Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Thương mại điện tử: đâu chỉ là thiếu người

(SGTT) - Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), công ty cung ứng giải pháp công nghệ TMĐT... tại Việt Nam đều cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự thích hợp.

Văn phòng làm việc của sàn TMĐT Tiki.vn.

Các nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự lớn tại Việt Nam cho biết luôn nhận được nhu cầu tuyển mới nhân sự số lượng lớn liên quan đến mảng TMĐT với những yêu cầu cụ thể vị trí làm việc trong thời gian qua. Và việc tuyển dụng ở mảng TMĐT trong tương lai sẽ còn gay gắt hơn khi ngành này tiếp tục đà tăng trưởng 30% mỗi năm dẫn đến cung không đủ cầu – nghĩa là không đủ người mà người cũng không đáp ứng được kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu.

Các kỹ năng được tìm kiếm nhiều

Theo Sách trắng TMĐT 2019, trong một số ngành nghề, vị trí làm việc sẽ khó tuyển có kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT; kỹ năng quản trị trang web và sàn TMĐT; kỹ năng xây dựng kế hoạch, xây dựng dự án TMĐT... Còn các vị trí làm việc khác như cài đặt ứng dụng, khắc phục sự cố của máy tính; tiếp thị số (digital marketing); triển khai thanh toán trực tuyến... cần có những kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT) doanh nghiệp ít gặp khó khăn trong tuyển dụng hơn. Mặt khác, kết quả khảo sát về nguồn lực của doanh nghiệp trong Sách trắng TMĐT 2019 cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng người lao động có kỹ năng về TMĐT và CNTT đang giảm dần từ mức 31% trong năm 2017 xuống còn 28% trong năm 2018.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp TMĐT đã chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo kỹ năng TMĐT... để đào tạo và tuyển dụng nhân sự theo yêu cầu. Ở chiều ngược lại, một số cơ sở đào tạo kỹ năng TMĐT (marketing trực tuyến, kinh doanh trực tuyến...) cũng chủ động yêu cầu phối hợp với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đào tạo theo đúng yêu cầu thực tế. Một số doanh nghiệp TMĐT lớn như Lazada, Shopee, Tiki... cũng mở ra trung tâm hỗ trợ các quản trị viên TMĐT mới vào nghề; vừa làm, vừa đào tạo bổ sung. Đây sẽ là lực lượng lao động cần thiết cho việc phát triển ngành TMĐT trong tương lai.

Quy mô nhân sự TMĐT tăng 15% hằng năm
Theo số liệu thu thập của iPrice, từ quý 4-2016 đến quý 3-2018, quy mô nhân sự tại năm công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực Đông Nam Á gồm Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia tăng với tỷ lệ 15% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế trực tuyến Đông Nam Á (khoảng 10% mỗi năm theo dự báo của Google); vượt xa các ngành kinh tế truyền thống.
Trong các công ty TMĐT, bộ phận có nhu cầu nhân sự lớn nhất là vận hành hoạt động (Operations); tiếp đến là các bộ phận tiếp thị, kỹ thuật và CNTT. Đặc biệt, nhân tài trong các chuyên ngành công nghệ, như lập trình phần mềm, tiếp thị số, khoa học dữ liệu hoặc tiếp thị sản phẩm… sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty TMĐT và đang được săn đón.

Đào tạo TMĐT tại các trường: còn quá hẹp

Theo Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM – nơi có bộ môn TMĐT, TMĐT là một lĩnh vực sử dụng công nghệ để hoạt động kinh doanh nên so với kinh doanh truyền thống chỉ khác về phương tiện hoạt động. Do đó, nhân sự trong hoạt động TMĐT phải thành thạo, am hiểu về công nghệ, kỹ năng kinh doanh, tiếp thị trực tuyến... trong toàn bộ quy trình đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, từ quảng bá, phân phối đến việc tiếp thị, mua bán, thanh toán.

Hiện nay, các trường đại học, trung tâm đào tạo kỹ năng TMĐT... chủ yếu đào tạo hai chuyên ngành chính là kinh doanh trực tuyến và tiếp thị trực tuyến. Sau khi học xong chương trình, sinh viên sẽ có khả năng xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh điện tử và các dự án TMĐT tại doanh nghiệp; xây dựng, phát triển và quản trị các trang web và các sàn TMĐT; khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT; sử dụng các công cụ tiếp thị số để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhân sự này sẽ phải am hiểu việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động TMĐT, như các yếu tố pháp lý trong TMĐT, thanh toán điện tử, bảo mật và an toàn thông tin trong giao dịch TMĐT…

Về lâu dài, các doanh nghiệp TMĐT cho rằng các trường đại học có khoa, bộ môn TMĐT cần đổi mới các chương trình đào tạo, điều chỉnh phương thức đào tạo theo hướng gắn liền với xu thế phát triển công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0. Các giáo trình TMĐT cần được liên tục cập nhật, ghi nhận các thay đổi mới nhất về TMĐT (được đào tạo ở các trường đại học trên thế giới) để sinh viên nhanh chóng tiếp cận bức tranh TMĐT toàn cầu.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của TMĐT trong xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực đạt yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng đối với các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

Minh Chí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối