Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Thương mại điện tử: Nghịch lý các đơn hàng từ Trung Quốc-giao hàng nhanh, cước vận chuyển rẻ

(SGTT) - Người tiêu dùng Việt Nam những năm gần đây có khuynh hướng muốn đặt mua hàng trực tuyến (online) từ Trung Quốc hơn so với mua hàng trong nước vì được nhận hàng nhanh và cước vận chuyển rẻ. Đây là một thực tế và cũng là một nghịch lý có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.

So với mua hàng online ở trong nước, mua ở nước ngoài, cụ thể là ở Trung Quốc, sẽ được nhận hàng nhanh, phí vận chuyển rẻ, đôi khi được miễn phí là một thực tế đầy nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ: khi mua hàng trong nước có cự ly vận chuyển gần hơn, không phải mất thời gian làm các thủ tục hải quan, nhập khẩu nhưng thời gian giao hàng chậm hơn và cước phí vận chuyển lại đắt hơn. Câu hỏi đặt ra: Các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh gì để đánh bật các doanh nghiệp Việt Nam ngay chính trên thị trường mà mình có nhiều thế mạnh?

Kết hợp cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm

Trước tiên, phải nói đến các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều thập kỷ nay đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất nhiều. Các chính sách này đã bị nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, EU và WTO chỉ trích vì bị cho là cạnh tranh không lành mạnh. Thông qua các chính sách hỗ trợ bằng tiền, ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, cho vay lãi suất thấp, ưu đãi giá thuê đất… Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình phủ sóng toàn cầu.

Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử (e-commerce) là mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ Trung Quốc hướng tới nên các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ chính sách nhất quán này. Không những chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chẳng hạn, chính quyền Hàng Châu mới đây đã dự trù ngân sách lên đến 5 tỉ nhân dân tệ (tương đương 750 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử. Các doanh nghiệp thương mại điện tử có doanh thu trên 20 triệu nhân dân tệ và có mức tăng trưởng trên 20% trong vòng ba năm sẽ được nhận khoản hỗ trợ lên đến 1 triệu nhân dân tệ. Các cơ sở đào tạo nhân tài cho ngành thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ lên đến 300.000 nhân dân tệ(1). Chính nhờ chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các chính quyền địa phương nên các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Trung Quốc có điều kiện để cắt giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là cắt giảm chi phí vận chuyển để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Một trong những lý do khiến các đơn hàng online từ Trung Quốc nhanh hơn trong nước là nhờ hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc ở Trung Quốc phát triển vượt bậc, kết nối nhiều địa phương, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển. Trung Quốc hiện có hệ thống đường cao tốc dài nhất thế giới với trên 177.000 ki lô mét (năm 2022) nối liền nhiều trung tâm thương mại, khu công nghiệp và tất cả các địa phương(2). Với hệ thống cao tốc thuận lợi như vậy thì việc vận chuyển các đơn hàng từ sâu trong nội địa Trung Quốc về đến Việt Nam nhanh hơn vận chuyển từ Hà Nội đi Sài Gòn là chuyện không có gì lạ vì hệ thống cao tốc Việt Nam còn hạn chế, chưa thông suốt từ Bắc tới Nam nên tốc độ bị hạn chế.

Về mặt công nghệ, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc đều sử dụng các dây chuyền phân loại hàng hóa tự động hóa hoàn toàn, sử dụng phần lớn là robot để nhận diện, phân loại, đóng gói, dán nhãn hàng hóa. Các công đoạn của khâu hoàn thiện đơn hàng (Order fulfillment) từ khi nhập kho, phân loại, lưu kho, quét mã sản phẩm… đến khi xuất kho giao cho người mua đều được xử lý tự động hóa với sự hỗ trợ của robot nên sẽ rút ngắn thời gian phân loại hàng hóa, giúp giao hàng nhanh hơn.

Trong khi đó tại Việt Nam, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lớn, như Lazada, Viettel, Giao hàng nhanh… đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động, các doanh nghiệp còn lại đều phân loại hàng hóa thủ công hoặc bán tự động. Việc phân loại hàng hóa thủ công mất rất nhiều thời gian và dễ xảy ra nhầm lẫn nên sẽ kéo dài thời gian giao hàng.

Hệ thống phân phối cũng đóng vai trò rất lớn trong việc rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Trung Quốc, với tiềm lực tài chính của mình và sự hỗ trợ của Chính phủ đã thiết lập một hệ thống kho, trung tâm phân phối đều khắp trên cả nước nên khi có đơn hàng họ sẽ nhận hàng ở trung tâm phân phối gần người mua nhất. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội xây dựng các hệ thống kho, trung tâm phân phối gần sát biên giới Việt Nam nên việc giao hàng cho người mua tại thị trường Việt Nam sẽ nhanh chóng và chi phí vận chuyển thấp. Không loại trừ trường hợp các đơn hàng bị lỗi, người mua không nhận (reserve logistics) cũng sẽ được lưu kho tại Việt Nam và khi có người mua mới đặt hàng, hàng đó sẽ được giao hàng nhanh hơn và có thể được miễn phí vận chuyển vì người bán tiết kiệm chi phí hơn so với trả hàng về Trung Quốc cho người bán hoặc nhà sản xuất.

Vai trò của Chính phủ là rất lớn

Từ phân tích trên, có thể thấy Chính phủ đóng một vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử nói riêng và logistics nói chung.

Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 163/2022/NQ-CP ban hành ngày 16-12-2022 gắn dịch vụ logistics với phát triển thương mại, đề ra những nhiệm vụ cấp bách để phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn liền với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước.

Tuy nhiên để các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics trong nước có lợi thế cạnh tranh, đủ sức đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ cần chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các doanh nghiệp thương mại điện tử: ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, giá thuê đất, thuê kho bãi, hỗ trợ về mặt đào tạo, công nghệ… để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử có thể cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực canh tranh.

Đối với hạ tầng giao thông, việc xây dựng và hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam, các tuyến cao tốc nối các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể rút ngắn thời gian giao hàng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, thời gian giao hàng là yếu tố quyết định ý định mua hàng và sự hài lòng của người mua. Cải thiện thời gian giao hàng sẽ tăng số lượng đơn hàng, gia tăng được doanh thu và số lượng khách hàng. Vì vậy, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm đưa các dự án cao tốc đã và đang được phê duyệt hoàn thành đúng hạn và nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Đối với hệ thống phân phối, doanh nghiệp có nhiều trung tâm phân phối sẽ có điều kiện giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển thấp. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc quy hoạch và có các chính sách ưu đãi xây dựng các trung tâm phân phối, các trung tâm logistics ở các địa phương với giá thuê kho ưu đãi, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng cần có chiến lược phát triển hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh thành bằng chính năng lực tài chính của mình hoặc thông qua hợp tác với các doanh nghiệp đối tác.

Cuối cùng, đầu tư đổi mới công nghệ chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí vận chuyển. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng, đầu tư các dây chuyền tự động hóa phân loại hàng hóa, đặc biệt với sự tham gia của robot trong các khâu nhận diện, phân loại, đóng gói, lưu kho… hàng hóa. Với hệ thống phân loại hàng hóa thủ công, lạc hậu hiện nay của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng online thì câu chuyện rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển e là vẫn còn rất xa vời.

TS. Võ Duy Nghi

Viện Quản trị và Công nghệ FSB – Đại học FPT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối