(SGTTO) - Tôi nghe nhiều người bảo đến Đà Lạt nên ăn thử bánh ướt lòng gà, phần vì tò mò muốn biết món này ra sao, phần vì trước giờ chỉ ăn bánh ướt chả hay nem nên muốn thử món mới. Thế là tôi thẳng tiến đến đường Tăng Bạt Hổ, phường 1, thành phố Đà Lạt - nơi được mệnh danh là con đường ẩm thực của thành phố và “tiệm nào bán cũng ngon”.
Ngày tôi đến Đà Lạt, trời cứ mưa liên tục và chỉ hơi tạnh vào ban đêm nên tôi cũng không quan tâm lắm các đánh giá của cư dân mạng về quán ăn, tôi cứ chọn ngay một quán nằm ở đầu đường Tăng Bạt Hổ khi thấy nó đầu tiên.
Tôi gọi một tô bán ướt lòng gà thông thường với giá 35.000 đồng. Ấn tượng đầu tiên là tô bánh ướt này được trang trí rất hấp dẫn, nước chấm đã được chan sẵn và đáy tô vẫn còn âm ấm. So với tên gọi bánh ướt lòng gà thì dường như phần ăn này chỉ có mề gà và nhiều thịt gà hơn là lòng, nhưng cũng có thể do mỗi quán có cách bày bán khác nhau để tạo nét riêng cho món bánh ướt của mình.
Cách bày trí tô bánh ướt đơn giản nhưng khá đẹp mắt, miếng bánh ướt trăng trắng, bên trên là thịt gà xé phai và mề gà luộc chín cắt nhỏ, được trộn nhiều loại gia vị như: muối tiêu, đường, bột ngọt cùng hành tây cắt lát mỏng, có thêm tiêu xay nhuyễn và hành tím phi giòn, màu sắc trông khá hài hòa. Điểm tô thêm cho tô bánh ướt là một vài cọng rau thơm và màu vàng nhạt của nước chấm ở phía đáy tô.
Tôi gặp cô Phan Thị Xuân, chủ cửa hàng bánh ướt lòng gà – bánh căn SYM để hỏi thêm về món ăn lạ miệng này. Cô Xuân cởi mở chia sẻ và bảo tuy quán chỉ mới mở cửa trong vài năm gần đây nhưng rất được lòng thực khách.
Cô nói rằng bánh ướt lòng gà tại quán cô dùng mề gà và thịt gà là chủ yếu, ngoài ra còn có thêm trứng non khi khách gọi thêm. Quán chọn gà nuôi vườn để thịt được ngọt, có độ dai, mềm vừa phải, khi ăn cùng mề gà giòn sẽ không bị ngán.
Ngoài ra, nước chấm là một thành phần khá quan trọng để làm nên tô bánh ướt lòng gà ngon, nước chấm tại quán được pha theo kiểu nước mắm ngọt, gồm giấm đường, mắm cốt… Nước mắm cốt có có vị mặn ngọt hài hòa, mặn trước ngọt sau nên sẽ tạo nên nét đặc biệt cho món ăn.
“Quán mình trộn chung nước chấm vào tô bánh ướt để nước chấm ngấm vào bánh lâu hơn, miếng bánh được ngon hơn. Với lại, nước chấm quán mình được đun trên bếp nên luôn giữ được độ nóng, khi chan vào sẽ làm miếng bánh ấm hơn, không bị lạnh, thực khách cũng dễ ăn hơn so với bánh ướt lạnh”, cô Phan Thị Xuân giải thích thêm.
Giá bánh ướt ở quán cô được bán với giá 35.000 đồng/phần và được duy trì nhiều năm nay không đổi. Nếu khách gọi thêm lòng gà, thịt, trứng non sẽ trả thêm từ 10.000 – 30.000 đồng tùy phần ăn.
Một số quán bánh ướt lòng gà khác cũng bán với giá tương tự, nhưng mỗi quán sẽ có cách biến tấu món bánh ướt cho riêng mình. Có quán thì tô bánh ướt sẽ có thêm các nguyên liệu như tim heo, cật heo, gan gà… Những người yêu thích món bánh ướt lòng gà nhận xét rằng tô bánh ướt ngon không nằm ở nước chấm mà sẽ phụ thuộc vào cách chế biến lòng gà ăn cùng, nghĩa là khâu tẩm ướp, sơ chế lòng phải thật kỹ, không để lại mùi. Và tôi thấy rằng, tô bánh ướt tôi vừa ăn đã có hết thảy những điều kiện đó.
Con đường Tăng Bạt Hổ còn nối dài không chỉ bởi những hàng quán bánh ướt lòng gà, mà ở đó người ta còn bán bánh căn, bánh mì xíu mại, sữa đậu nành nóng ăn kèm các loại bánh ngọt… Riêng tôi, ăn xong bánh ướt tôi còn loanh quanh thêm vài quán ăn nhẹ và uống thêm sữa đậu nành nóng, giá cả của món ăn thì rất biết quan tâm đến túi tiền của thực khách. Con đường này đích thực là điểm đến cho những tín đồ yêu thích ẩm thực tại thành phố ngàn hoa.
Huỳnh Nhi