Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Thực phẩm cho tương lai

Công nghệ thực phẩm có vẻ là vùng đất tiềm năng mới của những công nghệ tiên phong. Có nhiều lý do cho điều này: khí hậu nóng lên, sự gia tăng dân số...

Thế giới đã đạt mốc 7 tỉ người và con số này sẽ tăng lên 9 tỉ vào năm 2050. Với nguồn lực có hạn, một cuộc cải cách trong ngành thực phẩm là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó là công nghệ số đang phát triển trên mọi lĩnh vực và có xu hướng biến đổi những mặt cơ bản và vật chất nhất của thế giới xung quanh ta. Và giờ đây nó đang tấn công ngành sinh học tổng hợp. Trên thực tế, việc sản xuất thịt nhân tạo đã tạo ra tiếng vang từ cách đây vài tháng. Và gần đây, James King, một tiến sĩ người Anh, đã lao vào các dự án thiết kế thực phẩm tổng hợp.

Nhưng đó vẫn là công nghệ của tương lai. Phần lớn các nghiên cứu mới về dinh dưỡng hiện đều tập trung vào việc tối ưu hóa và tái tổ chức các nguồn lực tự nhiên có sẵn của thế giới.

Tương lai của ngành thực phẩm có thể đi theo ba hướng (tất nhiên là có sự kết hợp cả ba hướng này). Đầu tiên, là nghiên cứu các dạng thực phẩm mới. Thứ hai, tận dụng các nguồn nguyên liệu, chẳng hạn, côn trùng hay tảo. Cuối cùng là những phương thức sản xuất thực phẩm mới chưa từng được biết đến, như máy in đồ ăn 3D, qua đó có thể tạo ra những mùi vị mới.

Nước sốt công nghệ

Soylent

Một số công ty khởi nghiệp đã tung ra thị trường những dạng thực phẩm mới. Tạp chí danh giá Technology Review của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã nói đến “thực phẩm thế hệ 2.0” và đặc biệt tập trung vào Công ty Hampton Creek, một doanh nghiệp đang tìm cách sản xuất sản phẩm thay thế trứng. Mục tiêu của Hampton Creek là kết hợp các loại protein của rau quả để tạo ra một số đặc tính của trứng gà, mà không cần phải nuôi gia cầm. Điều quan trọng là nếu thành công thì sản xuất thức ăn kiểu này sẽ ít gây ô nhiễm và ít tốn kém nguồn lực hơn.

Ông Josh Tetrick, Tổng giám đốc của Hampton Creek, cho biết một trang trại gia cầm luôn sử dụng một lượng lớn nước và tiêu hao 39 calo năng lượng để cho ra 1 calo thực phẩm. Ông cho biết có thể tạo ra thực phẩm tương tự từ thực vật mà tốn ít nước và công sức hơn nhiều (2 calo năng lượng cho mỗi calo thực phẩm) – đồng thời lại không có cholesterol, chất béo bão hòa, chất gây dị ứng và dịch cúm gia cầm. Hơn nữa, giá của loại thực phẩm mới chỉ bằng phân nửa giá một quả trứng.

Một sản phẩm khác mang tên Soylent do Rob Rhinehart tạo ra còn mang tính tổng hợp cao hơn cả trứng của Hampton Creek. Soylent là loại đồ uống chứa mọi chất cần thiết cho sự sống. Ngoài một ít dầu ô liu và muối thì không có gì trong Soylent có vẻ giống với thức ăn theo nghĩa chúng ta thường nghĩ.

Rhinehart đã chia sẻ khám phá của mình trong bài viết “Tôi đã ngừng ăn thức ăn như thế nào?” trên blog. Ông nói rằng sức khỏe của mình đã cải thiện nhiều từ ngày uống Soylent. Ông vẫn ăn đồ ăn nhưng 92% lượng dinh dưỡng thì lấy từ Soylent. Để thương mại hóa sản phẩm này, Rhinehart đang kêu gọi đầu tư. Các quỹ đầu tư mạo hiểm, như Y Combinator và Andreessen Horowitz, đã đầu tư hơn 1 triệu đô la cho ông.

Côn trùng – thức ăn tương lai?

Openbugfarm

Ăn côn trùng không còn là điều quá mới mẻ. Những con vật nhỏ bé này đang là đồ ăn của khoảng 2 tỉ người. Nhưng cho đến giờ thì mọi người, đặc biệt là người phương Tây, vẫn không xem đây là giải pháp cho vấn đề thực phẩm. Tuy nhiên, côn trùng có nhiều lợi ích, chúng chứa đựng nguồn protein dồi dào và không đòi hỏi nhiều nguồn lực để nuôi. Châu chấu chẳng hạn, chỉ yêu cầu lượng thức ăn ít hơn 12 lần so với gia cầm để tạo ra cùng một lượng protein.

Một báo cáo của Liên hiệp quốc công bố năm 2013 cũng cho rằng đối mặt với sự quá tải về dân số, côn trùng có thể là nguồn thực phẩm tốt.

Tại Pháp, Micronutris còn sử dụng côn trùng để làm bánh quy và sô cô la. Tại Mỹ, Exo Protein cũng nghiên cứu để sản xuất các thanh thức ăn từ côn trùng.

Tiny Farms, một nhóm chuyên tạo ra các “trang trại côn trùng”, đã giới thiệu dự án “openbugfarm”. Với 199 đô la, người ta có thể mở trang trại côn trùng cho chính mình.

Khi trả tiền để mở một trang trại như vậy, người dùng còn có thể thu thập dữ liệu về chăn nuôi và gửi chúng đến Tiny Farms. Và Tiny Farms sẽ nghiên cứu, lựa chọn ra những cách nuôi sao cho hiệu quả nhất. Thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp thực phẩm không chỉ là sản xuất ra côn trùng ăn được mà còn phải sản xuất đến mức nhiều nhất có thể.

Xu hướng kết nối dữ liệu, mã nguồn mở với nông nghiệp này thực sự là một bước tiến. Trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, một dự án mang tên Farmbot cũng có thể được xem là ví dụ của bước tiến này. Một con robot mã nguồn mở, có thể được sản xuất nhờ máy in 3D, sẽ cung cấp các thông tin chính xác về lượng dinh dưỡng và nước cần thiết cho cây trồng. Người sáng tạo ra Farmbot, Rory Aranson, đang hoàn thiện con robot này.

Tinh thần Thung lũng Silicon

Những nhà nghiên cứu chế tạo ra thực phẩm và cách nuôi trồng mới này đang làm việc với tinh thần của công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Như Rhinehart chẳng hạn, ông vẫn đang làm về phần mềm và đào tạo kỹ sư. Megan Miller, nhà điều hành Chirp Farms, một doanh nghiệp sản xuất bột châu chấu, cũng là chuyên gia phát triển kỹ thuật số. Các nhà quản lý mới này hoàn toàn khác những người làm việc trong ngành thực phẩm.

Theo tờ New York Times, mối liên quan giữa các doanh nghiệp này và thế giới công nghệ phần mềm thật ấn tượng. Một số doanh nghiệp còn có cả lập trình viên viết code để thử nghiệm các món ăn và xác định các loại thành phần có thể kết hợp với nhau. Một số khác tiếp cận cách quản lý giống như các công ty khởi nghiệp, sử dụng một quá trình gọi là “lập trình linh hoạt” (Agile Method), trong đó các nhà quản lý dự án làm việc với những nhóm rất nhỏ gồm các lập trình viên và sử dụng các ứng dụng phát triển phần mềm như Scrum để chuyển đổi và tạo ra sản phẩm một cách nhanh chóng. Về cơ bản, họ quản lý việc phát triển sản phẩm thực phẩm giống như cách các doanh nghiệp công nghệ tổ chức viết code.

“In” thực phẩm

Foodini

 

Ngoài các dạng thực phẩm mới, người ta còn tìm ra các cách thức mới để hoàn thiện chúng. Cách đây gần một năm, một phát minh của kỹ sư Anjan Contractor, dự định sử dụng máy in 3D để tạo ra pizza và các loại thức ăn mới từ côn trùng, đã khiến mọi người kinh ngạc. Dự án này do NASA tài trợ, có thể được ứng dụng cho phi hành gia. Trên thực tế, loại máy như vậy có thể chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng cho con người nói chung.

Hiện tại, nhiều dự án khác đã ra đời từ ý tưởng máy in “ẩm thực” 3D. Vẫn liên quan đến côn trùng, dự án “Insects Au Gratin” của Suzana Soares cũng dựa trên việc sản xuất một loại bột từ côn trùng dành cho các món ăn làm từ máy in 3D. Truyền thống và ngon miệng hơn, Natural Machines, một công ty khởi nghiệp tại Barcelona, đưa ra ý tưởng về máy Foodini. Đây là máy có thể tạo ra loại thức ăn lành mạnh cho người sở hữu máy. Chúng ta có thể bỏ vào máy nguyên liệu mình thích và máy sẽ làm phần việc còn lại.

Liên minh châu Âu đã nhận ra lợi ích của máy in 3D đối với việc chăm sóc người cao tuổi. Theo dự án PERFORMANCE (chế biến thức ăn một cách nhanh chóng dành cho người cao tuổi), một nhà tư vấn sức khỏe sẽ đến nhà những người trên 65 tuổi và nghiên cứu về nhu cầu thực phẩm của họ. Mỗi người sẽ có một hồ sơ; hồ sơ này được gửi đến nhà máy ẩm thực để in món ăn theo nhu cầu và sẽ được chuyển đến nhà từng người.

NASA cũng đang nghiên cứu dự án Veggie, một hệ thống sinh thái cho phép trồng cây trên trạm vũ trụ quốc tế. Còn Wieger Wamelink, chuyên gia sinh thái học, lại nghiên cứu các thành phần đất trên sao Hỏa. Ông nhận thấy rằng đất ở đó chứa nhiều khoáng chất có thể giúp cây cối phát triển. Nhưng đương nhiên là phải có thêm nguồn nước và không khí.

Ngọc Trung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối