Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Thuốc “bổ não” có tác dụng ra sao?

BS. Ngô Tuấn Anh(*)

Ngày nay, cùng với áp lực học hành thi cử, không ít các bậc phụ huynh dùng các loại thuốc bổ não, giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ… cho con em mình vì đa phần tin rằng các thuốc đó có tác dụng tăng cường trí nhớ, giúp con em mình học tập tốt hơn. Vậy thuốc bổ não thực sự là gì và tác dụng của chúng đến đâu thì không phải ai cũng biết.

Trước hết, cần khẳng định không có thuốc “bổ não” nào có tác dụng tăng cường trí nhớ cho học sinh như đa số quan niệm hiện nay. Hiện tại, chỉ có các thuốc điều trị trong suy giảm trí nhớ cho một số nhóm bệnh cụ thể như đột quỵ, chấn thương sọ não… và tất cả các thuốc này đều phải được dùng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Một số thuốc trong nhóm thuốc “bổ não” có thể gây nghiện hay lệ thuộc vào thuốc như ritalin, giloba… Các thuốc này có tác dụng kích thích, làm tăng hoạt động của não giúp người dùng cảm giác hưng phấn, khi dùng kéo dài liên tục dễ gây tình trạng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần.

Vào mùa thi, các bậc phụ huynh hay tìm mua thuốc “bổ não” với hy vọng giúp con em mình học hành, thi cử tốt hơn nhưng nếu mua không đúng chỉ định của bác sĩ, “bổ não” có thể thành “hại não”. Ảnh: Đức Tâm
Vào mùa thi, các bậc phụ huynh hay tìm mua thuốc “bổ não” với hy vọng giúp con em mình học hành, thi cử tốt hơn nhưng nếu mua không đúng chỉ định của bác sĩ, “bổ não” có thể thành “hại não”. Ảnh: Đức Tâm

Một số thuốc bổ não phổ biến trên thị trường hiện nay:

Piracetam. Đây là thuốc thuộc nhóm cải thiện chuyển hóa của tế bào thần kinh giúp tăng hoạt động của não. Piracetam tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh nên phần nào có tác dụng tốt lên sự hình thành trí nhớ. Tuy nhiên khi dùng thuốc có thể dẫn đến mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dễ kích động, đau đầu, mất ngủ…

Ginko biloba. Có thành phần từ cây ginko biloba, thuốc có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn ở vùng đầu giúp tăng lưu lượng máu lên não. Vì thế, thuốc được chỉ định khá rộng rãi trong các trường hợp thiểu năng tuần hoàn não, người mất trí nhớ ngắn hạn, suy giảm tâm thần… Các tác dụng phụ của thuốc như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nổi ban dị ứng ở da. Không dùng thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

Vinpocetin. Đây cũng là thuốc được dùng phổ biến hiện nay nhằm tăng cường tuần hoàn não do thuốc có tác động lên chuyển hóa não và tuần hoàn máu cho não. Thuốc có tác dụng bảo vệ thần kinh, kích thích chuyển hóa não, làm tăng vi tuần hoàn não. Vì vậy, thuốc được chỉ định trong các trường hợp rối loạn tâm thần, thần kinh do rối loạn mạch máu não như rối loạn trí nhớ, mất ngôn ngữ, đau đầu… Tuy nhiên, thuốc có thể có các tác dụng phụ như hạ huyết áp tạm thời, rối loạn giấc ngủ, đau đầu hay rối loạn tiêu hóa…

Galantamine. Là thuốc chống sa sút trí tuệ do có tác dụng ức chế acetylcholinesterase, được chỉ định tốt điều trị chứng sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer. Vì vậy thuốc phải được bác sĩ chuyên khoa thần kinh chỉ định và khi dùng cần được theo dõi sát sao. Thuốc có các tác dụng phụ như buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, gây nhịp tim chậm, hạ huyết áp, trầm cảm, mất ngủ…

Cerebrolysin. Cerebrolysin là hợp chất chứa các peptide và acid amin được sản xuất từ protein tinh khiết ở não lợn bằng công nghệ sinh học. Đây là loại thuốc được dùng khá phổ biến. Cerebrolysin thuộc nhóm dinh dưỡng thần kinh, tác dụng lên não theo nhiều cơ chế khác nhau, được chỉ định trong các trường hợp sa sút trí tuệ do mạch não, bệnh Alzheimer, dùng trong giai đoạn cấp và giai đoạn phục hồi chức năng sau đột quỵ hoặc sau chấn thương sọ não. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng quá lạm dụng thuốc này, tự ý mua thuốc để tiêm tại nhà dẫn đến các tác dụng không mong muốn và gây tốn kém về tài chính.

Các loại thuốc bổ não trên hiện nay có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc, nó có rất nhiều chủng loại với các mức giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng. Nếu dùng thuốc không đúng chỉ định hay đúng cách sẽ dẫn đến các tác dụng phụ và hậu quả sẽ rất nặng nề. Không những không thấy “bổ não” mà dễ dàng “hại não”, vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho con em mình. Trí nhớ của học sinh cần rèn luyện qua quá trình học tập và tích lũy chứ không thể dựa vào các thuốc “bổ não”, vì vậy dùng các thuốc trên cho học sinh, mong muốn tăng trí nhớ hay khả năng học tập là điều không cần thiết và nên tránh.

(*) Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối