Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Thương về ‘cây bẹo’ trên chợ nổi Cái Răng

(SGTT) - Chợ nổi Cái Răng nói riêng, những khu chợ nổi khác còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau.

"Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Bá Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ"

Có lần nghe dòng thơ trên của tác giả Huỳnh Kim (thành phố Cần Thơ), chị nhắn tin hỏi tôi “Treo bẹo là gì vậy em?”. Tôi không biết lý giải thế nào để chị tôi dễ dàng hình dung ra cây bẹo, sực nhớ đến tấm tôi chụp được từ bữa đi chợ nổi Cái Răng cùng mấy em sinh viên trường Đại học Cần Thơ. Tôi gửi cho chị, kèm theo lời mời mọc “Về Cần Thơ đi chị, em dẫn chị ra chợ nổi chơi để biết treo bẹo là gì!”. Tất nhiên là chị đồng ý ngay.

Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hoàng Khánh Duy

Chị là người xứ khác vào miền Nam công tác. Cũng như tôi, chị thích được đi đó đây, được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa của từng vùng miền trên khắp đất nước. Chị nói phong cảnh miền Tây đẹp, người miền Tây chân chất, hiền lành. “Hay là chị lấy chồng miền Tây nhỉ?”, chị đùa. Đó cũng là một sự chọn lựa, nếu trong tim người khách lỡ chọn miền Nam làm chốn dừng chân có một tình yêu thiết tha dành cho đồng bằng châu thổ.

“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” (Hoàng Nhuận Cầm), sau một đêm say sưa trong giấc mộng Ninh Kiều, chúng tôi chuẩn bị đi ghe ra chợ nổi Cái Răng khi trời tờ mờ sáng. Mỗi lần được trở về với sông nước tôi đều thấy thích thú và xúc động, cảm giác của đứa con xa mẹ lâu ngày, đến khi gặp lại mừng mừng tủi tủi.

Chị ngồi trên mũi ghe ngắm cảnh mây trời, tôi nhìn sương tan vào sóng. Tôi hít một hơi thật sâu, làn gió thổi ngang qua dòng sông mang theo hương phù sa, hương bùn non… khiến lồng ngực tôi căng đầy. Một cảm giác sảng khoái chen lẫn niềm hạnh phúc len lỏi trong tôi.

Ghe đến chợ nổi cái Răng khi trời hửng sáng. Bình minh trên sông thật đẹp. Khoảnh khắc nhìn những chiếc ghe, xuồng bồng bềnh trên sông, nhấp nhô trên sóng, tôi kéo tay chị, reo lên “Chị, cây bẹo kìa. Cây bẹo trong câu ‘Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng’ đó!”.

Bẹo - thực ra là một phương thức để người trên ghe quảng cáo, giới thiệu những mặt hàng mà họ bán. Ảnh: Hoàng Khánh Duy

Bẹo - thực ra là một phương thức để người trên ghe quảng cáo, giới thiệu những mặt hàng mà họ bán. Đó là một nhánh cây được cắm ở trước mũi hoặc bên hông chiếc ghe, trên đầu cây treo lủng lẳng nào bí, nào bầu, nào khóm, nào rau củ… kết hợp với tiếng rao lảnh lót của người bán hàng.

Tác giả Trương Hòa Bình đã từng viết “Hỡi cô em gái đẹp xinh/ Tìm em ngỏ ý kết tình se duyên/ Ghe ba má em lá dừa treo bẹo/ Anh xin mua về xây tổ ấm nhe em?”. Cái tiếng “bẹo” ấy dần dà trở thành tiếng thương, tiếng nhớ, tiếng chòng ghẹo lém lỉnh của bao đôi nam nữ sinh ra và lớn lên trên dòng sông này. Đã có những đôi tình nhân thành vợ, thành chồng, sống bên nhau cho trọn chữ “gừng cay muối mặn” cũng vì tiếng “bẹo” ấy…

Tôi đưa chị về chợ nổi Cái Răng vào độ tháng Tư, tháng Năm, khi hai bên dòng sông Cần Thơ rực đỏ sắc hoa phượng vĩ, lung linh ánh vàng của hoa hoàng yến. Độ ấy, những vườn dâu Hạ Châu miệt Phong Điền cũng đã vơi bớt vị chua, nhũng chùm quả lúc lỉu ngọt thanh như một lời mời khách thập phương tìm đến. Những thứ quả rút giọt phù sa để sinh sôi và ngọt mát được bày bán trên những chiếc ghe đậu ngang dọc, không thứ tự ở chợ nổi Cái Răng.

Lời rao được cất lên, vô tình neo đậu trong lòng của người trai xứ khác để rồi một lần được đến, trọn đời vấn vương. Nhưng không chỉ mùa mưa sa ở đồng bằng châu thổ thì chợ nổi mới đẹp và những chiếc ghe chiếc xuồng chở nhiều đặc sản.

Chợ nổi Cái Răng nói riêng, những khu chợ nổi khác còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau. Ảnh: Hoàng Khánh Duy

Chợ nổi Cái Răng nói riêng, những khu chợ nổi khác còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau. Ấn tượng nhất trong tôi có lẽ là mùa xuân sông nước, khi những ghe xuồng chở đầy hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mai và nhiều loài hoa sặc sỡ khác tụ hội trên sông, điểm xuyết cho chợ nổi Cái Răng những mảng màu tươi tắn.

Chị tôi mải mê ngắm nhìn. Tôi biết chị dẫu được sinh ra và lớn lên trên miền đất khác không phải đồng bằng châu thổ miền Tây, nhưng chị đã “phải lòng” xứ này, “phải lòng” những dòng sông uốn cong chuyên chở bao phận đời thương hồ nổi trôi vô định.

Đó là miền Tây, là đồng lúa chín vàng, là dòng sông, là chợ nổi… và những bóng dáng tuy gian khó trong cuộc sống đời thường nhưng hồn hậu nghĩa tình, thủy chung son sắt… Một chuyến đi không thể biết hết được nhiều điều, nhưng tôi tin rằng chị sẽ yêu miền Tây sông nước, sẽ yêu giọng nói, yêu cái cười hề hà của người xứ này.

Hoàng Khánh Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối