Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Thương tổn ở gân achilles

(SGTT) - Gân là một dải sợi chắc nối cơ với xương. Trong cơ thể người, gân Achilles - gân gót chân - là gân lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể, nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất.

Việc phục hồi tổn thương gân Achilles thường chậm, cần kiên nhẫn thực hiện luyện tập kết hợp vật lí trị liệu.

Trong thần thoại Hy Lạp, Achilles là nhân vật trung tâm và là chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy. Achilles có một cơ thể không thể bị thương ngoại trừ gót chân, và Achilles đã chết vì bị thương ở gót chân, từ đó có câu thành ngữ “gót chân Achilles” thường dùng để nói về điểm yếu chết người của mỗi người.

Trong thực tế, gân Achilles - gân gót chân - là sợi gân kết nối cơ bắp chân vào gót chân, có vai trò co giãn để giúp cho bàn chân duỗi thẳng và gập lại, ngay cả khi đứng thẳng. Vì vậy, gân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể người và rất khỏe, có thể chống chịu một lực lên đến 4.500 Newton. Và cũng vì phải chống đỡ gần như cả cơ thể khi vận động, gân Achilles lại là phần gân dễ bị rách nhất.

Nguyên nhân của những tổn thương gân Achilles

Tổn thương rách gân Achilles có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là do lỗi tập luyện. Việc đột ngột tăng cường hoạt động, bắt đầu tập luyện sau một thời gian dài kém hoạt động, hoặc vận động trên mặt đường gồ ghề, không bằng phẳng. Tình trạng này đặc biệt thường xảy ra ở người trong độ tuổi 40-50 tham gia chơi thể thao ở mức độ nặng sau một thời gian dài bỏ bê.

Ngoài ra, các tổn thương gân Achilles còn liên quan đến những vấn đề về tư thế hay do giày dép kém thích hợp để nâng đỡ phần gót chân. Ví dụ, gần một phần ba những phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót thường xuyên bị những tổn thương do thói quen này mang lại. Trong đó, tình trạng tổn thương gân Achilles là rất phổ biến. Nguyên nhân là do việc đi dày cao lâu ngày khiến gân Achilles thường xuyên co ngắn lại, dần mất khả năng duỗi ra. Vì thế, khi bạn chuyển sang di giày dép bệt, gân này phải giãn mạnh ra, gây đau đớn, viêm và rách gân.

Gân Achilles có thể bị rách hoặc đứt một phần hay toàn bộ do các động tác nhảy, gập mạnh bàn chân vào cẳng chân, hay do một chấn thương tác động trực tiếp lên gân Achilles. Một số loại thuốc, ví dụ như kháng sinh nhóm quinolone cũng có thể làm gia tăng nguy cơ rách gân này.

Triệu chứng và phương pháp điều trị

Triệu chứng thường gặp của rách gân Achilles là đau chói phần dưới bắp chân ngay thời điểm chấn thương. Khi đó, việc bước đi mà không đau là điều gần như không thể, đặc biệt khi cố chống các ngón chân. Sưng nề bắp chân xảy ra, và bắp chân trở nên căng cứng. Đứng trên các đầu ngón chân của chân bị tổn thương cũng là điều bất khả thi.

Các bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng để chẩn đoán rách gân Achilles. Người khám sẽ thực hiện nghiệm pháp Thompson, hay nghiệm pháp bóp chặt. Bệnh nhân được cho nằm sấp trên bàn khám bệnh, hai chân để tự do, bác sĩ khám bệnh sẽ bóp mạnh hai bắp chân. Với gân Achilles không tổn thương hay chỉ tổn thương một phần, việc bóp chặt cơ bắp chân sẽ làm duỗi cổ chân. Nếu gân Achilles bị đứt hoàn toàn, việc bóp cơ bắp chân sẽ không thể tạo ra bất kỳ cử động nào của cổ chân.

Đứt gân Achilles thường phải được điều trị bằng phẫu thuật, mặc dù thỉnh thoảng chỉ cần bó bột. Nếu các đầu gân có thể tự nối lại với nhau mà không cần phẫu thuật, thì việc bó bột đòi hỏi duy trì 10-12 tuần, với hai lần thay bột, sau đó sẽ tháo bột để dùng dụng cụ nâng gót chân. Nếu phải mổ, thì sau khi phẫu thuật, bàn chân cũng sẽ được bất động bằng bó bột ở vài vị trí khác nhau. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân dùng miếng nâng/chêm gót chân hoặc mang giày có gót cao thêm một thời gian sau khi đã tháo bột bó ở chân.
Việc phục hồi thường chậm, trung bình phải mất đến sáu tháng. Tin mừng là nếu luyện tập và tập vật lý trị liệu đúng theo hướng dẫn thì hầu hết các bệnh nhân đứt gân Achilles có thể phục hồi hoàn toàn.

Những điều lưu ý

Khi bị đứt/rách gân Achilles, bạn nên chú ý uống thuốc theo toa của bác sĩ. Cần bảo vệ tốt băng bột chân của bạn. Việc này rất quan trọng để bảo vệ gân cho đến khi thương tổn lành trở lại. Người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi sức cơ và tầm vận động của cổ chân. Cần phải hết sức phòng ngừa nguy cơ tiếp tục bị tổn thương gân lần nữa. Nếu bạn chỉ bị rách gân một phần, bạn phải tuân thủ chính xác lịch tập phục hồi. Nếu gân bị căng quá mức, thì một tổn thương rách bán phần có thể chuyển thành rách toàn phần.

Nếu bột chân bị hư hoặc bạn lại bị một chấn thương khác, cần tham vấn ngay với bác sĩ. Một trường hợp cần chỉ dẫn của bác sĩ ngay nữa là khi bạn cảm thấy đau hơn tại bắp chân, không thể đi hoặc đứng trên các đầu ngón chân, hoặc sưng nhiều hơn ở vị trí bị tổn thương.

Người bị tổn thương gân Achilles không nên tự tháo hoặc làm hư băng bột ở chân. Nếu làm vậy, việc điều trị phải bắt đầu lại và làm kéo dài thời gian hồi phục. Không nên cố gắng làm các động tác gây áp lực lên gân Achilles, hãy chờ cho đến khi nó lành hẳn. Đặc biệt, không được tiêm thuốc corticosteroides - một loại dược phẩm kháng viêm - xung quanh vùng gân Achilles, làm gia tăng nguy cơ rách gân Achilles.

BS. Trần Lê Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối