Chí Thịnh-
Với sự ra đời của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, người dùng điện thoại di động có thể bị cắt số điện thoại nếu không cập nhật thông tin thuê bao theo lời đề nghị của nhà mạng. Thêm vào đó, các điểm bán SIM điện thoại như quán nước, sạp báo, tiệm tạp hóa cũng sẽ không còn được tiếp tục bán SIM.
Không dễ như trước
Theo thông tin từ trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hội nghị phổ biến Nghị định 49 diễn ra tại Hà Nội ngày 16-5 vừa qua, nghị định này có sự điều chỉnh các quy định pháp luật, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thông tin thuê bao di động trả trước.
Cụ thể, Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Theo Bộ TT&TT, tình trạng SIM điện thoại kích hoạt sẵn, cung cấp thông tin thuê bao không đúng vừa qua đã góp phần tạo ra tình trạng SIM rác, SIM ảo (đăng ký nhưng không sử dụng). Điều này tồn tại đã lâu do hệ thống phân phối SIM điện thoại hoạt động riêng biệt với mạng lưới cửa hàng đăng ký thông tin thuê bao của nhà mạng. Hơn nữa, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn ở mức thấp.
Hoạt động giám sát hoạt động thu hồi SIM kích hoạt sẵn của Bộ TT&TT đã phát hiện các trường hợp đăng ký thông tin thuê bao không đúng như cung cấp số chứng minh nhân dân (CMND) sai, họ tên và hình ảnh trùng khớp giữa các tài khoản thuê bao khác nhau. Có một số trường hợp “râu ông này cắm cằm bà kia”, người đăng ký là ông Nguyễn Văn A nhưng lại sử dụng CMND của bà Trần Thị C…
Ở lần sửa đổi này, nội dung Nghị định 49 có một số điểm quan trọng, trong đó có quy định thống nhất điểm bán SIM và đăng ký thông tin thuê bao. Việc ký kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sẽ chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ký hợp đồng ủy quyền.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không còn hình thức điểm giao dịch được doanh nghiệp ủy quyền cho các hộ kinh doanh. Hay nói cách khác, theo Nghị định 49, các điểm bán SIM điện thoại, thẻ cào theo dạng kinh doanh nhỏ lẻ của cá nhân hiện nay như sạp báo, tiệm tạp hóa… sẽ không còn.
Lần này, Nghị định 49 cũng đưa ra các mức xử phạt nặng cho từng vi phạm đối với doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, chủ thuê bao viễn thông di động… Đặc biệt, mức xử phạt sẽ rất nặng đối với hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Cụ thể, mức phạt sẽ là 80-100 triệu đồng nếu như các nhà mạng không bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng truy nhập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp để kiểm tra thông tin thuê bao khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không xây dựng quy trình nội bộ để phục vụ công tác rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Đồng thời cũng sẽ phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra còn có các quy định xử phạt việc vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao đối với các nhà mạng. Chẳng hạn như việc phạt 30-40 triệu đồng đối với hành vi bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán SIM thuê bao đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…
Theo quy định mới, trong vòng hai tháng kể từ khi được thông báo cập nhật thông tin mà không thực hiện, nhà mạng sẽ chấm dứt cung cấp dịch vụ cho thuê bao. Ảnh: Chí Thịnh
Kỳ vọng hết tin rác
Nghị định 49 cho phép mỗi cá nhân có thể sử dụng ba số thuê bao di động trả trước cho mỗi nhà mạng. Đối với tổ chức/doanh nghiệp thì phải cung cấp đầy đủ thông tin của mỗi cá nhân sử dụng từng số thuê bao mà tổ chức/doanh nghiệp đó đăng ký. Trước đây, các thuê bao trả trước không cần phải ký hợp đồng với nhà mạng giống như thuê bao trả sau, mà chỉ cần cung cấp thông tin thuê bao như họ tên, số CMND…
Nghị định 49 buộc các nhà mạng phải ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao không đầy đủ thông tin. Cụ thể, nếu thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo tới số di động đó liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo quy định.
Sau 15 ngày mà thuê bao di động vẫn không cập nhật thông tin sẽ bị khóa một chiều, và sẽ bị khóa chiều còn lại nếu 15 ngày tiếp theo thuê bao vẫn chưa cập nhật thông tin. Nhà mạng sẽ gửi thông báo và thực hiện thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ nếu trong vòng 30 ngày tiếp theo, thuê bao đó vẫn không cập nhật thông tin. Nói tóm lại, trong vòng hai tháng kể từ khi được gửi thông báo nhắc cập nhật thông tin mà thuê bao đó không thực hiện, nhà mạng sẽ phải chấm dứt cung cấp dịch vụ cho thuê bao.
Ghi nhận thực tế cho thấy đã có một số người dùng dịch vụ di động đột nhiên bị khóa một chiều hoặc bị cắt số điện thoại do không kịp thời cập nhật thông tin thuê bao khi đã có thông báo nhắc nhở từ nhà mạng. Có trường hợp chỉ sai lệch một chút trong tên đường, hình ảnh CMND hơi mờ.
Nhiều người kỳ vọng, việc ra đời các quy định mới sẽ góp phần kiểm soát thị trường kinh doanh SIM điện thoại chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng sử dụng SIM rác để nhắn tin bừa bãi. Song cũng đã có một số thuê bao di động đã bị khóa một chiều do nhầm lẫn, khiến người sử dụng phải vất vả đi đăng ký nhằm giữ lại số điện thoại quen thuộc.
[box] Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh SIM
Theo Nghị định 49, trong thời gian ba tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24-4-2017), các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý.
Sau thời gian này, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM. [/box]