Hoàng Xuân Phương -
Hệ thống siêu thị trên thế giới đã phát triển song song với các dây chuyền sản xuất thực phẩm chế biến, được đóng gói hay đóng hộp gọi là “big food”. Nhưng nay những hộp thực phẩm một thời làm mưa làm gió này đang bị lấn sân bởi các thực phẩm tươi đến từ các chủ vườn hay những trang trại.
Cuộc chiến “big food” đã ngấm ngầm diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Nông dân nay biết làm ra rau quả tươi hơn, ngon hơn, đồng đều hơn, giữ được lâu hơn và an toàn hơn. Các nhà chăn nuôi cũng biết cách giữ cho vật nuôi có tỷ lệ nạc mỡ nhất định, ưng ý với người tiêu dùng. Thêm vào đó chiếc tủ lạnh mỗi nhà mỗi có là kho chứa thực phẩm tươi sống cho gia đình.
Gian hàng tươi sống lớn dần
Người nội trợ, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, nay ưu tiên tìm kiếm rau quả và thịt cá tươi trước khi dòm ngó đến các thức ăn thức uống được đóng gói, đóng hộp đẹp mắt, và vì thế các khu hàng tươi sống đang dần chiếm diện tích lớn hơn nơi các siêu thị lớn nhỏ.
Jack Russo, nhà phân tích thị trường thực phẩm đóng gói xác nhận sự hiện diện của nhóm thực phẩm chế biến này trong các siêu thị trên thế giới đang bị thử thách. Trước đây hai chữ chế biến chỉ là pha chế và làm chín thức ăn, thức uống và không tạo ra sự nguy hiểm nào cho người tiêu dùng từ ngành công nghiệp này. Nhưng nay người ta nhận ra nhiều thực phẩm chế biến hoặc vô bổ hoặc không tốt cho sức khỏe.
Màu nhân tạo, mùi nhân tạo, chất bảo quản, si rô giàu đường, chất gluten và dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất tăng trọng cùng các nhân tố biến đổi gen… là những thứ mà người tiêu dùng cho rằng nay đầy dẫy trong các sản phẩm đóng gói, đóng hộp vốn rất ít khi bị kiểm tra. Cuộc khảo sát mới đây của nhóm Berstein cho biết một nửa lượng khách mua hàng không còn tin vào hệ thống thực phẩm chế biến. Loại thực phẩm này tiện lợi thật đấy nhưng làm cách nào mà một chiếc bánh để đến 25 ngày mà không hư?
Steve Hughes, người đã 37 năm điều hành một công ty thực phẩm chế biến cho biết sự thay đổi chiều hướng tiêu dùng từ thực phẩm chế biến sang thực phẩm tươi đang diễn ra nhanh chóng, và thị trường 1.000 tỉ đô la Mỹ thực phẩm chế biến mỗi năm đang bị đe dọa. Hughes đã bắt đầu mở một công ty thực phẩm riêng, Boulder Brands, để chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho các khách hàng siêu thị.
Thực phẩm chế biến bị cạnh tranh
Năm ngoái, các công ty chế biến thực phẩm đóng gói tại Mỹ đã thiệt hại 4 tỉ đô la do sự chuyển hướng của người tiêu dùng. Tại Nga, 25 công ty thực phẩm và thức uống đóng hộp cũng chịu thiệt hại lên đến 18 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2009.
Một giám đốc tại Công ty Thực phẩm chế biến ConAgra, nơi có đến 29 thương hiệu thức ăn thức uống nổi tiếng đã mỉa mai nói với nhà phân tích Robert Moscow tại Ngân hàng Thụy Sĩ rằng hai chữ “big food” nay đang trở thành “bad food”.
Nhưng bà Denise Morrison, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm Campbell Soup Co. cho rằng rồi khách hàng lại tìm đến các thương hiệu thực phẩm chế biến vốn tiện lợi và đã nổi tiếng từ bấy lâu nay.
Cuộc chiến “big food” hay thực phẩm chế biến sẽ khốc liệt trong các năm tới. Các nhãn hiệu thức ăn, thức uống đóng gói, đóng hộp phải tìm cách lấy lại uy tín của mình. Nhưng trong hiện tại, các siêu thị đồng loạt mở rộng các khu bán hàng tươi sống. Cùng lúc này thị trường thực phẩm tươi sống cũng đưa vào những ứng dụng công nghệ mới nhằm tiếp tục tăng thêm sức cạnh tranh.
Trên thực tế sức cạnh tranh của các công ty cung cấp thực phẩm tươi rất mạnh, và việc bán hàng dựa vào cả ứng dụng công nghệ mới như điện thoại di động chứ không riêng đặt hàng trên kệ hay trong các khu tươi sống của siêu thị. Chỉ sau hai năm thành lập, Công ty Thực phẩm tươi Kroger’s Simple Truth đã đạt giá trị doanh nghiệp lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ. Cùng thời gian này Công ty Hein Celestial đạt mức doanh thu 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhờ bán hàng tươi sống qua mạng thương mại điện tử của Amazon.