CHÁNH TÀI -
Theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng của thực phẩm và thức uống chức năng đã vượt mặt tốc độ tăng trưởng thực phẩm và đồ uống nói chung. Euromonitor International ước tính năm 2013, doanh thu toàn cầu của thực phẩm và đồ uống chức năng đạt mức 237 tỉ đô la Mỹ, trong đó, riêng tại Mỹ, doanh thu thực phẩm và đồ uống chức năng đạt 58,4 tỉ đô la trong năm 2013.
Khi người tiêu dùng lo cho sức khỏe
Các thực phẩm có bổ sung vi tảo được trưng bày tại một cửa hàng ở thành phố Free Port, bang Maine, Mỹ. Ảnh: AP
Theo một báo cáo vào năm 2015 của Công ty Nghiên cứu thị trường Packaged Facts (Mỹ), hầu hết người Mỹ đều biết về thực phẩm chức năng và tin rằng chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp quản lý sức khỏe, 1/3 người trưởng thành ở Mỹ tin rằng thực phẩm và đồ uống chức năng có thể thay thế cho một số loại thuốc men trong việc chăm sóc sức khỏe tổng thể.
Euromonitor International ghi nhận tại Mỹ, thực phẩm chức năng là phân khúc đang tăng trưởng nhanh nhất trong hạng mục thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Khi kiến thức của người tiêu dùng được nâng cao, các công ty càng chú ý đến nhu cầu của từng phân khúc người tiêu dùng nhằm phát triển và quảng bá thực phẩm, đồ uống chức năng một cách hiệu quả. Peter Schouw Andersen, Giám đốc kinh doanh ở bộ phận dinh dưỡng và hiệu năng sức khỏe của Công ty Arla Foods Ingredients, Đan Mạch, cho rằng: “Bất cứ thế hệ người tiêu dùng nào mà bạn nhắm đến để quảng bá thực phẩm chức năng, có hai nhân tố quan trọng để cân nhắc: tính an toàn và tính khoa học”. Ông cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng có thể khác nhau theo độ tuổi nhưng tất cả họ đều muốn thực phẩm chức năng phải mang lại các lợi ích sức khỏe và không gây hại.
[box type="download"] Không có định nghĩa thống nhất trên thế giới về thực phẩm chức năng. Nhưng hiểu một cách đơn giản nhất, thực phẩm chức năng là thực phẩm đã qua chế biến có bổ sung thêm một số thành phần nhằm nâng cao các lợi ích cho sức khỏe.[/box]
Mỗi lứa tuổi, mỗi loại thực phẩm chức năng
Tại Mỹ, thế hệ Baby Boomers (những người sinh vào thời gian từ năm 1946 đến 1964) có khoảng 83,7 triệu người. Họ nằm trong số 44% các hộ gia đình có thu nhập hơn 75.000 đô la/năm, vì vậy đây là phân khúc khách hàng có sức mua lớn. Những đối tượng khách hàng này có nhu cầu cao đối với thực phẩm chức năng hỗ trợ kiểm soát một số bệnh mãn tính có thể tác động đến tuổi thọ của họ bao gồm bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường, alzheimer, chứng loãng xương, viêm khớp, thoái hóa võng mạc...
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Innova Market Insights (Hà Lan), người tiêu dùng lớn tuổi thường quan tâm đến các thực phẩm chức năng có tác dụng kiểm soát và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, giúp tỉnh trí và tăng cường sinh lực, hỗ trợ sức khỏe tim và hệ thống miễn dịch.
Phân khúc khách hàng thứ hai là thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến 1979), chiếm khoảng 49 triệu người ở Mỹ. Đây là đối tượng khách hàng chi tiêu nhiều cho thực phẩm hơn bất cứ thế hệ nào, trung bình khoảng 323 đô la/tháng, theo dữ liệu của Công ty Acosta Sales & Marketing ở bang California.
Năm 2014, một nghiên cứu của Viện Kỹ sư công nghệ thực phẩm (IFT), có trụ sở ở thành phố Chicago, cho thấy nhiều người tiêu dùng ở thế hệ X chuyển sang sử dụng thực phẩm chức năng thay vì dựa vào chất bổ sung dinh dưỡng như trước đây.
Đây là phân phúc khách hàng có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của bệnh tim, huyết áp cao, chứng loãng xương, tiểu đường tuýp 2, ung thư và suy giảm trí nhớ vì tuổi tác. Hai ưu tiên hàng đầu cho người tiêu dùng thế hệ X là duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.
Tiếp đến là khách hàng thuộc thế hệ Y, những người sinh từ năm 1980 đến 1999, với khoảng 72 triệu người. Theo nghiên cứu của IFT, thế hệ này bắt đầu có xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, chú trọng đến thực phẩm tự nhiên, hữu cơ, ít chế biến và có mùi vị hấp dẫn. Đây là thế hệ người tiêu dùng có tỷ lệ tin tưởng cao nhất đối với quan điểm cho rằng thực phẩm và đồ uống chức năng có thể thay thế một số thuốc men nhằm giải tỏa mệt mỏi, giữ tinh thần minh mẫn, cải thiện sức khỏe mắt, tăng cường sinh lực.
Phân khúc khách hàng cuối cùng là thế hệ Z, những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. Phụ huynh của các khách hàng nhỏ tuổi này thường tìm kiếm cho con cái của họ các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường miễn dịch, bổ sung chất dinh dưỡng, phát triển khả năng nhận thức, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và mắt.
Người Mỹ thích thực phẩm chức năng gì?
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Packaged Facts, các dưỡng chất và thành phần quan trọng sử dụng cho thực phẩm và đồ uống chức năng đang được người tiêu dùng Mỹ chuộng nhất là protein, các axit béo omega-3, vitamin D, magnesium (magiê) và vi tảo. Báo cáo cho biết protein đang là thành phần “hot” nhất của thực phẩm chức năng. Người tiêu dùng Mỹ quan tâm nhiều đến thực phẩm chức năng bổ sung các loại protein quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề như kiểm soát cơn đói, duy trì sức lực, giảm cân, quản lý cân nặng, phục hồi sau chơi thể thao, duy trì khối cơ (ở người lớn tuổi).
Mặc dù, tiêu thụ protein tại Mỹ được xem là quá mức nhưng theo một cuộc khảo sát, vẫn có 15-38% nam giới và 41% phụ nữ ở Mỹ không tiêu thụ đủ lượng protein hàng ngày theo khuyến nghị. Người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đối với protein có nguồn gốc từ thực vật.
Trong khi đó, thực phẩm chức năng bổ sung các axit béo omega-3 cũng đang được đánh giá cao tại Mỹ. Đó là vì ngày càng có nhiều người tiêu dùng nhận thức được các lợi ích mà axit béo omega-3 mang lại cho sức khỏe. Các axit béo omega-3 bao gồm DHA (docosahexaenoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid) giữ nhiều chức năng sinh học trong cơ thể, đặc biệt rất quan trọng đối với sức khỏe của trí não, thị lực và tim mạch.