năm…

Do vậy, người bệnh không nên mù quáng chạy theo lời đồn thổi về một thứ nào đó mà để ảnh hưởng đến kế hoạch thu chi trong gia đình. Hãy chọn xem món nào đang rộ mùa, đang thấp giá mà thay đổi luân phiên. Nếu có điều kiện tự trồng thì cố gắng dành quỹ thời gian cho việc này. Dùng lương thực tự trồng thật sự mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích về kinh tế và sức khỏe, hơn là đi “cày” thêm để kiếm tiền mua chúng từ ngoài chợ.

Một điều cần lưu ý là mỗi loại thảo dược đều có tính khắc kỵ và sở đoản. Trước khi dùng lâu dài ta nên tìm tư liệu đã được xuất bản để tham khảo chọn dùng cho phù hợp với bản thân hoặc phải nhờ sự tư vấn của các lương y và bác sĩ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối