CHÁNH TÀI -
Các thương hiệu thời trang từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với những thương hiệu thời trang tầm cỡ của phương Tây, trong bối cảnh các tín đồ thời trang ở châu Á ngày càng tự tin với phong cách của bản thân và tự hào khi sử dụng những nhãn hiệu thời trang trong khu vực.
Reuters ghi nhận người tiêu dùng châu Á là đối tượng chi tiêu lớn nhất trong phân khúc thời trang cấp cao toàn cầu, chiếm khoảng 50% tổng khách hàng. Hầu hết họ đều dưới 35 tuổi, sành sỏi Internet và thích săn tìm những thương hiệu thời trang nhỏ nhưng hấp dẫn và độc đáo, giúp họ nổi bật và khác với phong cách thế hệ cha mẹ của họ.
Thời trang châu Á lên ngôi
Nữ ca sĩ Rihanna mặc chiếc váy vàng có đuôi dài lê thê, một sản phẩm của nhà thiết kế Trung Quốc Guo Pei tại dạ tiệc thời trang Met Gala ở New York vào năm ngoái. Ảnh: AP
Các chuyên gia thời trang nhận định chất lượng cao không còn là “đặc quyền” của các thương hiệu xa xỉ ở phương Tây nữa và các thương hiệu thời trang châu Á đang gây sự chú ý khi họ thử nghiệm các chất liệu và các loại vải mới. Mối đe dọa ngày càng lớn từ phương Đông có thể gây thêm “khốn khổ” cho các thương hiệu thời trang cao cấp của phương Tây, đặc biệt là các thương hiệu danh tiếng ở Ý như Prada, Bottega Veneta và Tod’s vốn đang trong tình cảnh doanh thu bị sụt giảm mạnh vì nhiều lý do như giá cao, mở rộng mạng lưới kinh doanh quá mức ở một số thị trường như Trung Quốc và hiện tượng chán ngấy thương hiệu lớn.
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc, chẳng hạn Ms Min và Comme Moi sở hữu nhiều nhãn hiệu thiết kế theo phong cách đương đại đang bán chạy tại chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang cao cấp Lane Crawford ở Trung Quốc và Hồng Kông. Ông Andrew Keith, Chủ tịch của Lane Crawford cho biết chuỗi cửa hàng của ông cũng bán các nhãn hiệu thời trang nam của Hàn Quốc và sắp tới sẽ bán các nhãn hiệu thời trang nữ của xứ sở kim chi. Trong bốn năm qua, Lane Crawford đã nâng số nhãn hiệu thời trang Trung Quốc được đưa vào bán tại chuỗi cửa hàng này từ con số 4 lên hơn 30.
Keith cho biết 20% số đơn hàng đặt mua áo quần mang nhãn hiệu Trung Quốc qua trang web của Lane Crawford đến từ nước ngoài chủ yếu vì “người Trung Quốc sống ở nước ngoài muốn sử dụng các nhãn hiệu này”.
Các thương hiệu thời trang Nhật Bản như Sacai hay Tsumori Chisato cũng được đón nhận nồng nhiệt tại châu Á. Nữ ca sĩ danh tiếng người Mỹ Lady Gaga thường xuyên mang các bộ cánh của thương hiệu thời trang Roggykei (Nhật Bản) mới thành lập vào năm 2006.
Thâm nhập các kinh đô thời trang châu Âu
Với sự tài trợ của tập đoàn lớn, các tuần lễ thời trang xuất hiện ngày càng dày đặc ở Seoul, Tokyo và Thượng Hải, giúp giới thiệu hàng chục thương hiệu thời trang non trẻ. Một số thương hiệu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu len lỏi vào các tuần lễ thời trang ở Milan, Paris và đồng thời khai trương các cửa hàng bán lẻ tại đây.
Nhà thiết kế thời trang Guo Pei ở Bắc Kinh đã giới thiệu bộ sưu tập tại tuần lễ thời trang Paris Couture vào tháng 1-2016. Nữ ca sĩ Rihanna từng gây chú ý khi mặc chiếc váy vàng có chiếc đuôi dài do Guo Pei thiết kế tại dạ tiệc thời trang Met Gala ở New York vào năm ngoái. Trong khi đó, nhãn hiệu giày guốc Trung Quốc Stella Luna với các đôi guốc cao gót giá hơn 500 euro đã khai trương ba cửa hàng tại Paris.
Nhà thiết kế thời trang người Pháp gốc Trung Quốc Yiqing Yin, 31 tuổi, đang sở hữu các nhãn hiệu được bán rộng rãi ở Trung Quốc, New York và Paris. Cô từng giành được nhiều giải thưởng thời trang danh giá tại châu Âu và được giới báo chí trong lĩnh vực thời trang ca ngợi là một trong những nhà thiết kế triển vọng nhất trong thế hệ của cô. Uma Wang, một nhà thiết kế thời trang gốc Trung Quốc khác, đang bán các sản phẩm của mình tại Trung Quốc và châu Âu, bao gồm ở chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp l’Eclaireur ở Paris. Cô từng tham gia giới thiệu bộ sưu tập thời trang tại tuần lễ thời trang Milan (Ý).
Trong khi đó, thương hiệu thời trang nổi tiếng Hàn Quốc SJYP cũng được bán tại châu Âu và Mỹ.
Đe dọa các thương hiệu phương Tây
“Trước đây, nhiều người châu Á nghĩ rằng hàng hóa cao cấp phải có xuất xứ từ phương Tây. Nhưng họ đang ngày càng trở nên tinh tế, hiểu biết hơn và nhiều người trong số họ quan tâm đến các nhà thiết kế thời trang trong khu vực đã xác lập được phong cách độc đáo và quan điểm riêng”, bà Lee Seo-hyun, Chủ tịch của bộ phận thời trang Công ty Samsung C&T và là con gái của Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee cho hay.
Samsung C&T là một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thời trang đang phát triển mạnh mẽ ở Seoul. Hàng năm, công ty này bỏ ra 100.000 đô la để hỗ trợ 2-3 nhà thiết kế phát triển các bộ sưu tập của mình và kể từ năm 2005, công ty đã đầu tư 2,7 triệu đô la cho 19 đội ngũ thiết kế thông qua Quỹ Thiết kế và Thời trang Samsung. Bộ phận thời trang của Samsung đang sở hữu thương hiệu uy tín từ Bean Pole (Hàn Quốc) cho đến Ann Demeulemeester (Bỉ).
Sung-Joo Kim, nữ doanh nhân Hàn Quốc đang sở hữu và điều hành thương hiệu đồ da cao cấp MCM (Đức), cho rằng các thương hiệu châu Á sáng tạo nhiều sản phẩm chăm sóc tốt hơn cho vóc dáng nhỏ bé của phụ nữ châu Á so với các thương hiệu phương Tây.
Erwan Rambourg, nhà phân tích hàng hóa của Ngân hàng HSBC nhận định các thương hiệu trong lĩnh vực xa xỉ phẩm châu Á dù vẫn còn nhỏ và chưa được biết đến rộng rãi, đang nhanh chóng trở thành các đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với các thương hiệu phương Tây.