Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Thức uống thảo mộc mùa hè

ÁI DU -

Mùa hè, tiết trời oi bức, nóng nực rất dễ gây nên trạng thái khó chịu. Để đối phó với cái nóng, hãy tham khảo các loại thức uống được làm từ thảo dược để xua tan nội nhiệt...

Giải nhiệt với trà hoa cúc

Hoa cúc là một vị thuốc được lưu truyền từ xưa đến nay. Công dụng đơn thuần và chủ yếu là giải nhiệt. Cách pha chế trà hoa cúc cũng đơn giản, chỉ một nắm nhỏ hoa cúc khô (10 g) cùng với 2 lít nước, đun lửa nhỏ riu riu đến khi nước sôi và thơm đậm mùi hoa cúc là có thể dùng được.

tra-gao-lut atiso-tea tra_cam_thao Trà hoa cúc có vị đắng nhẹ nhưng lưu đậm lâu trong cổ, người mới uống lần đầu sẽ thấy khó chịu. Có thể thêm một chút đường để dễ uống chứ không nên để quá ngọt, sẽ làm giảm tính giải nhiệt của trà. Với cách pha này, chỉ nên uống không quá 1,5 lít/ngày.

Trà hoa cúc còn một cách pha nữa, đó là chần qua nước sôi. Bỏ 2-3 bông hoa cúc phơi khô vào tách (200-250 ml), tráng nhẹ một lần qua nước sôi rồi rót nước thật nóng vào đến khoảng 4/5 tách. Đóng nắp tách trà lại và chờ 30 phút cho hoa khô ra hết chất trà là có thể dùng được. Pha cách này có thể uống 3 lần/ngày.

Ngoài tính năng giải nhiệt, trà hoa cúc còn được các bác sĩ Đông y khuyên dùng thường xuyên để phòng tránh các chứng về suy nhược thần kinh dạng nhẹ, hạ huyết áp…

Trà gạo lứt chữa bệnh tiêu hóa

Ngoài giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường, gạo lứt còn có công dụng điều trị một số chứng như suy dinh dưỡng, béo phì, phòng chống loãng xương, ổn định tiêu hóa… Do đó, nhiều người đã thử chế biến gạo lứt thành các loại thực phẩm khác, trong đó có trà.

Cách làm trà từ gạo lứt rất đơn giản. Chỉ cần ngâm gạo trong nước khoảng 10 phút để loại bỏ các hạt gạo xấu, rỗng (nổi lên). Sau đó vớt gạo ra, để ráo nước rồi rang trên lửa nhỏ, đảo đều đến khi hạt gạo sậm màu, săn lại và dậy mùi thơm nhẹ là được.

Sau khi rang xong, bỏ gạo lứt vào lọ thủy tinh đóng kín nắp. Khi uống, chỉ cần hai muỗng cho một ly với 200 ml nước sôi, để nguội cho ra hết chất là uống được. Theo Đông y, trà gạo lứt có công dụng giải nhiệt, giúp chống mất nước trong trường hợp bị tiêu chảy và cầm tiêu chảy rất tốt.

Có thể pha trà gạo lứt theo cách đong một chén trà nhỏ (100 g) và 2 lít nước. Đổ vào nồi, đun sôi rồi vặn lửa nhỏ khoảng 10 phút, thêm một muỗng nhỏ muối (5 g) đun đến khi hạt gạo chín mềm, đợi nguội, lọc lấy nước uống.

[box] Trà hoa cúc không chỉ giải nhiệt, thanh tâm tĩnh khí mà còn có tác dụng an tỳ, rất tốt cho người dạ dày yếu.

Uống trà gạo lứt, ăn cơm gạo lứt đúng theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng thì người béo có thể giảm cân, người gầy có thể mập lên.

Còn atiso đỏ thì vẫn chưa được khẳng định chính xác rõ ràng về dược tính, độc tính, nên chỉ có thể dùng như một phụ trợ thêm cho việc giải nhiệt.

Theo lương y Đỗ Thiện Nhân[/box]

Trà atiso đỏ giúp hạ huyết áp

Hoa atiso đỏ, còn gọi là hibiscus là một loại thảo dược có nhiều công dụng chữa và phòng bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là đài quả và lá – được thu hái vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo, có màu đỏ sẫm, và cũng chỉ thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất. Kết quả nghiên cứu về dược lý cho thấy, đài hoa atiso đỏ có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.

Chọn 3-5 đài quả tươi, đỏ mọng rửa sạch bằng nước ấm trước khi cho vào pha. Đun nước sôi rồi cho đài quả vào, cho thêm một vài lát gừng, một chút đường hoặc mật ong sau đó khuấy đều. Đợi trà sôi trong 3-4 phút, ủ nguội là có thể thưởng thức. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên uống một tách trà vào buổi sáng sẽ rất tốt cho những người bị cao huyết áp, mỡ máu hoặc tiểu đường.

Giảm mất nước với trà cam thảo

Trong dân gian, cam thảo được dùng trong các trường hợp thời tiết quá nóng, để giảm mất nước, đồng thời giải trừ các độc tố sinh ra trong người do nội nhiệt. Tất nhiên, hiệu quả giải trừ độc tố rất thấp, không đáng kể.

Cam thảo mặc dù có thể uống theo kiểu kết hợp với nhân trần để tạo vị ngon, nhưng theo lương y Đỗ Thiện Nhân, chủ trì phòng khám Đông y tại Phụng Sơn Tự (quận 11, TPHCM), không nên dùng cam thảo kết hợp với nhân trần để pha uống hàng ngày. Tuy cả hai loại thảo mộc này đều có tác dụng phòng chữa bệnh nhưng cam thảo có tính giữ nước, còn nhân trần thì lợi tiểu, dễ gây xung đột.

Trà cam thảo chỉ nên dùng như trà phơi khô theo cách sau: 1 muỗng rễ cam thảo sấy khô (khoảng 5 g). Cho 500 ml nước sôi, chờ trong 10 phút, sau đó lọc bằng lưới sạch và uống trong ngày. Tốt nhất là uống khi còn nóng ấm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối