Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Thuyền du ngoạn trên sông vẫn nằm bến

BẢO UYÊN - 

Khai trương từ đầu tháng 9-2015 nhưng mãi đến gần cuối tháng 3-2016 tour du lịch Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TPHCM) mới chính thức đi vào hoạt động. Vì nhiều lý do, tuyến du lịch đường thủy này vẫn chưa thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của du lịch thành phố như kỳ vọng trước đó.

Những trở ngại

thuyendulich2Thuyền du ngoạn trên sông nằm chờ khách ở bến Thị Nghè (quận 1). Ảnh: Thành Hoa

Theo thiết kế ban đầu, tour du ngoạn trên sông sẽ có lộ trình dài 4,5 km bắt đầu từ cầu Thị Nghè (quận 1) đến chùa Chantarangsay (quận 3). Ngồi trên thuyền, du khách sẽ có dịp ngắm khung cảnh hai bên bờ, đồng thời còn được nghe thuyết minh về lịch sử của thành phố và thưởng thức đờn ca tài tử. Thế nhưng, hiện nay không phải tour nào cũng được áp dụng lộ trình này. Từ nhiều tháng qua, do vướng phải đường ống nước bắc ngang kênh Nhiêu Lộc, đoạn gần cầu Kiệu, nên lịch trình hoạt động của tour phải hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều.

“Khi thủy triều xuống, thuyền mới qua được đoạn kênh này, rồi lên thẳng bến quận 3. Các ngày thủy triều lên cao, khoảng cách giữa mặt nước kênh và ống chỉ 0,7-1 m. Do đó, thuyền chỉ đưa khách đến bến gần cầu Trần Khánh Dư (quận 1) rồi phải quay về”, một nhân viên ở bến tàu quận 1 cho hay.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết Công ty Cấp thoát nước Sài Gòn đã đồng ý lắp đặt lại đường ống nước theo kiến nghị của sở. Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn duy nhất mà tuyến du lịch đường sông này gặp phải.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tour) vừa gửi lên Sở Du lịch TPHCM, hiện trung bình mỗi tháng công ty này phục vụ khoảng 500 du khách. Số lượng khách có tăng lên so với những ngày đầu khai thác tour nhưng vẫn không làm giảm bớt cảnh thuyền nằm đìu hiu ở bến đậu Thị Nghè (quận 1).

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều ngày liền tuyến du lịch đường thủy này không hề có khách tham quan. Còn nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết từ sau ngày khai trương lượng khách tham quan không đáng kể. “Chiều nào tôi cũng ra bờ kênh tập thể dục, để ý thấy thỉnh thoảng mới có vài thuyền chở khách, chủ yếu người nước ngoài”, bà Sang, một người dân sống gần đó cho biết.

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động du lịch này gặp không ít khó khăn trong việc phát triển là dòng kênh có nguy cơ bị ô nhiễm trở lại. Theo quản lý bến thuyền, dù công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM vẫn đều đặn vớt rác mỗi ngày nhưng lượng rác thải vẫn tồn đọng nhiều, nhất là đoạn qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, nơi có đông người dân làm nhà sống trên kênh.

Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã phải lắp đặt thêm những tấm thép không gỉ lớn, tạo thành hình những chiếc phễu ở một số khu vực trên kênh Nhiêu Lộc để rác trên kênh đổ vào cho dễ vớt. Thế nhưng, đây chỉ là một trong những cách “chữa cháy”, hạn chế rác tạm thời.

Đại diện một công ty du lịch cho rằng muốn giải quyết triệt để vẫn phải phụ thuộc vào ý thức người dân. Nhiều khi thuyền đang chở khách đi ngang qua, người dân vui chơi dọc hai bên bờ kênh vô tư ném rác xuống, thỉnh thoảng có người còn trêu chọc du khách hay ném cần câu cá sượt qua đầu khách. “Du khách thấy rác nổi lềnh bềnh, mùi hôi thối phảng phất thì mất hào hứng, các công ty du lịch cũng ngại liên kết đưa khách đến vì sợ bị khách chê, ảnh hưởng đến uy tín”, vị này cho biết.

Không chỉ vứt rác bừa bãi, ban quản lý bến còn cho hay, việc câu cá trái với quy định của người dân ở hai bên bờ kênh cũng đã gây thiệt hại cho công ty. Không ít lần lưỡi câu mắc vào thuyền làm cháy máy trợ lực. Trước những trở ngại này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thành phố muốn đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông, điều đầu tiên cần làm là phải xử lý nghiêm nạn vứt rác bừa bãi và câu cá trái quy định.

“Đây không đơn thuần là một tuyến du lịch mà là bộ mặt của thành phố. Thành phố đã nhiều lần ra quân dọn dẹp, xử lý nhưng nếu mạnh phường, quận nào nấy làm thì đâu lại vào đấy cả. Hôm nay, phường ở quận 1 ra quân thì họ lại chạy qua bờ kênh quận Phú Nhuận câu. Cứ thế, không thể nào xử lý triệt để được”, ông Quách Tuấn Lê, một người dân sống gần kênh Nhiêu Lộc nêu thực trạng.

Tour còn đơn điệu

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, nhiều công ty du lịch cũng cho rằng các hoạt động của tour đường sông này vẫn còn đơn điệu, không đủ sức thu hút du khách, nhất là khách nội địa.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Kế hoạch nghiên cứu và phát triển của Sở Du lịch TPHCM, cho biết đơn vị khai thác tour đã có những nỗ lực nhằm tăng thêm sức hút cho tour. Chẳng hạn như tổ chức chương trình đờn ca tài tử trên sông, chương trình dành riêng cho các cặp đôi ngày Valentine… Thế nhưng, khách trong nước không mặn mà lắm với những hoạt động này.

“Có lẽ du lịch sông nước hay đờn ca tài tử đã quá quen thuộc với người dân nên họ không hào hứng. Còn du khách nước ngoài, theo phản hồi chúng tôi nhận được thì đa phần khách tỏ ra rất thích thú. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với công ty trồng thêm hoa hai bên bờ kênh để cảnh quan phong phú hơn”, bà Phương cho biết.

Nói về hình thức vận chuyển du khách chiều ngược lại (từ chùa Chantarangsay về bến cầu Thị Nghè) bằng đường bộ của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, ông Khánh của Sở Du lịch cho rằng dù có gây ra một số bất tiện nhưng xét đến nội dung chương trình tour hiện nay, cách làm này sẽ đỡ gây nhàm chán cho khách tham quan.

“Ngồi gần ba giờ trên thuyền mà chỉ ngắm cảnh, nghe đờn ca tài tử thôi thì chán lắm. Huống hồ cảnh lượt về cũng không có gì mới. Sở đã gửi đơn lên UBND thành phố xin tuyến xe điện hoạt động trên lộ trình này để chở khách về nhưng không biết bao giờ mới có”, ông Khánh cho biết.

Theo ban quản lý bến tàu, những hạn chế về mặt nội dung của tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc hiện nay không phải là công ty không biết đến. Nhưng những trở ngại trên không biết bao giờ mới giải quyết được nên công ty phải cầm chừng trong việc đầu tư phát triển thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối