Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Thực phẩm chức năng: Mang tiếng do quảng cáo quá thổi phồng

CHÍNH PHONG -

Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International ước tính doanh thu toàn cầu của ngành thực phẩm chức năng (TPCN) đạt mức 237 tỉ đô la Mỹ năm 2013. Còn tại Việt Nam, theo ông Phạm Hưng Củng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), ước lượng thị trường thực phẩm chức năng trong nước hiện nay vào khoảng 500 triệu đô la Mỹ.

Thị trường hấp dẫn

shutterstock_139027376

Theo báo cáo của VAFF công bố vào năm 2013 thì năm 2012 tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN là 1.552, tổng số sản phẩm TPCN là 5.514. Theo ông Củng, số cơ sở sản xuất kinh doanh từ đó đến nay tăng lên khoảng 3.500, số sản phẩm tăng lên gần 10.000. Điều này cho thấy lợi nhuận ngành này rất hấp dẫn để các doanh nghiệp nhảy vào đầu tư. Các doanh nghiệp dược lớn trong nước đều đã đầu tư vào lĩnh vực TPCN và thu lợi nhuận tốt. Báo cáo thường niên 2014 của Dược Hậu Giang cho thấy 14/17 công ty con của doanh nghiệp này có kinh doanh TPCN.

Các công ty kinh doanh TPCN đa cấp như Herbalife, Vision, Nuskin cũng tăng trưởng mạnh. Amway tới Việt Nam năm 2008 ban đầu tập trung sản xuất và bán đa cấp các sản phẩm gia dụng như kem đánh răng, bột giặt… sau đó đã thay đổi chiến lược, đưa TPCN lên vị trí dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu sản phẩm.

Ngày càng có nhiều người dùng TPCN để giảm cân, làm đẹp, phục hồi sức lực, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ kiểm soát nhiều bệnh mãn tính… Theo báo cáo vào năm 2015 của Công ty Nghiên cứu thị trường Packaged Facts (Mỹ), một phần ba người trưởng thành ở Mỹ tin rằng TPCN có thể thay thế cho một số loại thuốc men trong việc chăm sóc sức khỏe tổng thể.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều người tiêu dùng phần nào nghi ngờ bởi TPCN được quảng cáo vượt quá xa thực tế và một số sản phẩm dính với tiếng xấu của một số đơn vị bán hàng đa cấp nhưng biến tướng, bất chính.
Ông Phạm Hưng Củng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFF, thừa nhận về sự nghi ngờ của người tiêu dùng với TPCN là không nhỏ: “Do vậy nên ngay từ khi thành lập VAFF, chúng tôi chọn khẩu hiệu là “Hiểu đúng – Làm đúng – Dùng đúng”, tức là mọi người cần hiểu đúng về định nghĩa, phân loại, phân biệt, tác dụng; những người sản xuất và kinh doanh cần làm đúng về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, quản lý; người tiêu dùng cần dùng đúng đối tượng, liều lượng, thời gian, cách dùng”.

Thổi phồng công dụng nhờ truyền thông

Một nhân viên kinh doanh ở một tờ báo mạng lớn cho biết các sản phẩm TPCN hiện tại giữ vị trí số một trong cơ cấu doanh thu đến từ quảng cáo của báo này, trên cả ngân hàng hay bất động sản. “Có thể nói quảng cáo bây giờ tập trung vào ba chữ S: Sắc đẹp, Sức khỏe và Sinh lý”, nhân viên này nhận xét, “Họ sẵn sàng duyệt ngân sách rất lớn cho quảng cáo, có nhãn hàng còn thuê hoa hậu làm đại diện ở mức thù lao tới 40.000 đô la/năm”. TPCN cũng chiếm ưu thế trên nhiều báo mạng, báo in và các khung giờ vàng trên truyền hình.

Một dược sĩ kinh doanh trong ngành dược phẩm, tiếp xúc nhiều với giới sản xuất TPCN cho biết giá thành sản xuất của một loại TPCN từ nguyên liệu, nhân công, đóng gói có trường hợp chỉ bằng 1/10 giá bán nên ngân sách dành cho quảng cáo của các sản phẩm TPCN rất lớn, và họ sẵn sàng chiết khấu cho hệ thống nhà thuốc, phòng mạch uy tín, spa, thẩm mỹ viện từ 20 đến 50% giá bán.

Vị dược sĩ này cũng cho biết điều kiện quảng cáo của TPCN dễ dàng hơn dược phẩm rất nhiều. Để được đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông một sản phẩm dược phải xin giấy phép tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và phải chờ xét duyệt nhiều lần trong thời gian dài mới được cấp phép, trong khi để được đăng quảng cáo TPCN chỉ cần gửi đăng ký đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bởi TPCN được xem như một loại thực phẩm, chỉ cần an toàn là được.

Quảng cáo TPCN là vấn đề rất phức tạp, ngay cả ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, phải thừa nhận. “Chúng tôi thẩm định nội dung quảng cáo rất kỹ nhưng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN đăng ký nội dung quảng cáo với cục một kiểu, đến khi ra phương tiện truyền thông, họ lại quảng cáo một kiểu khác”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, cách làm của cục là vừa bảo vệ cho người tiêu dùng nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Cục đã xây dựng một hệ thống tra cứu trên mạng, người tiêu dùng có thể tra cứu về công dụng của các TPCN dễ dàng. Ông Phong cho biết các vi phạm đều được công khai trên cổng thông tin, nhưng vấn đề là nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Trong năm 2015, cục đã xử lý trên 300 vụ vi phạm, phạt trên 5 tỉ đồng, rút giấy phép của gần 100 sản phẩm.

Tình hình hiện thời theo ông Phong có cải thiện hơn nhưng chưa đáng kể vì có quá nhiều cơ quan truyền thông, kênh truyền hình, kiểm soát không xuể khi nhiều cơ quan truyền thông không đưa nội dung quảng cáo đúng với tiêu chuẩn công bố của sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối