Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Thuốc tây giả, bắt hoài không hết!

BÌNH AN -

Mặc dù Bộ Y tế siết chặt vấn đề quản lý chất lượng tân dược nhưng tình trạng thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện vẫn không giảm. Tại TPHCM, cơ quan công an đã phát hiện và bắt giữ rất nhiều vụ thuốc giả, từ nằm trong kho đến trên thị trường. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và nỗi lo lắng khi phải đối mặt với thuốc giả.

Thuốc gì cũng làm giả

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TPHCM đã triệt phá nhiều đường dây kinh doanh thuốc giả, bao gồm các loại thuốc như điều trị ung thư, thuốc kháng sinh, giảm đau, ngừa thai, viêm mũi, dị ứng, thuốc Viagra… Cụ thể, vào ngày 23-7 vừa qua, cơ quan này đã bắt hai đối tượng đang vận chuyển các loại thuốc thông dụng đưa đến các đại lý thuốc tây tại TPHCM tiêu thụ, với 140 hộp thuốc giả và 50 lọ thuốc giảm đau, hạ sốt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

tanduoc

Từ hai đối tượng này, cơ quan chức năng đã khám xét một kho hàng nằm trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 6.000 vỉ thuốc, hơn 1.000 lọ thuốc và gần 200 hộp thuốc cùng với 9 kg nhãn mác các loại thuốc đang bán thông dụng trên thị trường như thuốc giảm đau, ngừa thai, viêm mũi, dị ứng…

Cũng trong tháng 7, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) phát hiện và ngăn chặn việc nhập lậu số lượng lớn thuốc tân dược của một công ty có trụ sở tại quận 6. Cơ quan này đã quyết định dừng thông quan đột xuất để kiểm tra thực tế bảy loại thuốc tân dược đặc trị các loại bệnh hiểm nghèo, gồm 367.280 viên các loại, trị giá gần 3 tỉ đồng.

Theo một lãnh đạo của chi cục, các loại thuốc trên là mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, tuy nhiên công ty nói trên lại khai báo tên hàng nhập khẩu là “hộp khuôn đúc bằng sắt dùng cho máy ép nhựa” với số lượng 104 cái, trọng lượng 266 kg. Công ty này đã dùng thủ đoạn truyền tờ khai hải quan nhiều lần cho đến khi tờ khai rơi vào luồng vàng (thuộc diện miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) mới đến làm thủ tục lấy hàng ra khỏi kho.

Cùng thời gian này, thị trường còn xuất hiện thuốc Viagra (thuốc điều trị rối loạn cương dương) của hãng Pfizer bị làm giả. Đại diện hãng Pfizer tại Việt Nam phải đưa ra các khuyến cáo chống hàng giả kèm công nghệ nhắn tin về tổng đài xác minh thuốc dựa trên chuỗi số in trên bao bì.

Trước đó nữa, đầu tháng 3-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 – Công an TPHCM) đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị truy tố hai đối tượng ngụ tại quận 12 về các tội sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả. Hai người này đã vận chuyển 60 hộp thuốc giả, loại điều trị chống nhiễm khuẩn, chuẩn bị đưa vào bán cho các đại lý tại quận 10. Tại cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm chức năng của họ ở quận 12, công an đã thu giữ hàng ngàn viên tân dược với hàng chục loại thuốc khác nhau cùng máy ép nhiệt, máy đóng hạn sử dụng, máy ép vỉ, bao bì, giấy nhôm, nhãn mác, nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất thuốc giả.

[box] Hành vi buôn bán, nhập khẩu thuốc chữa bệnh giả bị xử phạt đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức theo Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ; trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 3, khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự.[/box]

Thuốc giả là thuốc độc

Một cán bộ quản lý dược của Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay thuốc giả, thuốc nhái trên thị trường ngày càng sản xuất tinh vi, phải những người bán thuốc có kinh nghiệm và phản ánh từ điều trị của các bác sĩ và dược sĩ mới phát hiện được. Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể làm từ bột sắn, phấn bảng, bê tông nghiền, axit boric, bột kết dính (bột tacl), bột làm bóng viên (magie-striat)… được bán như thuốc thật.

PGS.DS. Trương Văn Tuấn, khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người bị ảnh hưởng, thậm chí là tử vong, khi sử dụng những loại thuốc giả, nhưng có rất nhiều ca bệnh tại các bệnh viện bị dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc, đặc biệt là nhiều bệnh nhân đã bị kháng thuốc trong điều trị do dùng phải thuốc giả.

Theo DS. Tuấn, thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể làm bệnh nhân bị ngộ độc thuốc với các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ngứa phù toàn thân, buồn nôn, ói mửa và co giật sau 10 đến 15 phút sử dụng. Do đó, khi dùng thuốc, bệnh nhân nên giữ lại nhãn mác, bao bì, hoặc viên thuốc để đề phòng có những triệu chứng trên thì lập tức đưa đi cấp cứu. Ông khuyên bệnh nhân nên đến những nhà thuốc uy tín để mua những sản phẩm tốt và chính hãng.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian qua hơn 100 lô thuốc không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã bị cục đình chỉ lưu hành. Riêng năm 2014, cục đã xử lý, thu hồi 41 lô thuốc không đạt chất lượng và bảy trường hợp thuốc giả. Đầu năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt hơn 60 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng, bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm và đã được nêu trong danh sách thuốc bị đình chỉ, thuốc kém chất lượng.

“Để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục siết chặt công tác kiểm nghiệm và cấp số đăng ký nhập khẩu thuốc. Bên cạnh đó, cục cũng phối hợp cùng với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường”, ông Cường cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối