Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Thương mại điện tử hút nhà bán lẻ

Chí Thịnh -

Các nhà bán lẻ như Lotte.vn, Thế giới Di động, FPT Shop... đang tăng cường đầu tư cho mảng bán hàng trực tuyến (online), khai thác sâu hơn kênh bán hàng này. Đây cũng là một giải pháp để tăng doanh thu nhanh bên cạnh việc phát triển kênh bán hàng truyền thống (offline) của các nhà bán lẻ hiện nay.

fpt-shop-moban-iphone7-02Nhân viên đang giới thiệu cho khách mẫu iPhone 7 tại chuỗi bán lẻ FPT Shop.

 

Đa dạng kênh bán hàng

Hệ thống siêu thị Lotte (Hàn Quốc) đã mở rộng kênh bán hàng bằng cách tổ chức sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lotte.vn trong tháng 10 qua. Bên cạnh nguồn hàng chủ lực từ các siêu thị Lottemart và các trung tâm thương mại Lotte Center, Lotte.vn còn ký kết hợp tác với nhiều đối tác tham gia mở gian hàng trên sàn TMĐT này. Trong giai đoạn đầu, sàn này chỉ tập trung vào những ngành hàng chủ yếu như thời trang, sức khỏe, làm đẹp, điện tử...

Ông Seo Tae Ho, Tổng giám đốc trang web mua sắm Lotte.vn, cho biết giá bán sản phẩm được niêm yết tại trang sẽ ngang với giá thị trường hoặc thậm chí rẻ hơn, nhờ công ty mua hàng số lượng lớn từ nhà cung cấp. Đồng thời, Lotte.vn cũng sẽ triển khai các chiến dịch khuyến mãi độc quyền, cam kết đổi trả hàng trong 14 ngày… để thu hút khách.

Đại diện Lotte.vn cũng cho biết công ty đặt mục tiêu có được 20% thị phần trong tương lai, cạnh tranh với các trang web thương mại điện tử lớn như Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn, Adayroi.com…

Trong khi đó, theo đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), bên cạnh hoạt động kinh doanh ở kênh bán hàng offline Saigon Co.op sẽ có thêm kênh bán hàng trên ti vi như HTV Co.op, chuỗi bán hàng TMĐT... Hiện tại, Saigon Co.op đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động kinh doanh TMĐT, phát triển giải pháp bán hàng đa kênh có sự phối hợp giữa các siêu thị bán hàng offline và trang bán hàng online.

Theo kết quả ghi nhận từ một số hệ thống bán lẻ như Thế giới Di động, FPT Shop, điện máy Thiên Hòa… thì mức tăng trưởng của kênh bán hàng online trong mấy năm gần đây đạt 125-200%. Mặc dù tỷ trọng bán hàng online của các nhà bán lẻ này vẫn ở mức thấp (khoảng 5-10%) nhưng kênh bán hàng online đã góp phần tích cực trong việc tăng cường khâu truyền thông thương hiệu, hướng khách hàng tới mua sắm ở cửa hàng.

Đó cũng là lý do khiến cho Thế giới Di động mở hẳn một sàn giao dịch TMĐT có tên gọi vuivui.com, dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 12 này. Dựa trên nguồn lực tổng hợp từ các kênh bán lẻ Thegioididong.com, Điện máy xanh và Bách hóa xanh, Thế giới Di động sẽ ký kết hợp tác với nhiều nhãn hàng, nhà phân phối, doanh nghiệp bán hàng online… để tạo ra nguồn hàng đa dạng hơn cho vuivui.com.

Tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, được thông tin trên trang web Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ tại Việt Nam đạt trên 10%/năm; tỷ trọng doanh thu từ phương thức bán lẻ truyền thống chiếm 80%, kênh bán lẻ hiện đại chiếm 20%, trong đó TMĐT chỉ chiếm khoảng 2,8%, thấp hơn nhiều so với mức 12% của TMĐT tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu doanh thu từ lĩnh vực TMĐT đạt 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm 5% tỷ trọng của ngành bán lẻ cả nước vào năm 2020. Doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở các tỉnh, thành; hiện tại Hà Nội và TPHCM vẫn đang đứng đầu về doanh thu mảng kinh doanh TMĐT.

 “Cày sâu” vào mảng online

lotte_imgpr_no35Nhà bán lẻ Lotte kinh doanh trực tuyến trên trang web Lotte.vn lẫn ứng dụng di động.

Hiện các nhà sản xuất điện thoại di động, laptop… đang tận dụng kênh bán hàng online để tung ra các đợt bán hàng thăm dò kiểu flash sale (bán sản phẩm trong thời hạn ấn định với mức giá ưu đãi). Đây là cơ hội bán hàng online của các chuỗi bán lẻ, chẳng hạn FPT Shop đã nhanh tay phối hợp với một số nhà sản xuất để khai thác mảng kinh doanh này.

Chuỗi bán lẻ FPT Shop đã đầu tư vào lĩnh vực TMĐT, doanh thu 10 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1.000 tỉ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch dự kiến của FPT Shop, doanh thu mảng TMĐT năm 2017 sẽ tăng gấp đôi so với năm nay.

Trong khi đó, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu online trong năm 2016 lên hơn 3.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (1.650 tỉ đồng). Hiện doanh thu bán hàng online của Thế giới Di động chỉ mới chiếm khoảng 10% so với tổng doanh thu bán hàng toàn hệ thống (kênh bán hàng offline và online), nhưng chuỗi bán lẻ này hứa hẹn sẽ tăng nhanh doanh thu mảng TMĐT từ nay cho tới năm 2020.

Các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh việc phối hợp giữa các kênh bán hàng khác nhau như bán hàng trên  trang web truyền thống (PC và Mobile web), bán lẻ tại cửa hàng và bán hàng qua ứng dụng di động. Một số nhà bán lẻ còn đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt có sự phối hợp giữa kênh bán hàng online (khách chọn lựa sản phẩm, đặt hàng), sau đó tới cửa hàng xem hàng hóa và nhận hàng.

Sức mạnh của nhà bán lẻ nằm ở chỗ chuỗi cửa hàng bán lẻ phủ rộng, điều này sẽ giúp hoạt động giao nhận của họ tốt hơn so với các sàn TMĐT khác. Như việc Thế giới Di động cam kết giao hàng trong phạm vi nội thành trong vòng 30 phút hoặc FPT Shop giao hàng trong vòng 60 phút cũng dựa vào thế mạnh là kho hàng được chuẩn bị sẵn ở nhiều khu vực khác nhau.

Việc các nhà bán lẻ mở rộng kênh bán hàng sẽ là tín hiệu tốt cho ngành TMĐT và cũng là sự thuận lợi cho những người thích mua hàng trên mạng. Chất lượng sản phẩm, sự đa dạng hàng hóa, thêm trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng bán lẻ sẽ là những điểm cộng cho các nhà bán lẻ vốn có nhiều kinh nghiệm bán hàng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối