Vũ Yến-
Các loại thực phẩm hữu cơ (rau, củ, thịt, cá...) thường có giá cao hơn 2-4 lần so với thực phẩm thông thường, nhưng đang được nhiều người chọn mua vì cảm thấy yên tâm hơn. Điều mà người tiêu dùng băn khoăn là làm sao để biết chắc rằng đó là sản phẩm thực sự được sản xuất theo phương pháp hữu cơ (không dùng thuốc, hóa chất...).
Trồng trọt, sản xuất rau củ quả tại nông trại hữu cơ Viễn Phú ở Cà Mau. Ảnh: Vũ Yến
Chọn mua vì tin tưởng
Chị Hoàng Oanh, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM), vẫn thường mua thực phẩm tại một cửa hàng được giới thiệu là bán thực phẩm hữu cơ. Nhưng theo chị Oanh, có những sản phẩm mà trên nhãn mác không có ghi chú nào khẳng định đó là hữu cơ; số ít sản phẩm có tem nhãn ghi số điện thoại của người trồng và chứng nhận hữu cơ PGS, mà theo giải thích của nhân viên là chứng nhận hữu cơ của Việt Nam.
“Nhân viên giải thích những sản phẩm ở cửa hàng được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ của Việt Nam, của Nhật Bản, chỉ là chưa có điều kiện, kinh phí để làm những chứng nhận của Mỹ, của EU nên tôi tin tưởng”, chị Oanh nói.
Khác với chị Oanh, chị Bảo Trân, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết chị chỉ tin vào chứng nhận sản phẩm được ghi nhãn mác trên bao bì, và để chắc chắn, chị sẽ dùng điện thoại quét vào mã vạch trên đó. Từ đó xuất xứ sản phẩm, được chứng nhận bởi đơn vị nào, sẽ hiện lên.
“Giữa mê hồn trận các cửa hàng tự xưng bán sản phẩm hữu cơ, mình không thể chỉ dựa vào niềm tin. Nếu sản phẩm thực sự được chứng nhận hữu cơ thì ắt phải có dấu hiệu, chỉ dẫn để người tiêu dùng biết. Chẳng có lý do gì để mình mua một ký rau mắc hơn cả ba bốn chục ngàn đồng chỉ dựa vào niềm tin. Hiện tại ở TPHCM không hiếm những cửa hàng bán sản phẩm ghi đầy đủ thông tin trên bao bì, nhãn mác”, chị Trân nói.
Không khó nhận diện sản phẩm hữu cơ
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho biết thực tế có không ít cửa hàng kinh doanh những sản phẩm mạo nhận hữu cơ, nhập nhằng nguồn gốc. Theo ông Viên, hiện nay tại Việt Nam chưa có một cơ quan, tổ chức nào kiểm tra, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, theo đó, một số đơn vị muốn được chứng nhận sản phẩm hữu cơ thường phải tìm tới các tổ chức, đơn vị quốc tế uy tín, ví dụ như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU Organic Farming), Công ty Control Union, tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản)…
Để đạt được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí, phải trải qua quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế từ đất, nguồn nước, vật tư canh tác… Vì vậy, khi đạt chứng nhận rồi thì như một điều tất yếu, như một niềm tự hào, doanh nghiệp sẽ muốn thể hiện trên bao bì, nhãn mác để khẳng định chất lượng sản phẩm, để người tiêu dùng qua đó tin tưởng, nhận diện.
“Không phải ai cũng hiểu để chọn, cũng đủ chi phí để chọn thực phẩm hữu cơ, vì vậy, để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, để họ lựa chọn sản phẩm hữu cơ sẽ phải đáp ứng các yêu cầu như chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, thể hiện đầy đủ thông tin chứng minh sản phẩm đó thực sự là hữu cơ... Vậy không thể chỉ nghe lời quảng cáo, không thấy có bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào (bằng tem, mã vạch, bằng các chứng nhận USDA, EU, JAS trên bao bì) mà người tiêu dùng tin và mua”, ông Viên nói.
Đồng thời, theo ông Viên, thực sự không quá khó để nhận biết thực phẩm hữu cơ, ví dụ qua mẫu mã bên ngoài sản phẩm và quan trọng là qua cảm nhận thực tế khi sử dụng. Để biết sản phẩm có thực sự đạt chứng nhận hữu cơ, người tiêu dùng có thể vào trang web của tổ chức cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị, sẽ biết được thông tin chính xác, thậm chí biết chi tiết tới từng sản phẩm.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc của hệ thống Organica, cho biết sau khi đạt chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU) cho trang trại rau, Organica tiếp tục ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Peterson Services để cùng phát triển hệ thống trang trại hữu cơ tại Việt Nam.
Theo bà Thảo, bằng việc ký kết, Organica sẽ giao cho Peterson nhiệm vụ tư vấn, quản lý và đánh giá nội bộ các trang trại hiện có, cũng như hệ thống trang trại liên kết mà Organica phát triển trong thời gian tới. Hoạt động này nhằm đảm bảo các hoạt động tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu canh tác hữu cơ của USDA và EU. Phạm vi tư vấn liên quan đến hoạt động của các nhà sơ chế, đóng gói tại trang trại, cũng như kho của hệ thống Orgnica tại TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
Cũng theo bà Thảo, việc thuê bên thứ ba quản lý không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn giúp Organica yên tâm hơn trong hoạt động bán hàng. “Ký kết này không thể hiện trên bao bì sản phẩm, nhưng nó là sự cam kết ngầm của chúng tôi đối với người tiêu dùng, nó là đầu tư dài hạn, để tạo ra những sản phẩm hữu cơ bền vững cho thị trường”, bà Thảo nói.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nông sản, người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm hữu cơ bằng cách thông qua mã vạch, mã số, tem nhãn, logo gắn trên bao bì. “Cứ dựa trên mã vạch mà soi chiếu là ra ngay doanh nghiệp đó đã được chứng nhận hữu cơ chưa, sản phẩm đó đã đạt chuẩn hữu cơ chưa. Cũng có thể có một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm đó có thể an toàn, sạch, nhưng để khẳng định thực sự hữu cơ thì cần phải có đơn vị độc lập, uy tín chứng nhận”, ông cho biết.