Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Thương từ cội rễ…

(SGTT) - Cậu chủ trang trại du lịch đâu có biết rằng những vị khách nhớ mà quay lại chính là vì nụ cười móm mém, sự nghễnh ngãng, đãng trí của bà cụ – một người già nhiệt tình chỉ đường cho khách mà chỉ sai nhưng những cung đường trong trí tưởng tượng đó của bà lại đưa họ đến những nơi tuyệt đẹp mà chủ trang trại du lịch còn không biết.

Các bạn nhỏ vui đùa cùng thú cưng tại trang trại Bay Farm tại Đà Nẵng. Ảnh: Cáp Kim

Cậu chủ thường nhắc tụi nhỏ nhớ canh chừng, đừng để bà cụ đi lang thang ra ngoài ăn nói linh tinh. Thật ra chẳng có gì phải giấu diếm du khách đến với hợp tác xã du lịch nông nghiệp sinh thái này. Mọi thứ đều được làm chỉn chu, ngoài đầu tư sản phẩm nông nghiệp sạch, cậu chủ còn phải đích thân cắp sách đi học bài bản ngay từ bước đầu tiên. Chẳng qua là cậu sợ bà cụ hay đi loanh quanh gặp ai hỏi đường cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Mà bà thì đãng trí, đường về nhà còn nhớ nhớ quên quên, khối hôm tụi nhỏ phải đi tìm phát ốm.

Chuyện đấy xảy ra thường xuyên. Khách hỏi đến vườn nho bà cụ chỉ ra hướng ao hồ. Khách bảo muốn đi ra suối để được đàn cá mát xa chân, bà cụ chỉ lòng vòng đến ngay nông trại kiến vàng. Có lần chẳng biết bà cụ chỉ kiểu gì, khách đi lòng vòng lại thấy mình trở về điểm cũ. Thấy bà cụ vẫn đang ngồi sưởi nắng, khách thử hỏi lại địa chỉ khi nãy xem sao thì nhận được thêm một bản đồ chỉ đường trong tưởng tượng. Cậu chủ nghe khách kể lại thì giãy nảy: “Thế có khổ không. Người ta chẳng vẫn nói đi hỏi già về nhà hỏi trẻ, ấy thế mà…”.

Làm du lịch sinh thái tưởng dễ mà rất khó, khi loại hình này đang ngày càng phát triển với nhiều điểm đến thú vị, mang tính đặc trưng, độc đáo. Nên cậu chủ luôn tâm niệm mình phải chỉn chu từng chút một. Việc bà cụ chỉ sai đường chắc sẽ khiến du khách phiền lòng. Biết đâu một chuyện nhỏ nhoi ấy cũng là cái cớ để họ không bao giờ quay lại. Rồi biết đâu một lại đồn mười…

Cậu chủ sau khi tham gia hai khóa học “Cộng hưởng hệ sinh thái gia tăng giá trị cho đầu ra” và “Nội lực và ngoại lực, trụ cột xây dựng thương hiệu bền vững”, đã nhận ra rằng: muốn phát triển du lịch bền vững ngoài dựa vào thế mạnh nông sản thì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng.

Trước khi về cắm rễ ở quê hương, nung nấu mơ ước làm giàu từ du lịch, cậu cũng từng đi đây đó khắp nơi. Lúc hòa mình trong dòng khách du lịch, cậu phát hiện ra du khách chẳng mấy thiết tha đến các lễ hội hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng ngàn người. Khách du lịch chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Mà thứ bản sắc văn hóa nằm trong chính cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người. Sự gần gũi, thân thiện hẳn là có sẵn rồi nhưng kỹ năng giao tiếp thì cần phải học.

Dân trong hợp tác xã du lịch nông nghiệp này không còn xa lạ với cảnh ngày làm đồng, tối về đi học. Học ăn, học nói, học cả cách cười sao cho gần gũi thân thương. Tài liệu về sản vật địa phương được phát cho mỗi người dân để tự tin trao đổi với du khách mỗi khi cần. “Ối dào! Làm gì có ai hiểu về hạt lúa hơn chính người nông dân đã cấy trồng ra nó”. Ai đó nói vậy khi cầm trên tay sấp giấy chi chít chữ.

Nói gì thì nói, làm du lịch mà có tâm như cậu chủ là điều đáng quý mà không phải ai cũng làm được. Nhưng trong phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” hẳn cậu ấy đã gạt phắt bà cụ ra ngoài. Cậu đâu có biết rằng thứ mà khách nhớ nhất có khi chẳng phải là câu chuyện ứng xử lịch thiệp, văn minh với những cái cúi chào hay nụ cười công nghiệp. Hay là những vườn nho rộng mênh mông, đàn cá suối biết mát xa chân, những thảm hoa kéo dài khắp các cung đường. Thứ mê hoặc khách hơn cả ấy chính là nụ cười móm mém, sự nghễnh ngãng, đãng trí của một người già.

Những người già vẫn bị lãng quên đâu đó sau cánh cổng nhà khóa kín, mừng rỡ khi thấy có người chịu dừng lại chuyện trò. Họ là những người chờ mong khách du lịch mỗi ngày, chẳng phải để buôn bán thứ gì, cũng chẳng trực tiếp nhận đồng tiền nào từ tay khách. Họ chờ khách mang đến những vùng đất lạ xa qua màu tóc, nước da, ngay cả thứ ngôn ngữ người già không hiểu được.

Cậu chủ đâu có biết khách quay lại nơi này có khi chỉ đơn giản là mong gặp bà cụ năm xưa. Để nhờ cách chỉ đường trong mường tượng của bà, khách đã đến được trang trại kiến vàng nằm tít hút sau dãy núi phía Đông. Đi theo dấu chân của loài kiến thiên địch lợi hạy ấy, khách được nếm những trái cam ngọt lịm. Nếu không nhờ bà cụ chắc khách đã tìm vui ở một nơi nào khác, đông dấu chân người. Lần này quay lại, khách muốn được thử xem bà cụ sẽ chỉ mình tới đâu. Nhìn theo ngón tay già nua ấy biết đâu rất nhiều điều bất ngờ đang chờ khách…

Vũ Thị Huyền Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối